Kinh tế khu vực Tây Nguyên tăng trưởng mạnh
Tây Nguyên "vượt qua cả nước". Có thể nói như vậy, bởi 9 tháng đầu năm 2004 khu vực Tây Nguyên có sự tăng trưởng kinh tế đáng ngạc nhiên, vượt lên tầm bình quân chung của cả nước.
Ông Trần Đăng Khoa, cán bộ của Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: 9 tháng qua, tổng sản phẩm (GDP) của cả vùng đạt tới 9.735 tỉ đồng - một con số chưa cùng kỳ nào của các năm trước đạt được. GDP của các tỉnh trong khu vực đều đạt mức tăng trưởng từ 10,8% - 12,5%.
Nông nghiệp là lĩnh vực có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, có những tiến bộ vượt bậc. Các tỉnh đã tập trung chỉ đạo tận dụng quỹ đất để gieo trồng đạt trên 95% diện tích canh tác (509.000ha). Một số cây trồng ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, được người dân gieo trồng với diện tích cao chưa từng có như ngô lai - gần 180.000ha. Lúa nước không chỉ mở rộng về diện tích mà trình độ thâm canh cũng được nâng cao. Vì vậy, sản lượng lương thực toàn vùng đạt trên 1,5 triệu tấn.
Chăn nuôi cũng đang được các tỉnh thúc đẩy và tăng tốc nhanh dựa vào điều kiện đồng cỏ rộng và nguồn thức ăn từ các cây nông sản phong phú. Tổng đàn gia súc đạt 2,3 triệu con, gia cầm đạt khoảng 8 triệu con (mặc dù dịch cúm gia cầm vừa qua khiến cả vùng phải tiêu hủy tới gần 1 triệu con gà vịt)...
Công nghiệp tăng nhanh cả về sản lượng và số lượng doanh nghiệp. Giá trị sản xuất 9 tháng đạt 3.640 tỉ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp của các tỉnh đều cao hơn cùng kỳ các năm trước, nhờ các sản phẩm chủ lực đều tăng mạnh. Hàng trăm dự án công nghiệp đi vào hoạt động (Đắc Lắc 49, Lâm Đồng 38, Gia Lai 32, Đắc Nông 11, Kon Tum 8).
Các tỉnh đều đang xúc tiến nhanh việc hình thành, mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kêu gọi các nhà đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi, nên công nghiệp Tây Nguyên đã có sự chuyển động nhanh, thoát ra khỏi tình trạng ỳ ạch cố hữu của nhiều năm...
Nông nghiệp, công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông- lâm sản như chế biến gỗ, chế biến càphê, caosu, hạt điều, tinh bột sắn... được quan tâm đầu tư nhiều hơn. 9 tháng qua cả khu vực đã xuất khẩu đạt kim ngạch 313 triệu USD - một con số rất đáng tự hào để Tây Nguyên có thể "dám ngẩng mặt" so sánh với các vùng kinh tế khác như Đồng bằng sông Hồng hay Đồng bằng sông Cửu Long...
Trong 9 tháng, toàn vùng đã thu được 2.007 tỉ, vượt 797 tỉ so với kế hoạch năm 2004. Trong đó Lâm Đồng đã thu được 720 tỉ, Đắc Lắc đã thu được 612 tỉ, vượt cả tổng thu ngân sách cả năm 2003 khi chưa "cho Đắc Nông ra ở riêng"...
Đến nay, toàn vùng đã có 2.286 trường học, trên 1,4 triệu học sinh, trong đó có 482.966 học sinh dân tộc thiểu số. Các tỉnh cũng đã cấp 1,59 triệu thẻ bảo hiểm và khám chữa bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số. Số hộ đói nghèo đã "rớt" nhanh từ trên 18% xuống xấp xỉ khoảng 13%, (Lâm Đồng hiện chỉ còn 8,61%, Gia Lai 12,5%, Đắc Lắc 13,3%...)...
Theo ông Nguyễn Văn Lạng Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc - một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh hàng đầu ở Tây Nguyên hiện nay - thì ngoài sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của trung ương, điều quan trọng hàng đầu là các tỉnh trong khu vực đã có những thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ví như Đắc Lắc đã có sự tập trung đầu tư lớn cho công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến để lĩnh vực này tăng trưởng tới 24%; hoặc trong nông nghiệp, tỉnh đã chuyển dịch mạnh vào ngành chăn nuôi, đưa đàn bò lên tới 145.000 con, đàn trâu trên 20.000 con và 9 tháng đầu năm đã xuất bán ra khỏi tỉnh trên 154.000 con heo với trọng lượng bình quân gần 90kg/con. Đối với cây trồng, tỉnh đã có chương trình phát triển cây ngô lai đúng hướng vì thế đã gieo trồng được 102.000 ha, đưa sản lượng lương thực cả tỉnh lên trên 800.000 tấn, gần bằng với sản lượng khi chưa tách tỉnh...
Ông Lạng nhận định: Tây Nguyên như con tàu đã qua thời kỳ vượt dốc ỳ ạch và đang bắt đầu tăng tốc. Không lâu nữa, 5-10 năm nữa thôi, nhất định vùng này sẽ có sự phát triển vượt bậc và thực sự trở thành một vùng kinh tế động lực như mong ước của Bộ Chính trị và của tất cả người dân đang sinh sống trên địa bàn.
Theo Lao động