"Hãy buộc những kẻ gây tội ác phải chịu trách nhiệm”

Tiếp theo bức thư gửi Tổng thống Mỹ G.Bush và các thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ có trách nhiệm đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt Len Aldis vừa gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan bức thư đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bức thư.

Ngài Annan thân mến,

Tôi xin gửi kèm với lá thư này bản sao lá thư tôi đã gửi cho ngài Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush.

Là Tổng thư ký Liên hợp quốc, một trong số những trách nhiệm của ngài là bảo đảm cho Hiến chương Liên hợp quốc được thực thi chống lại những ai tìm cách hạ thấp nó.

Tôi tin chắc ngài cũng đồng ý rằng bất chấp nhiều sai trái, Hoa Kỳ vẫn là niềm hy vọng của nhiều quốc gia và nhân dân của các quốc gia đó.

Hôm nay, tôi gửi thư tới ngài để tìm công lý cho hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Như ngài biết, việc sử dụng hóa chất trong chiến tranh là vi phạm Công ước Geneva.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, vũ khí hóa học đã được sử dụng trong một thời gian kéo dài 11 năm, từ năm 1961 đến 1972. Trong 11 năm đó, 82 triệu lít chất độc đã được phun xuống các vùng ở miền Nam Việt Nam. Hôm nay, tôi muốn đặc biệt đề cập đến loại hóa chất lâu nay được biết đến với tên gọi "chất độc da cam", một loại hóa chất có chứa dioxin, loại chất độc nguy hiểm nhất trên thế giới.

Nghiên cứu của các nhà khoa học tầm vóc thế giới đã cho thấy rằng chất dioxin đã tàn phá nhiều ha rừng ở miền Nam Việt Nam, gây ô nhiễm đất và ao hồ, sông suối. Tôi không thể loại trừ ảnh hưởng kinh khủng của nó đối với con người Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam đã và tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ gây ra, kết thúc năm 1975. Năm tới - 2005 - sẽ là kỷ niệm lần thứ 30 kể từ khi cuộc chiến tranh đó chấm dứt và các lực lượng Hoa Kỳ rút quân. Nhưng, thưa ngài Annan, khi lực lượng Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam, họ đã để lại di họa khủng khiếp cho tới tận ngày nay. Do kết quả của việc sử dụng chất độc da cam mà đã có khoảng ba triệu người Việt Nam bị những căn bệnh và tật nguyền khác nhau.

Các bậc cha mẹ và gia đình những nạn nhân đáng thương của cuộc chiến tranh đã kết thúc cách đây 30 năm vẫn đang phải chăm sóc những đứa con tật nguyền của họ. Một trong những mối lo mà họ nói với tôi khi tôi đến thăm gia đình họ là: "Điều gì sẽ đến với các con tôi khi tôi qua đời?". Thưa ngài Annan, đó là câu hỏi mà tôi đặt ra với ngài và thông qua ngài, tới các thành viên của Liên hợp quốc.

Năm 1984, các cựu binh Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam đã kiện các công ty hóa chất sản xuất chất độc da cam và các công ty đó đã chấp nhận bồi thường cho họ 180 triệu USD.

Hiện nay, tại tòa án ở New York - thành phố nơi tọa lạc chính tòa nhà của Liên hợp quốc, một vụ kiện đã được khởi đầu bởi ba người Việt Nam bị tác động nghiêm trọng bởi chất độc da cam.

Vụ kiện này, thưa ngài Annan, có thể sẽ phải mất nhiều năm trước khi đạt đến một phán quyết. Hàng nghìn nạn nhân Việt Nam đã chết vì chất độc da cam, và tôi e rằng hàng nghìn người nữa sẽ qua đời trước khi giành được công lý.

Trong khi đó, nỗi đau sẽ tiếp tục kéo dài nơi các nạn nhân Việt Nam và những người khác nữa, bao gồm những người đã tham gia các lực lượng xâm lược, bởi lẽ một số họ cũng đã bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.

Thưa ngài Annan, một cuộc vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã được đưa lên Internet, và cho đến ngày viết lá thư này đã có 610.000 người khắp thế giới ký tên ủng hộ. Cả họ cũng đang tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Chữ ký của họ có thể tìm thấy ở địa chỉ: http://www.petitiononline.com/AOViệtNam/.

Vì ngài là Tổng thư ký Liên hợp quốc, chúng tôi đưa ra lời kêu gọi này và thông qua ngài, chúng tôi gửi lời kêu gọi tới tất cả các quốc gia trong Đại hội đồng Liên hợp quốc. Chúng tôi kêu gọi Đại hội đồng Liên hợp quốc làm sao để những ai sản xuất chất độc da cam, những ai đã ra lệnh sử dụng loại chất độc này chống lại những con người và đất đai ở Nam Việt Nam phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho những thiệt hại mà họ đã gây ra. Chỉ khi nào việc này được thực hiện thì khi ấy công lý mới đến được với các nạn nhân của chất độc da cam.

Theo Tuổi trẻ