Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới QH
Trong phiên họp sáng 26-10 của kỳ họp thứ 6, QH khóa XI, ông Huỳnh Ðảm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trình bày trước QH Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến QH tại kỳ họp này. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn bản báo cáo nói trên.
Thực hiện Nội quy kỳ họp Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XI, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ðến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được văn bản của 29 cơ quan Nhà nước trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Chúng tôi nhận thấy cơ bản các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã nghiêm túc xem xét, đề ra nhiều giải pháp từng bước giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Tuy nhiên, kết quả giải quyết đạt được chưa cao, có những việc phải giải quyết trong thời gian dài, một số bộ, ngành còn trả lời chung chung, viện dẫn cơ chế chính sách để giải thích, chưa đưa ra được những giải pháp khả thi để giải quyết đến nơi, đến chốn ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Cử tri và nhân dân đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thử thách, trước sự biến động phức tạp của tình hình thế giới và khó khăn trong nước, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng ở mức khá cao; một số vấn đề bức xúc đã và đang từng bước được giải quyết. Việc nhà nước tổ chức thành công Hội nghị Á - Âu lần thứ 5 (ASEM-5) đã tiếp tục nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, hoạt động của Quốc hội và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn còn nhiều ý kiến về một số vấn đề bức xúc nêu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI chưa được làm rõ, giải quyết chưa đến nơi đến chốn như: tình hình giá cả nhiều mặt hàng tăng cao vượt quá chỉ tiêu cho phép của Quốc hội trong năm 2004; tình trạng đầu tư tràn lan; thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản, những dư luận về tiêu cực trong ngành bưu chính - viễn thông, một số công trình phục vụ SEA Games 22. Chất lượng giáo dục đào tạo, việc khám, chữa bệnh cho người nghèo, cải cách hành chính, thi hành pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo, v.v. chưa có chuyển biến rõ rệt. Những ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri và nhân dân, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập hợp để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thay mặt Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin trình bày với Quốc hội báo cáo tổng hợp những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề bức xúc của cử tri và nhân dân kiến nghị như sau:
1- Về tổ chức kỳ họp của Quốc hội
Cử tri và nhân dân hoan nghênh kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đã tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp như đổi mới cách xây dựng và thông qua luật. Cử tri và nhân dân rất quan tâm đến các phiên họp trong 3 ngày chất vấn của các đại biểu Quốc hội, đã trả lời được một số vấn đề cử tri và nhân dân đang bức xúc quan tâm, qua đó đã nâng cao trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, của các cơ quan Nhà nước đối với cử tri và nhân dân. Tuy nhiên, một số đại biểu chất vấn còn chung chung, không rõ nội dung, đại biểu Quốc hội là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tham gia chất vấn còn ít; trả lời chất vấn của một số bộ, ngành chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa đưa ra được những giải pháp khả thi nên chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri và nhân dân. Cử tri và nhân dân các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng, các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Thái Bình, Yên Bái, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận và nhiều địa phương mong muốn Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp, bố trí thời gian chất vấn và trả lời chất vấn dài hơn, để nhiều đại biểu Quốc hội được chất vấn và nhiều cơ quan Nhà nước trả lời chất vấn.
2- Hoạt động giám sát của Quốc hội
Thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, và qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cử nhiều đoàn đi giám sát ở một số địa phương, một số lĩnh vực bức xúc mà cử tri và nhân dân kiến nghị, đã có tác động tốt, nhiều vấn đề qua giám sát được các cơ quan hữu quan quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, hiệu quả giám sát chưa cao, chưa phát hiện được những vụ việc tiêu cực lớn. Cử tri và nhân dân kiến nghị các đại biểu cần tập trung giám sát nhiều hơn trên các lĩnh vực thi hành pháp luật, giám sát việc vay, quản lý và sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và các chương trình, dự án viện trợ nước ngoài; giám sát trên một số địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng có hoàn cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; giám sát trên các lĩnh vực quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, dầu khí, bưu chính - viễn thông, xuất nhập khẩu; giám sát về cải cách hành chính, công tác tổ chức cán bộ, v.v.
