Tiếp tục đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam

 Tiếp theo bức thư gửi Tổng thống Mỹ George Bush, kêu gọi Mỹ hãy có trách nhiệm đối với các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống trong thời kỳ xảy ra cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt Len Aldis vừa gửi tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan một bức thư tương tự, đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.

Ông Len Aldis viết: "Hôm nay, tôi gửi thư tới Ngài để tìm công lý cho hàng triệu người bị ảnh hưởng chất độc hóa học. Tôi muốn đặc biệt đề cập đến một hóa chất, được biết đến với tên gọi "chất độc da cam", có chứa dioxin, loại chất độc nguy hiểm nhất trên thế giới".

Ông Len Aldis viết tiếp: "Nhân dân Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam, kết thúc năm 1975. Năm 2005 sẽ tròn 30 năm chấm dứt cuộc chiến tranh đó, nhưng thưa Ngài Annan, khi lực lượng Mỹ rút khỏi Việt Nam, họ đã để lại hậu quả khủng khiếp cho tới tận ngày nay, đó là hậu quả của chất độc da cam, làm khoảng 3 triệu người Việt Nam bị ốm và dị tật. Các bậc cha mẹ và gia đình những nạn nhân của cuộc chiến tranh đã kết thúc cách đây 30 năm, vẫn phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc những đứa con tật nguyền của họ. Một trong những mối lo của họ, được bộc bạch với tôi khi tôi tới thăm gia đình họ, là điều gì sẽ đến với các con họ khi họ qua đời. Thưa Ngài Anan, đó là vấn đề tôi đặt ra với Ngài và thông qua Ngài, tới các thành viên của Liên Hiệp Quốc".

"Năm 1984, các cựu chiến binh Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam và các công ty đó đã nhận trách nhiệm bồi thường cho họ 180 triệu USD. Hiện nay, ba nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã gửi đơn kiện các công ty nói trên lên tòa án New York, nhưng việc kiện cáo mất nhiều năm mới được xét xử. Hàng nghìn nạn nhân Việt Nam đã chết vì chất độc da cam, và tôi e rằng hàng nghìn người nữa sẽ qua đời trước khi giành được công lý".

Ông Len Aldis cũng nói về địa chỉ trực tuyến ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã được lập trên Internet (Bạn đọc vào địa chỉ sau để ký tên ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam: http://petitiononline.com/AOVN), và cho biết đến nay có hơn 600.000 người đã ký tên ủng hộ.

Ông viết: "Vì ngài là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, chúng tôi đưa ra lời kêu gọi này và thông qua Ngài, chúng tôi gửi lời kêu gọi tới tất cả các dân tộc trong Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi kêu gọi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc buộc những ai sản xuất chất độc da cam và những ai đã ra lệnh sử dụng loại chất độc này trong cuộc chiến tranh Việt Nam hãy chịu trách nhiệm và bồi thường về những thiệt hại mà họ đã gây ra".

Theo TTXVN