QH thông qua dự án Luật ANQG và NQ phân bổ ngân sách năm 2005
Ngày 11-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thông qua dự án Luật An ninh quốc gia và Nghị quyết về phân bổ ngân sách năm 2005. Sau đó Quốc hội nghe đọc hai tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), nghe báo cáo thẩm tra hai dự án này.
Ðầu giờ phiên họp buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, QH tiến hành thông qua dự án Luật An ninh quốc gia.
QH đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Văn Khá đọc Báo cáo giải trình, tiếp thụ và chỉnh lý dự án Luật An ninh quốc gia sau khi được các đại biểu QH thảo luận, cho ý kiến.
Báo cáo giải trình nêu rõ những khoản, điều và những vấn đề cụ thể của dự án Luật An ninh quốc gia được tiếp thụ, sửa đổi và chỉnh lý nhằm xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân; về nguyên tắc, chính sách, các biện pháp thực hiện nhằm bảo vệ có hiệu quả an ninh của con người và đất nước trong thời kỳ mới.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua với đa số phiếu tán thành các điều: 1, 4, 5, 15, 22, 23, 24 và 30 quy định về: Phạm vi điều chỉnh; chính sách, nguyên tắc, biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia; các cơ quan chuyên trách và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan này trong việc bảo vệ an ninh quốc gia; việc thống nhất quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia.
Với 415 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 83,84% so với tổng số đại biểu, QH đã thông qua toàn bộ dự án Luật An ninh quốc gia gồm năm chương, 36 điều.
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Trương Quang Ðược, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Nguyễn Ðức Kiên đọc Báo cáo giải trình, tiếp thụ về phương án phân bổ Ngân sách T.Ư và địa phương năm 2005; dự thảo Nghị quyết của QH về vấn đề kể trên.
Báo cáo giải trình làm rõ việc giao thêm chỉ tiêu thu ngân sách năm 2005 từ quyền sử dụng đất, dầu thô và một số nguồn thu khác; phân bổ chi cho đầu tư phát triển, chi viện trợ, chi y tế, giáo dục và dạy nghề, xoá đói, giảm nghèo, an ninh - quốc phòng, chi cho dự phòng ngân sách...
Sau khi nghe Ủy viên Ðoàn Thư ký kỳ họp Trịnh Huy Quách đọc toàn văn dự thảo Nghị quyết về phân bổ Ngân sách T.Ư năm 2005, QH đã biểu quyết lần lượt thông qua các phần của Nghị quyết này về tổng số thu, tổng số chi Ngân sách T.Ư và địa phương. Cuối cùng, với 417 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 84,24% so với tổng số đại biểu, QH đã thông qua toàn bộ Nghị quyết về phân bổ Ngân sách T.Ư năm 2005.
Buổi chiều, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Báo cáo cho biết, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, sau Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Dân sự hiện hành giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Ðây là văn bản pháp luật điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội. Qua tám năm thực hiện, đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các giao dịch dân sự, góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các chủ thể.
Tuy nhiên, đến nay Bộ luật này cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập; trong đó có một số quy định không còn phù hợp thực tế, có những quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ, quy định quá chung, chưa cụ thể...
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự là cần thiết và cấp bách. Bộ luật Dân sự hiện hành gồm bảy phần, 838 điều. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) giữ sáu phần, trong đó sửa đổi 314 điều, bổ sung mới 67 điều, bỏ 101 điều và giữ nguyên 359 điều.
Thay mặt Ủy ban Pháp luật của QH, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Ðức Khiển đọc báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nêu rõ Ủy ban Pháp luật nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự và tán thành nhiều nội dung của dự thảo.
Báo cáo cũng trình bày kỹ những ý kiến của các thành viên Ủy ban về một số vấn đề xin ý kiến trong tờ trình của Chính phủ. Thí dụ, về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, trong Tờ trình đề nghị bỏ phần thứ 5: "Những quy định về chuyển quyền sử dụng đất" của Bộ luật Dân sự hiện hành. Nhiều thành viên Ủy ban không tán thành đề nghị này, nhưng cũng có một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ. Báo cáo thẩm tra cũng đề cập nhiều vấn đề cụ thể của dự thảo Bộ luật như: Quy định hạn chế năng lực hành vi dân sự; người đại diện theo ủy quyền; chuyển giao tài sản; cầm cố tài sản hình thành trong tương lai...
Ðọc Tờ trình về dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðào Ðình Bình đã trình bày rõ hiệu quả áp dụng Bộ luật Hàng hải Việt Nam (năm 1990) hiện hành và những hạn chế của Bộ luật này trong thực tế hiện nay; đồng thời nêu rõ các quan điểm và nguyên tắc sửa đổi Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 1990. Ðó là:
- Bảo đảm tính kế thừa nội dung điều chỉnh của Bộ luật 1990 và chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh hay quy định chưa rõ hoặc còn thiếu thống nhất; bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, hội nhập của ngành hàng hải Việt Nam.
- Ðáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành hàng hải Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
- Bảo đảm tính phù hợp, sự thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam.
- Việc vận dụng quy định của các điều ước, tập quán quốc tế và luật nước ngoài phải phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, xu thế phát triển luật hàng hải quốc tế và sát với thực tiễn hoạt động hàng hải của Việt Nam.
Dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) gồm: Lời nói đầu và 19 chương, trong đó giữ nguyên cấu trúc 18 chương, bổ sung Lời nói đầu và Chương XVIII-Quản lý Nhà nước về hàng hải; có 7 chương thay đổi tên gọi và 5 chương được chia thành các mục riêng.
Dự thảo Bộ luật có 253 điều, nhiều hơn Bộ luật hiện hành 9 điều và các điều của dự thảo có tên gọi riêng (Các điều Bộ luật hiện hành không có tên gọi riêng).
Ông Vũ Ðức Khiển, thay mặt Ủy ban Pháp luật của QH đọc báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật này, khẳng định Ủy ban Pháp luật của QH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 1990. Báo cáo cũng nêu rõ các ý kiến của thành viên Ủy ban về phạm vi điều chỉnh và một số vấn đề lớn của dự thảo Bộ luật này.
Ngày 12-11, theo chương trình, buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, buổi chiều làm việc tại tổ.
Nhân Dân, 11/11/2004