3- Về đấu tranh chống tham nhũng
Ðông đảo cử tri và nhân dân cả nước hoan nghênh Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa qua đã tập trung kiểm tra giám sát, điều tra, xét xử một số vụ án tham nhũng và đang tiếp tục xem xét một số vụ việc tiêu cực ở Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, việc cấp quota xuất khẩu hàng dệt may ở Bộ Thương mại, v.v.
Trước hình hình bức xúc hiện nay về tệ nạn tham nhũng chưa được đẩy lùi, ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, vụ trước xử chưa xong lại phát hiện vụ sau nghiêm trọng hơn; cử tri và nhân dân các thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Ðồng Nai, Bình Dương, Trà Vinh, Quảng Nam, Kon Tum, Ðác Lắc và nhiều địa phương kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật chống tham nhũng và thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, nhằm tập trung chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt hơn, hiệu qủa hơn; xem xét và xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan và ngành để xảy ra những vụ việc tiêu cực lớn và thông báo công khai cho cử tri và nhân dân được biết.
4- Về công nghiệp và đầu tư xây dựng cơ bản
Cử tri và nhân dân nhiều địa phương vẫn còn băn khoăn, lo lắng trước tình trạng kéo dài trong công tác quy hoạch đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, một số công trình giao thông, thủy lợi, đầu tư tràn lan, công trình chưa đủ điều kiện khả thi vẫn cho thi công làm dở dang và kéo dài thời gian thực hiện, gây thất thoát, lãng phí; tình trạng quy hoạch treo một số công trình chủ đầu tư nhận đất rồi để hoang hóa, trong khi đó nông dân lại thiếu đất sản xuất; việc giải tỏa mặt bằng, di dời đền bù ở nhiều công trình chưa công khai dân chủ, thiếu minh bạch, giá đền bù chưa hợp lý, có nơi chính quyền còn khoán cho doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhân dân, dẫn đến thắc mắc với chính quyền, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, từ đó phát sinh khiếu kiện vượt bậc, khiếu kiện đông người; chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân khi thu hồi đất. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng trên.
Cử tri và nhận dân các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Ðịnh, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Vĩnh Long, An Giang, Kon Tum, Ðác Nông và nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ xem xét việc đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng đang bị đình trệ trong các lĩnh vực như công nghiệp, giao thông, thủy lợi, để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Quốc hội và Chính phủ cần quy định rõ và công khai tiêu chí về định mức phân bổ vốn đầu tư cho các địa phương, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các vùng, miền, khắc phục cơ chế "xin - cho".
5- Về đời sống của công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất
Trong những năm qua, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và hàng vạn doanh nghiệp mới được thành lập đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch, biến động lao động và giải quyết lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp lại doanh nghiêp nhà nước đang gây sức ép lớn cho công tác quản lý, sử dụng lao động ở nhiều doanh nghiệp. Hiện nay, lương bình quân của công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ đạt từ 650.000 đến 750.000 đồng/người/ tháng và không có khoản thu nhập nào khác; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay vẫn giữ quy định tỷ giá chuyển đổi từ đồng Việt Nam sang đô-la Mỹ là 13.910 đồng/đô-la; nhiều quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, công nhân phải làm thêm nhiều giờ trong tháng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không đầy đủ, thiếu kịp thời; hơn 90% công nhân phải đi thuê nhà ở. Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Quy chế dân chủ ở các loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã, kinh tế cổ phần, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Kiến nghị Chính phủ phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xét xét, quan tâm bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho công nhân, lao động, nhất là có chính sách cho vay vốn ưu đãi, thuê đất, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân; chuyển đổi đồng đô-la sang đồng Việt Nam phù hợp với thời giá thị trường để công nhân không bị thiệt thòi; thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân, lao động.
