'Tôi ấm lòng khi Mùa len trâu được đón nhận ở VN'

Vừa qua, bộ phim của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh liên tiếp đón nhận các giải thưởng quốc tế. Tại LHP VN lần thứ 14, bộ phim đã được giới trong nghề đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. Từ Mỹ, đạo diễn đã có cuộc trò chuyện về bộ phim.

- Hơn chục năm nghiên cứu quang học vật lý nhưng khi chuyển sang điện ảnh, bộ phim đầu tay của anh đã đoạt ba giải thưởng quốc tế trong vòng 4 tháng, anh cảm thấy sao?

- Lên trung học, tôi đã được đọc truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Tập truyện kể lại những câu chuyện về vùng đất đặc thù ở bán đảo Cà Mau. Nơi đó, vào mùa lũ hằng năm, đồng ruộng bị ngập trong nước mấy tháng trời. Tôi không chuyển thể tác phẩm văn học của nhà văn Sơn Nam sang điện ảnh mà chỉ lấy không khí truyện và một vài nhân vật để viết kịch bản theo cảm nhận riêng mình. Tuy vậy phải khẳng định, nếu không có tập Hương rừng Cà Mau thì chắc đã không có phim Mùa len trâu. Kịch bản đã đoạt giải IFP của Mỹ và giải E' quinoxe của Pháp. Với giải thưởng này, tôi đã tìm được nhà sản xuất và nhà tài trợ Pháp và Bỉ. Điều may mắn nhất là tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Cục điện ảnh VN.

- Ban giám khảo LHP Chicago đã nhận xét về 'Mùa len trâu': "Làm sao có thể ngờ được một thiếu niên ở VN thời 1940 dắt trâu đi tránh lũ có thể làm người xem cảm thông sâu sắc như vậy", còn anh nhận xét thế nào về tác phẩm của mình?

- Một bộ phim hay không có nghĩa chỉ kể lại một câu chuyện với những hình ảnh đẹp mà cần có những yếu tố tạo được ám ảnh cũng như sự hứng khởi thưởng thức ở người xem. Với Mùa len trâu, tôi đã cố gắng tìm tòi một cái gì đó vượt ra ngoài câu chuyện và những hình ảnh phim. Trong lúc viết kịch bản, tôi cảm nhận trong câu chuyện này, nước không chỉ là một phần hậu cảnh mà là một nhân vật luôn có mặt trong phim. Thông thường, nước là biểu tượng của sự trong sạch và sự sống nhưng trong Mùa len trâu, nước gắn liền với cái chết và sự mục rã. Tuy nhiên, nước cũng đem lại tôm cá, lúa, gạo cho người dân duy trì cuộc sống. Do đó, trong phim, nước là một biểu tượng cho sự không phân cách được giữa sống và chết. Ngoài ra nó còn là biểu tượng của thời gian trôi qua. Có hai loại thời gian trong phim này: thời gian thực với sự mục rã của xác chết, cỏ cây, và thời gian lịch sử với sự qua đi của chiến tranh và chế độ thuộc địa.

- Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đầu tư thêm phần âm nhạc và "lãng mạn" hơn trong những cảnh yêu đương thì bộ phim sẽ ấn tượng hơn, anh nghĩ sao?

- Tôi may mắn nhận được sự cộng tác của nhạc sĩ Tôn Thất Thiết. Chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều và nhạc sĩ đã soạn nhạc sau khi đọc kịch bản và xem hình ảnh phim. Chúng tôi không muốn âm nhạc bị lệ thuộc vào hình ảnh mà âm nhạc phải kể một câu chuyện riêng của nó. Tôi cũng tránh các pha lãng mạn trong những cảnh yêu đương vì sự sexy không hợp với phim Mùa len trâu.

- Các diễn viên tham gia phim hầu như là lần đầu, và đặc biệt với 300 con trâu phải diễn xuất, anh đã gặp phải khó khăn gì?

- Khi chọn diễn viên cho phim, tôi chỉ chú ý tìm người thích hợp với vai. Việc lần đầu đóng phim của hầu hết các diễn viên đã đem lại cho vai diễn sự chân thật, mộc mạc và tươi mát. Đặc biệt, tôi rất thú vị khi được làm việc với diễn viên Trương Ánh Hoa, phong cách diễn xuất của chị ấy khá tinh tế. Riêng với 300 con trâu cần phải có sự điều khiển đặc biệt, mà điều này thì không trường điện ảnh nào dạy cả nhưng công sức lại thuộc về cả đoàn làm phim.

- Kế hoạch phát hành phim ở nước ngoài ra sao?

- Công ty Gobal Film Initiative của Mỹ đã có kế hoạch phát hành Mùa len trâu tại các Viện bảo tàng nghệ thuật và các trường đại học của 15 thành phố lớn ở Mỹ vào năm 2005. Sau đó, Hãng First Run sẽ phát hành ở các rạp tại Pháp và trên đài truyền hình SBS-TV của Australia vào đầu năm 2005. Chúng tôi cũng vừa nhận được tin của đài KBS Hàn Quốc cũng đã mua bản quyền phim để trình chiếu. Mặc dù phim đã đoạt các giải quốc tế nhưng tôi vẫn thấy ấm lòng khi Mùa len trâu được khán giả đón nhận ở VN, vì đây là bộ phim nói về cuộc sống tình cảm của con người VN.

(Theo Văn Hóa)