Thông tin sai lệch, quyết định sai trái về tự do tôn giáo ở VN

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã quyết định một cách võ đoán, phi lý dựa trên những thông tin sai lệch, hoàn toàn xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam khi đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo.

Ngày 15-9-2004, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố "Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế" thường niên lần thứ sáu (từ ngày 1-7-2003 đến 30-6-2004), với thái độ thiếu thiện chí, họ đưa ra những thông tin sai lệch, xuyên tạc Việt Nam có "hành động vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng", "các địa phương vẫn tiếp tục đàn áp nhiều người Tin lành thiểu số", "hiện có người bị giam giữ vì tôn giáo", "cưỡng ép bỏ đạo"... Và, đưa Việt Nam vào danh sách các nước đặc biệt quan tâm vì vi phạm quyền tự do tôn giáo.

Phải nói ngay rằng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã quyết định một cách võ đoán, phi lý dựa trên những thông tin sai lệch, hoàn toàn xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Thực tế hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam như thế nào? Mọi người dân Việt Nam cũng như những ai đã từng đến đất nước này đều nhận thấy những thập kỷ gần đây, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội truyền thống rất sôi động và diễn ra rộng khắp, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành phố. Có buổi lễ long trọng cuốn hút hàng nghìn, hàng vạn người tham gia. Vào dịp đầu xuân Tết Nguyên đán, người dân náo nức đi dâng hương lễ Phật, cầu lộc cầu tài ở đình, đền, miếu, phủ. Ngày Phật đản, Lễ Noel cuốn hút hàng vạn người tham gia mà không chỉ có tín đồ Phật giáo hoặc Công giáo. Không chỉ người dân trong nước phấn khởi vì nhu cầu tâm linh được thỏa mãn mà nhiều tín đồ, chức sắc nước ngoài khi đến Việt Nam cũng cảm kích vì một đất nước rất cởi mở và khoan dung tôn giáo .

Chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo. Số người hoạt động chuyên nghiệp tôn giáo ngày một gia tăng. Chỉ tính riêng về số lượng giám mục đạo Công giáo được bổ nhiệm qua các thời kỳ sẽ thấy rõ. Trong khoảng 80 năm thực dân Pháp đô hộ (1862-1945), Công giáo có rất nhiều đặc quyền ở Việt Nam, nhưng Vatican chỉ bổ nhiệm 4 giám mục người Việt Nam. Trong 30 năm (1945-1975), trên cả hai miền nam bắc cũng chỉ bổ nhiệm được 33 vị giám mục. Trong khi đó, chỉ tính 25 năm (1975-2000) trong chế độ xã hội chủ nghĩa, (1862-1945), Công giáo có rất nhiều đặc quyền ở Việt Nam, nhưng Vatican đã bổ nhiệm đến 42 vị giám mục.

Số lượng kinh sách tôn giáo được xuất bản ở Việt Nam ngày càng nhiều. Chỉ trong hai năm (2000-2001), Nhà xuất bản Tôn giáo đã cho ra mắt gần 400 đầu sách tôn giáo.

Có thể nói rằng, hiện nay các cơ sở thờ tự của các tôn giáo như đình, miếu, phủ, nhà thờ, thánh thất, nhà chùa, Phật đường... được tu bổ, nâng cấp, xây dựng mới ngày một nhiều và rất khang trang, sạch đẹp. Nhiều cơ sở thờ tự đã trở thành danh thắng thu hút hàng vạn khách du lịch trong nước và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng. Cũng hiếm có thời kỳ nào mà quyền tự do tôn giáo lại được thực hiện đầy đủ như thời gian qua. Linh mục Nguyễn Hồng Phúc, Giáo xứ Bạch Liên, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã từng chủ trì ở nhiều xứ đạo trong vòng 21 năm nói rằng, dù ở đâu những người Công giáo đều được Nhà nước quan tâm và ưu tiên mọi mặt, sinh hoạt Công giáo ngày một đi lên. Ở Ninh Bình các giám mục, linh mục sinh hoạt hoàn toàn tự do, thuận lợi. Các nhà thờ được xây dựng, sửa chữa... “Tôi rất mừng Nhà nước có chính sách đúng đắn về tôn giáo”.