6- Về nông nghiệp, nông thôn và nông dân
Hiện nay, giá cả trôi nổi, sự quản lý của Nhà nước chưa có hiệu quả, giá một số vật tư nông nghiệp tăng nhanh nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, v.v.; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn nhiều, trong khi nhiều mặt hàng nông sản lại giảm giá làm cho nông dân bị thiệt thòi. Ðông đảo cử tri và nhân dân nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ nhanh chóng tăng cường biện pháp quản lý thị trường, kiểm soát giá cả, nhất là giá vật tư nông nghiệp; có chính sách trợ giá tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, vay vốn tín dụng ưu đãi, bảo hiểm cây lúa, đầu tư nâng cấp các công trình thủy nông. Xây dựng cơ chế, chính sách để tăng cường sự liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông), giúp đỡ nông dân quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hợp đồng dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Cử tri và nhân dân vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn mong muốn Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa về điện, đường giao thông, thủy lợi. Những xã đặc biệt khó khăn chưa giải quyết cơ bản mong muốn được Chính phủ tiếp tục đầu tư kéo dài thực hiện Chương trình 135 thêm một số năm; các xã thuộc vùng 2 có những thôn, bản đặc biệt khó khăn kiến nghị Chính phủ cho được đầu tư theo Chương trình 135.
Hiện nay, tiến độ trồng rừng còn chậm, trong khi đó đất trồng, đồi núi trọc còn nhiều. Cử tri và nhân dân các tỉnh Hà Giang, Bắc Cạn, Ðiện Biên, yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Cà Mau và nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ tăng suất đầu tư, tăng kinh phí cho chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, nâng mức khoán bảo vệ rừng từ 50.000 đồng/ha lên 100.000 đồng/ha.
Cử tri và nhân dân các tỉnh duyên hải miền trung, Tây Nam Bộ phản ánh việc nuôi tôm trên cát đã gây ô nhiễm môi trường, việc đánh bắt xa bờ của ngư dân gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, phương tiện đánh bắt cũ, công suất thấp; tình trạng dùng điện, chất nổ để đánh bắt hải sản làm hủy hoại môi trường... Kiến nghị Chính phủ giải quyết có hiệu quả vấn đề trên.
Cử tri và nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa, Cà Mau và TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất muối; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất muối sạch, muối phục vụ công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khắc phục tình trạng muối sản xuất trong nước không có thị trường tiêu thụ, đời sống của diêm dân cực kỳ khó khăn, trong khi đó một số doanh nghiệp vẫn nhập khẩu muối của nước ngoài.
Cử tri tỉnh Bình Phước phản ánh hiện nay trên thị trường có bán loại thuốc trừ sâu, cỏ Moustov của Mỹ có chứa chất đi-ô-xin. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, nếu đúng thì cần phải nghiêm cấm nhập loại thuốc này.
Vừa qua ở một số địa phương như Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Ðịnh, Bạc Liêu, Cà Mau, Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, v.v. bị sụt lở trên núi và ven sông, ven biển đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho nhân dân. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra những nơi không đảm bảo an toàn cần chủ động quy hoạch, di dời dân và có biện pháp khắc phục, không nên bị động để xảy ra mới tập trung giải quyết hậu quả.
7- Về văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo
Cử tri TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Trà Vinh, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Ðịnh, Cà Mau, v.v. phản ánh về dịch vụ in-tơ-nét đang mọc lên ở khắp nơi có nôi dung độc hại, nhiều hoạt động quảng cáo không phù hợp với thuần phong mỹ tục; trang phục biểu diễn của một số ca sĩ thiếu lành mạnh, ảnh hưởng xấu tới thanh, thiếu niên và học sinh. Kiến nghị Chính phủ tăng cường quản lý Nhà nước và chấn chỉnh tình trạng này.
Cử tri tỉnh Gia Lai và Hà Giang kiến nghị Chính phủ đầu tư, hỗ trợ đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông đại chúng cho đồng bào vùng sâu, vùng xa để đồng bào nắm bắt kịp thời các chủ trương của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe kẻ xấu lợi dụng, xúi giục.
