Chìm "thành phố nổi"
Làng cá bè ở An Giang từng một thời được mệnh danh là "thành phố nổi" trên sông Tiền, sông Hậu bởi quy mô và sự tiện nghi. Trên cái "thành phố nổi" ấy, đã từng có những chuyện làm giàu như huyền thoại. Thế nhưng, bây giờ, dù đang là mùa thu hoạch cá, nơi ấy vẫn như chìm trong giấc ngủ. Các "đại gia" cá tra, cá ba sa ráo riết bán đổ bán tháo những "biệt thự nổi" trên sông để cố mình thoát khỏi cơn lốc phá sản đang đến gần...
Đìu hiu "thành phố nổi"...
Tháng 10, mùa thu hoạch cá, nhưng làng bè ở An Giang, từng một thời được mệnh danh là "thành phố nổi"trên sông Tiền, sông Hậu bởi quy mô và sự tiện nghi, vẫn như chìm trong giấc ngủ. Dọc xã cù lao Mỹ Hoà Hưng (Long Xuyên) - thủ phủ mới của làng cá bè An Giang, thay vào cảnh tất bật cất cá với những tiếng cười giòn tan là những gương mặt thẫn thờ của người đang trong cuộc chia ly không hẹn ngày tái ngộ.
Anh Lê Thanh Trung cho biết: "Gió bấc đang đến, nhiều người muốn cất bè bán nhanh để tránh cá đổ bệnh, nhưng nếu có 1 người muốn bán cá thì có đến 10 người bán bè. Cá thì có thể kèn cựa giá, còn bè thì lỗ bao nhiêu cũng bán". Không chỉ có ngư dân mà ngay cả các doanh nghiệp trực tiếp chế biến cũng bị cuốn vào cơn lốc bán bè với bất cứ giá nào.
Ông Bửu Huy - Phó Giám đốc Cty XNK nông sản thực phẩm An Giang (Afiex), Giám đốc Xí nghiệp đông lạnh thuỷ sản Afiex - xác nhận: "Chúng tôi đang ráo riết tìm mối để bán gấp hơn 20 bè cá của Cty, cố gắng kìm giá huề vốn, nhưng nếu lỗ cũng bán".
Có thể nói những ngày này "thành phố nổi" ở An Giang đang tan tác trước cơn lốc bán bè. Những người chưa bán được bè nếu chưa tìm được giống loài thuỷ sản nào thả nuôi để chờ cơ hội thì chấp nhận bỏ trống chứ không một ai dám thả nuôi cá tra hoặc ba sa. Theo số liệu từ Hiệp hội Thuỷ sản An Giang (AFA), hiện toàn tỉnh chỉ còn khoảng 2.000 bè cá, giảm gần 50% so với năm trước và tới đây con số này tiếp tục sụt giảm và khả năng đặt dấu chấm hết cho làng cá bè là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Đoạn kết thời vàng son
Chỉ trong một tháng nay giá thu mua cá nguyên liệu sụt giảm bình quân từ 2.000-3.000 đồng/kg, từ 14.000-15.000 đồng hồi tháng 9 nay chỉ còn 9.500-11.000 đồng/kg. Thật ra sự trồi sụt giá là chuyện thường năm ở làng bè.
Tuy nhiên, năm nay được xem như hiện tượng "trái mùa" bởi thông thường vào thời điểm này, giá cá ở mức cao vì các doanh nghiệp tranh mua chuẩn bị xuất khẩu phục vụ cho lễ Giáng sinh và Tết dương lịch. Nhưng hiện nay các đối tác chỉ đồng ý mua với giá thấp hơn tháng trước 20-30cent/kg philê (tương đương 3USD) nên buộc lòng doanh nghiệp phải hạ giá mua nguyên liệu.
Giá cá đồng loạt giảm, chỉ hiềm một nỗi, cái giá ấy đang có sự chuyển dịch "ngược đời". Hiện cá tra, ba sa nuôi bè được mua với giá rẻ hơn nuôi hầm và đăng quầng bình quân từ 1.000-2.000 đồng/kg. Tính đến ngày 20.10, giá mua cá bè dừng lại ở mức 11.000 đồng/kg; trong khi đó, cá hầm, đăng quầng lên đến 12.000-13.000 đồng.
Ông Bửu Huy phân tích: "Trong làm ăn, cái gì chất lượng sẽ được mua với giá cao, trước đây khi ngư dân chưa có kỹ thuật nuôi được cá thịt trắng trong ao hầm thì cá bè là số một cả về ưu tiên lẫn giá cả. Còn bây giờ, cá ao hầm đã có được thịt trắng, mà lại dè dặt; trong khi đó, cá bè lại nhiều mỡ, phải mất hơn 3kg nguyên liệu mới chế biến được 1kg philê, trong khi đó tỉ lệ này đối với cá ao hầm bình quân là 2,7kg, vì vậy có sự chênh lệch giá mua là điều tất nhiên".
Ông Phan Văn Danh - Phó Chủ tịch AFA - thừa nhận: "Cái khắc nghiệt ở đây là giá thành cá bè cao hơn cá hầm, chưa khấu hao tài sản, mỗi ký cá bè thành phẩm đã lên đến 11.000 đồng. Trong khi đó, cá ao hầm chỉ vào mức 9.000-9.500 đồng".