Thượng tọa Thích Ðức Thanh ở chùa Bảo Quốc, Huế nhận xét: “Nhà nước đã không ngừng phát huy tinh thần chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm định kiến, hận thù. Tất cả vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân... giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các lợi ích, lấy lợi ích dân tộc làm trọng”. Thượng tọa khẳng định: Ở Việt Nam, các tôn giáo đều được bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, được Nhà nước cho phép mở trường đào tạo đến cấp đại học... các tu sĩ được du học qua các nước theo nhu cầu. Rõ ràng Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã lưu tâm, giúp đỡ từng bước cho các tôn giáo phát triển một cách dân chủ. Trong những năm qua, các tôn giáo đều được phép xây dựng, tôn tạo nơi phụng tự, sinh hoạt tín ngưỡng, in ấn các kinh sách, tạp chí...

Phối sư Thượng Tâm Thanh, Hội trưởng Hội đồng Trưởng quản Hội thánh Cao Ðài Tây Ninh nêu băn khoăn: “Tôi cũng không hiểu sao chính quyền Mỹ cứ nói đi nói lại về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Một số vị từng qua Mỹ về nói lại, chưa chắc ở Mỹ đã có tự do tôn giáo như ở Việt Nam”. Và ông khẳng định: "Ðạo Cao đài ở Tây Ninh của chúng tôi cơ ngơi thờ tự được phép xây mới, tu bổ khang trang. Các ngày lễ được tổ chức trọng thể. Có kỳ lễ trọng hàng trăm nghìn tín đồ trong cả nước về dự. Có ai làm khó dễ gì đâu".

Sống trong lòng dân tộc lại thường xuyên hoạt động tôn giáo, những vị chức sắc các tôn giáo ở Việt Nam hiểu rõ những điều họ và bà con đồng đạo được hưởng. Gần đây, đoàn đại biểu Tòa thánh Vatican do Ðức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vatican làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 27-4 đến 2-5-2004, đã chứng kiến tận mắt sức sống của Giáo hội Việt Nam nhiều hơn những gì đã nghe. Và ông cũng xác nhận: Việt Nam đã đạt được tiến bộ về tự do tôn giáo trong 15 năm qua.

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Quyền tự do ấy không chỉ được nêu rõ ở những quan điểm, chủ trương, các văn bản pháp lý (gần đây Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua) mà còn được thể hiện trên thực tế... Luật pháp Việt Nam không cho phép bất cứ người nào vi phạm quyền tự do ấy. Và vì vậy, không có cái gọi là "tù nhân tôn giáo" và "cưỡng bức bỏ đạo". Song, ở quốc gia nào cũng không thể chấp nhận thứ tự do vô giới hạn mà tự do ấy phải ở trong phạm vi nhất định để sao cho quyền tự do của người này không vi phạm hoặc triệt tiêu quyền tự do của người khác. Trong một xã hội văn minh, dân chủ, tự do theo nghĩa chân chính của nó là tự do của người này, cộng đồng này không vi phạm đến tự do của người khác và cộng đồng người khác. Hầu hết các vị chức sắc và tín đồ trong các tôn giáo đều ủng hộ tự do trong khuôn khổ luật pháp chứ không bao giờ họ lại muốn để các phần tử xấu lợi dụng "tự do" gây rối xã hội, vi phạm đến an ninh quốc gia. Việc các tôn giáo được hoạt động tự do trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam không chỉ là nhu cầu của toàn dân, trong đó có đồng bào có tôn giáo, mà còn phù hợp với công ước quốc tế.

Chẳng hạn, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, năm 1966, Ðiều 18, khoản 3 nêu: "Quyền tự do thực hành tôn giáo hoặc tín ngưỡng... bị giới hạn nhưng chỉ khi giới hạn đó là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác". Trong: "Tuyên bố về xóa bỏ mọi hình thức không khoan dung và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo hay tín ngưỡng", năm 1981 (được Ðại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết số 36/55 ngày 25 -11-1981), Ðiều 1, khoản 3 cũng nêu: Tự do được thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ có thể chịu những giới hạn đã được pháp luật đã quy định và cần thiết để bảo đảm an toàn và trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức hay các quyền và tự do cơ bản của người khác.

