Khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI
Sáng 25-10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XI đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Ba Đình - Hà Nội. Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải nêu rõ: Trọng tâm của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005 là đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng. Tốc độ tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 8,5%.
Thủ tướng Phan Văn Khải:Năm 2005, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,5%
Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các vị trong đoàn ngoại giao và đông đảo các vị lão thành cách mạng...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đọc diễn văn khai mạc Kỳ họp và nêu rõ: Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét quyết định các nội dung: Một là, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2004; quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2005. Hai là, thảo luận, thông qua sáu dự án Luật và cho ý kiến chín dự án luật. Ba là, xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác đối ngoại của Nhà nước, về tình hình giáo dục, tình hình quốc phòng, an ninh, tình hình thực hiện các công trình quan trọng quốc gia...
Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trình bày Báo cáo "Mấy vấn đề lớn về phát triển kinh tế - xã hội năm 2005" của Chính phủ. Báo cáo nêu rõ: "...Việc thực hiện nhiệm vụ năm 2004 theo Nghị quyết của Quốc hội đạt kết quả khả quan. Qua tình hình chín tháng đầu năm, có thể dự báo kết quả phấn đấu cả năm về một số chỉ tiêu chủ yếu: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 7,6%, đạt kế hoạch ở mức không cao; giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu vượt kế hoạch năm; thu và chi ngân sách Nhà nước đều vượt dự toán, trong đó thu vượt cao hơn chi; vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá và đạt xấp xỉ mức kế hoạch về tỷ lệ so với GDP; chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong những tháng đầu năm, từ quý 3 giảm dần tốc độ; văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; các chỉ tiêu về tạo việc làm, đào tạo nghề cho lao động giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đều đạt và vượt kế hoạch.
Nhìn lại bốn năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005, tổng sản phẩm trong nước liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước và đạt mức tương đối cao trong khu vực. Kim ngạch xuất khẩu hai năm gần đây tăng nhanh nhưng tính chung bốn năm mới đạt 2/3 kế hoạch đề ra trong kế hoạch 5 năm. Kinh tế dân doanh tăng nhanh và cùng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng quan trọng vào tốc độ tăng trưởng và hiệu quả của nền kinh tế. Thu, chi ngân sách tăng khá, nâng dần tỷ trọng thu nội địa...
Tuy nhiên, kết quả đạt được trong bốn năm qua về một số chỉ tiêu còn thấp so với kế hoạch năm năm, để lại gánh nặng cho năm 2005, nhất là về nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, của khu vực dịch vụ và của kim ngạch xuất khẩu...
Trong thời gian tới, Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đi đôi với tăng cường năng lực và hiệu lực tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đã ban hành, tập trung tạo sức đột phá về những vấn đề then chốt. Theo tinh thần đó, chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005 đặt trọng tâm chỉ đạo điều hành vào các vấn đề: đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng. Tốc độ tăng trưởng GDP phải phấn đấu đạt 8,5%... Muốn vậy không thể chỉ dựa vào các yếu tố tăng trưởng về bề rộng (như tăng đầu tư, sử dụng lao động, khai thác tài nguyên...) mà phải chú trọng nâng cao chất lượng bằng các yếu tố phát triển theo chiều sâu (như nâng cao trình độ công nghệ và quản lý, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí...) nhằm tăng nhanh sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Theo hướng đó, thời gian tới việc huy động các nguồn lực phải đi đôi với nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh...
Năm 2004 cần chú trọng giải quyết mấy vấn đề: "Nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước; Phát huy mạnh mẽ khả năng đầu tư phát triển của khu vực dân doanh và của nước ngoài; Gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường; Tạo bước phát triển mới của khu vực dịch vụ; Nâng tầm hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu...".
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đọc các báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2004 và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2005; về phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương; Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đọc các báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2004 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2005 và Tờ trình về phương án phân bổ ngân sách Trung ương; Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao đọc thuyết trình một số vấn đề cần quan tâm trong việc thực hiện chế độ cử tuyển...
Theo Tin tức