Theo ông Danh, sau hơn 50 năm thống trị về tính ưu việt mà không có điều chỉnh bổ sung nên công nghệ nuôi bè đã bộc lộ 3 nhược điểm làm ảnh hưởng đến chất lượng: Kết cấu bè gây ra làm tiêu tốn bất hợp lý; tỉ lệ nuôi dày, phía trên lại được trưng dụng làm nhà ở khiến cá thiếu ánh sáng; cộng với môi trường nguồn nước đang có nhiều vấn đề đã khiến cá ăn nhiều, nhưng dễ bị bệnh, hao tiền điều trị mà chậm lớn hơn so với nuôi ao, hầm.
Liệu có hồi sinh?
Ông Bửu Huy cho biết: "Tuy sản lượng chăn nuôi của An Giang vượt 40% công suất chế biến của 6 nhà máy trong tỉnh, nhưng vấn đề giá giảm chủ yếu là do yếu tố thị trường. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá cá tra, ba sa tiếp tục sụt giảm; nhiều khả năng người nuôi bị lỗ, riêng với người nuôi bè chắc chắn lỗ đậm". Người nuôi sẽ bán bè, nhưng khả năng tạo dựng lại thì vô cùng mong manh".
Anh Phan Văn Danh toan tính: "Những ngày gần đây, AFA phát động tháo dỡ mái che trên bè để tăng khả năng quang hợp cho cá đã mang lại hiệu quả tương đối cao, cá ít mắc bệnh... Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi nếu đóng bè quy mô 100 tấn sản lượng chí ít cũng vài ba trăm triệu đồng, số tiền này đủ để mua được 1ha đất đào hầm. Ngoài yếu tố thuận lợi ở khâu tiêu thụ sản phẩm, nuôi hầm còn có lợi thế là chủ động điều khiển cho cá tránh được nguồn nước trong những ngày có sự biến động. Mặt khác nhiều nhất là sau 10 mùa nuôi tiền sắm bè biến thành củi mục, thì đất đào hầm chỉ có tăng thêm giá trị mà thôi".
Ông Bửu Huy cũng cho biết thêm, trước mắt, hầu hết các doanh nghiệp đều có vùng nguyên liệu riêng do chính doanh nghiệp trực tiếp chăn nuôi để làm đối trọng bình ổn giá, vì vậy rất khó có thể xảy ra tình trạng trúng lớn về giá nên cơ hội để người nuôi bè tái xuất là rất thấp. Mặt khác, hiện tại toàn bộ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, ba sa vào thị trường lớn của thế giới là Mỹ đều vướng phải rào cản thuế quá cao, từ 36 đến 63% nên không một ai dám mua cá nguyên liệu với giá cao.
Trong khi đó để chuẩn bị cho phía Mỹ xem xét lại mức áp thuế này, liên tục trong 5 năm, mỗi doanh nghiệp phải chi ra số tiền 100.000USD/năm để thuê luật sư trợ giúp. Chính điều này cũng gián tiếp kìm giá thu mua. Theo thông tin chúng tôi được biết, tới đây một số nước như Campuchia, Thái Lan sẽ bắt đầu nuôi cá tra, ba sa xuất khẩu; vì vậy, cá tra, ba sa của chúng ta sẽ mất đi lợi thế một mình một chợ. Điều này đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho công nghệ nuôi bè trong cuộc chạy đua giá thành.
Sau hơn 50 năm tồn tại như kỳ công giúp người dân vùng sông nước đầu nguồn làm giàu, giờ đây làng cá bè đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nhường bước cho loại hình thích hợp với nhu cầu của thời kinh tế thị trường. Đó chính là quy luật tất yếu của sự phát triển. Cuộc chia tay sau hơn nửa thế kỷ gắn bó chắc chắn sẽ đầy luyến tiếc, nhưng những làng bè sẽ thanh thản ra đi bởi đằng sau nó những người dân cần cù đã tạo dựng loại hình mới đủ sức gánh vác trọng trách mà trước đây nó đã từng làm.
Ông Nguyễn Văn Chên - Chi hội trưởng Chi hội Phú Bình (huyện Phú Tân) cho biết: "Kỹ thuật nuôi cá ao hầm rất dễ. Sau khi đào hầm, rắc vôi làm vệ sinh. Hầm nhất thiết phải có đường dẫn nước với hệ thống điều khiển chủ động theo ý muốn. Có thể ngăn chặn trong những ngày nguồn nước bên ngoài bị ô nhiễm. Hàng ngày bơm nước vào để làm mới nguồn nước. Thức ăn cho cá cũng rất quan trọng đến việc ổn định nguồn nước. Đảm bảo thức ăn cho cá có tỉ lệ đạm từ 15% trở lên và bổ sung một số acid amin thiết yếu để cân đối dinh dưỡng, đồng thời giúp cá ăn ngon miệng và tiêu hoá thức ăn tốt hơn.
Việc cho cá ăn phải đúng cách, nghĩa là phải quan sát, theo dõi hoạt động và sức tăng trọng của cá để cho ăn vừa đủ. Bởi vì, nếu dư mồi thì dơ nước và bao mồi, mà nếu thiếu mồi thì cá ăn không đủ sức cũng ảnh hưởng đến sức lớn.
Sau mỗi vụ nuôi, tát cạn nước tiếp tục rắc vôi bột và phơi nắng đáy hầm trong 1 tuần lễ hoặc nhiều hơn càng tốt. Với diện tích ao 2.000m2, tôi thả 30.000 con cá tra cỡ 3 phân, sau đúng 3 tháng, cá đã đạt trọng lượng hơn 1kg/con, thu hoạch được 31 tấn bán với giá 12.600 đồng/kg.
Lao Động, 27/10/2004