Nhân đây cũng khẳng định rằng, Chính phủ Việt Nam không bao giờ bắt ai vì hoạt động tôn giáo, mà chỉ giam giữ những người vi phạm pháp luật. Ðó cũng là điều bình thường của mọi quốc gia. Ðảng Cộng sản và Nhà nước CH XHCN Việt Nam không bao giờ có chủ trương mà thực tế cũng không có hiện tượng chống tôn giáo. Còn đối với những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, gây rối, xâm phạm đến an ninh quốc gia thì phải nghiêm trị theo pháp luật. Chính phủ Việt Nam không bao giờ công nhận những tổ chức mang danh nghĩa là tôn giáo nhưng hoạt động vì những mục đích khác nhằm phá hoại độc lập thống nhất, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, gây bạo loạn và lật đổ hoặc hoạt động mê tín dị đoan xâm phạm đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hay tính mạng, tài sản, sức khỏe của nhân dân. Tổ chức Hội thánh Tin lành Ðê-ga là một thí dụ. Bởi vì đó không phải là một tổ chức tôn giáo mà là một tổ chức chính trị phản động, đội lốt tôn giáo. Những kẻ nhân danh đạo Tin lành đã câu kết với bọn FULRO cũ, móc nối với số phản động lưu vong, kích động lôi kéo và tổ chức nhiều hoạt động khủng bố; tổ chức biểu tình, bạo loạn với những hành vi phá phách nhà cửa, công sở, cướp bóc tài sản của nhân dân, dùng nhiều hung khí tiến công người thi hành công vụ, xâm phạm đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thực chất cái gọi là "Tin lành Ðê-ga" là tổ chức FULRO phục hồi, là tổ chức khủng bố, hoạt động bất hợp pháp.

Những người có lương tri và tôn trọng lẽ phải không bao giờ lại ủng hộ những hành vi phi pháp ấy. Ông Noah Zaring một trong hai nhà ngoại giao Mỹ khi đến Tây Nguyên vào cuối tháng 4-2004 đã nói: Ðể tránh hiểu lầm, tôi xin khẳng định lại: Chính phủ Hoa Kỳ không ủng hộ các tổ chức và cá nhân nào hoạt động lật đổ Chính phủ Việt Nam.

Trên đất nước Việt Nam, bất cứ tổ chức tôn giáo nào thật sự hoạt động vì mục đích tôn giáo thì lần lượt được Nhà nước thừa nhận. Những thập kỷ qua, Nhà nước ta đã thừa nhận tư cách pháp nhân của Tổng Hội thánh Tin Lành (miền bắc) năm 1957, Giáo hội Công giáo Việt Nam năm 1980, Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Từ năm 1995 đến nay, đã có nhiều hệ phái Cao Ðài được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân như: Cao Ðài Tây Ninh, Cao Ðài Ban Chỉnh Ðạo, Cao Ðài Minh Chơn đạo, Hội Truyền Giáo Cao Ðài Trung-Việt... Ban Ðại diện Phật giáo Hòa Hảo, được Nhà nước công nhận năm 1999 và Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền nam) năm 2001. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam không bao giờ công nhận những tổ chức mang danh nghĩa tôn giáo nhưng hoạt động vì những mục đích ngoài tôn giáo nhằm phá hoại nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vi phạm chủ quyền quốc gia, với những hành vi gây bạo loạn và lật đổ... Nhà nước Việt Nam không chống bất cứ tôn giáo nào, nhưng sẽ không bao giờ thừa nhận những Tổ chức tôn giáo trá hình như cái gọi là "Tin lành Ðê-ga".

Trong bối cảnh quan hệ Việt-Mỹ đang tiến triển theo chiều hướng tích cực về nhiều mặt; trong khi toàn dân Việt Nam đang đoàn kết để phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, coi đó là điểm tương đồng để: Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai, thì đáng tiếc lại có những người do thiếu thiện chí, cố tình thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã quyết định sai trái xếp Việt Nam vào danh sách "các nước đặc biệt quan tâm" trong báo cáo hằng năm về tự do tôn giáo. Việc này không có lợi cho những nỗ lực chung mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ đang xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Song, sự thật vẫn là sự thật. Dù cố tình xuyên tạc, thậm chí đổi trắng thay đen về tình hình thực tế tôn giáo nhưng những phát triển tốt lành của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Phía Hoa Kỳ cần tôn trọng sự thật, có quyết định đúng đắn không để ảnh hưởng đến quan hệ, lợi ích hai nước.

ÐỨC LỮ
Nhân Dân, 20/9/2004