Ðông đảo cử tri đã nhiều lần bức xúc kiến nghị tình hình giá thuốc tân dược lên cao, người nghèo khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn, tình trạng thiếu y đức của một bộ phận y, bác sĩ. Tuy Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế khắc phục tình trạng trên bước đầu có một số chuyển biến. Nhưng cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị cần có giải pháp mạnh hơn và đồng bộ để bình ổn giá thuốc dân dược, quan tâm chế độ bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách, người nghèo. Nhiều người chưa được khám chữa bệnh chu đáo, ở nhiều bệnh viện người bệnh chỉ được cấp thuốc rẻ tiề, thuốc đặc trị đắt tiền phải tự mua, trong khi đó để kết dư bảo hiểm y tế còn hàng nghìn tỷ đồng.
Trước tình hình bức xúc về giáo dục và đào tạo, vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ðây là lĩnh vực rất khó khăn phức tạp, cho đến nay vẫn còn nhiều lúng túng. Tình trạng thương mại hóa giáo dục chưa được ngăn chặn; vấn đề dạy thêm, học thêm vẫn chưa giảm; nạn "học giả nhưng bằng thật", việc thay sách giáo khoa chưa phù hợp, việc trang bị dụng cụ phục vụ giảng dạy và học tập còn thiếu nghiêm trọng; học sinh phải đóng góp nhiều khoản; công tác tuyển sinh, thi cử còn nhiều bất cập, sinh viên tốt nghiệp nhưng phải làm trái nghề hoặc không có việc làm đang là phổ biến. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðà Nẵng, các tỉnh Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ðồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Bến Tre, Ðồng Tháp và nhiều địa phương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ trước mắt nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng trên, cần làm rõ trách nhiệm của những người làm công tác quản lý giáo dục đào tạo; có quyết sách để sự nghiệp giáo dục đào tạo đúng tầm là quốc sách hàng đầu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cử tri các tỉnh Hòa Bình, Hà Tĩnh, Sơn La, Ðiện Biên, Yên Bái, Thái Bình, Hải Dương, Gia Lai, Ðác Lắc và nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp cho hệ mầm non; có chế độ phụ cấp và bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non. Ðối với học sinh bán trú ở vùng sâu, vùng xa kiến nghị được hưởng phụ cấp bằng 1/2 suất nội trú của học sinh nội trú.
Ðông đảo cử tri và nhân dân các địa phương kiến nghị Chính phủ kiểm tra việc sử dụng trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng trường học, đẩy nhanh tiến độ chương trình kiên cố hóa trường học và nâng thêm mức đầu tư cho 1 phòng học ở vùng sâu, vùng xa, vùng địa hình còn khó khăn để bảo đảm xây dựng phòng học theo chuẩn quy định.
8- Về chính sách xã hội
Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với những người có công với nước. Song nguyện vọng của đông đảo cử tri mong muốn Nhà nước quan tâm hơn nữa đối với những người bị nhiễm chất độc da cam, tham gia kháng chiến, bị địch bắt tù đầy, bộ đội thamgia chiến đấu hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; cần có giải pháp phù hợp để sớm giải quyết dứt điểm những trường hợp trên chưa được hưởng chế độ do giấy tờ bị mất, thất lạc hoặc chưa được nhận; cần sửa đổi, điều chỉnh chế độ cho phù hợp đối với những người thuộc diện hưởng 2 chính sách nhưng mới chỉ được hưởng 1 mức cao nhất.
Cử tri TP Hà Nội, các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Phú Yên, Khánh Hòa và nhiều địa phương hoan nghênh Chính phủ đã có quyết định từ 1-10-2004 thực hiện cải tiến tiền lương. Tuy nhiên so với chỉ số giá 9 tháng tăng 8,6% thì đời sống của những người hưởng lương, người hưởng bảo hiểm xã hội, người hưởng chính sách ưu đãi vẫn còn nhiều khó khăn. Kiến nghị Chính phủ xem xét đề án cải tiến chế độ tiền lương một cách toàn diện, tăng chế độ phụ cấp cho các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hưởng chính sách ưu đãi tương ứng với tăng tỷ lệ như người hưởng lương.
Cử tri các tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Quảng Bình kiến nghị Chính phủ có chính sách đầu tư cho các xã biên giới Việt - Lào được hưởng chính sách như các xã thuộc vùng biên giới Việt - Trung. Quan tâm xây dựng hệ thống đường giao thông trên tuyến biên giới; có chính sách phụ cấp cho lực lượng dân quân tự vệ vùng biên giới.
Ðông đảo cử tri và nhân dân các địa phương kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách phụ cấp cho cán bộ y tế ở cơ sở, cán bộ phó các đoàn thể cấp xã, cán bộ thôn, ấp, bản. Ðối với cán bộ đã nghỉ hưu làm công tác ở cấp xã, từ tháng 1-2005 chỉ được hưởng 40% định xuất là không công bằng. Kiến nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh cho hợp lý.
9. Về tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm và tai nạn giao thông
Trong những năm qua Quốc hội, Chính phủ và các ngành chức năng đã có nhiều chủ trương, giải pháp và đầu tư nhiều chương trình dự án phòng chống ma túy, mại dâm; đã phát hiện, bắt giữ đưa ra xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng. Tuy nhiên tình trạng buôn bán, sử dụng chát ma túy và hoạt động mại dâm ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, nhất là tệ nạn ma túy đã xâm nhập vào các trường học đang là nỗi băn khoăn, lo lắng trong nhân dân. Cử tri và nhân dân TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Dương, Tiền Giang, Long An và nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để triệt phá và xử lý thật nghiêm các đường dây, ổ nhóm buôn bán sử dụng chất ma túy và hoạt động mai dâm. Ðồng thời Chính phủ cần có sự đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở cai nghiện, giáo dưỡng, có chính sách thỏa đáng cho lực lượng làm các công việc này.
Cử tri và nhân dân nhiều địa phương phản ánh các tệ nạn xã hội như cờ bạc, số đề, cá độ... diễn ra nhiều nơi, gây hậu quả xấu. Kiến nghị Chính phủ chấn chỉnh tình trạng này.
Về công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông, Chính phủ, các cấp chính quyền, các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp quyết liệt, tuy bước đầu tình hình tai nạn giao thông có giảm, nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người nhất là giao thông đường thủy và đường bộ. Tai nạn giao thông vẫn đang là nỗi bức xúc trong xã hội, là nỗi lo của mỗi gia đình. Cử tri và nhân dân nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo mạnh mẽ hơn đối với chính quyền các cấp, tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động gắn với việc xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm luật lệ an toàn giao thông và nạn mãi lộ.
10. Về cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thi hành pháp luật
Cải cách hành chính là vấn đề rất bức xúc được cử tri và nhân dân kiến nghị nhiều lần, nhưng chuyển biến chậm chạp. Nhiều thủ tục hành chính còn nhiêu khê, nhiều cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân và cho chính bộ máy nhà nước. Kiến nghị Chính phủ có giải pháp đủ mạnh để chấn chỉnh tình trạng này.
Cử tri và nhân dân tin tưởng và phấn khởi trong thời gian qua Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành chức năng có nhiều cố gắng quan tâm giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Song cử tri có ý kiến việc xem xét, giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền còn rất chậm, có biểu hiện tránh né, đùn đẩy; một số vụ án đã xử phúc thẩm, giám đốc thẩm nhưng công dân vẫn bức xúc kêu oan. Kiến nghị Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan xem xét giải quyết nhanh chóng tình trạng trên.
Hiện nay, trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo thì vấn đề bức xúc nhất là lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai và vấn đề đền bù, giải tỏa mặt bằng để chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu công nghiệp, xây dựng các khu tái định cư, công trình điện, đường giao thông, v.v. nhiều địa phương làm không đúng quy trình, thiếu dân chủ, đền bù chưa cân xứng, tiêu cực dẫn đến bất bình trong nhân dân. Cử tri các TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Hậu Giang, Bình Dương và nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét giải quyết, khắc phục tình trạng nêu trên.
Hiện nay, một số luật đã có hiệu lực thi hành, như Luật Ðất đai, Luật Xây dựng, Luật Thanh Tra, v.v. cử tri nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ sớm có các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trên đây là báo cáo tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI. Kính mong Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có liên quan xem xét, giải quyết và thông báo, trả lời cho cử tri, nhân dân và Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam biết.
Nhân Dân, 26/10/2004