Ngày Lễ Độc lập Việt Nam trong ký ức một Thiếu tá Mỹ

"Ngày chủ nhật đầu tiên trong tháng Chín là ngày lễ các thánh tử vì đạo của riêng hơn một triệu dân theo Thiên Chúa giáo ở Bắc Việt Nam. Có thể cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh đã chọn ngày đó làm Ngày Lễ Độc lập..." Ngày oanh liệt và trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam, 2-9-1945, dần hiện ra rõ nét, sôi động và ngập tràn cảm xúc trong ký ức của Thiếu tá Archimedes L.A Patti đến từ nước Mỹ.

Thiếu tá Archimedes L.A Patti, người chỉ Huy đơn vị OSS (Office of Strategic Services - Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) đến Hà Nội vào buổi chiều ngày 22-8-1945 với nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, trợ giúp và phối hợp với quân đội Trung Hoa Dân Quốc (Quân đội Tưởng Giới Thạch) tổ chức giải giáp quân đội phát-xít Nhật bại trận và giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh. Là một sĩ quan tình báo, một quân nhân Mỹ, nhưng Patti có một cái nhìn rất đúng đắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.

Ngày 2-9-1945, cùng với nhóm công tác của mình, Patti đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình và đã miêu tả một cách chi tiết, sinh động và hấp dẫn về sự kiện lịch sử này trong những trang viết của thiên hồi ký "Why Viet Nam" (Tại sao Việt Nam): ...

Ngày chủ nhật đầu tiên trong tháng Chín là ngày lễ các thánh tử vì đạo của riêng hơn một triệu dân theo Thiên Chúa giáo ở Bắc Việt Nam. Có thể cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh đã chọn ngày đó làm Ngày Lễ Độc lập. Tại các nhà thờ Thiên Chúa giáo, cũng như các nhà chùa Phật giáo, buổi lễ vẫn tiến hành long trọng, các bài thuyết pháp có thêm ý nghĩa chính trị ủng hộ chính phủ mới thành lập và nền độc lập của Việt Nam.

Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lúc lớn lúc nhỏ, lũ lượt dần dần kéo đến cạnh Quảng trường Ba Đình.

Ở nhiều chỗ là một khối dân chúng các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó, có cả những tốp người miền núi với y phục địa phương của họ và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền.

Giữa các khối khác nhau, người ta dễ dàng nhận ra các tổ chức của công nhân, sơ mi trắng, quần dài hoặc quần soóc trắng hoặc xanh. Phụ nữ mặc áo dài trắng hay mầu sáng, tay khoác nón.

Cho đến tận trưa, cả toán OSS của chúng tôi lăn lộn ngoài phố, chụp ảnh ghi chép các sự kiện, các khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích... Có nhiều khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, Anh, một số bằng tiếng Việt Nam: "Việt Nam của người Việt Nam", hoan nghênh Đồng Minh", "Hoan nghênh Phái đoàn Mỹ", "Thà chết, chứ nhất định không chịu làm nô lệ"...

Khoảng trưa, Knapp Bermque, Grelecki và tôi đi về phía Quảng trường Ba Đình. Tôi từ chối lời mời của ông Hồ đến khu vực Lễ đài dành cho quan khách, để đi xem buổi lễ, để quan sát quần chúng. Chúng tôi chọn được một địa điểm thuận lợi ngay trước lễ đài, giữa đám viên chức địa phương.

Trong khi chờ đợi ông Hồ và các quan chức tùy tùng tới, tôi nhìn thấy một số cố đạo Thiên chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh đen, có cả chức sắc mang khăn quàng và dải viền đỏ.

... Cách họ không xa, là các nhà sư Phật giáo khoác cà sa mầu da cam, rồi đến các chức sắc Cao Đài, áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ.

Đội danh dự và công tác bảo vệ được giao cho bộ đội bảo vệ của Võ Nguyên Giáp và Chu Văn Tấn, lực lượng được huấn luyện, trang bị, có kỷ luật nhất của họ đảm nhận. Mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao, họ trưng bày các vũ khí mới một cách hãnh diện, lúc trong tư thế "đứng nghiêm", lúc "nghỉ". Ở đó còn có các đơn vị tự vệ dân quân, mặc lẫn lộn quần áo nhà binh Pháp hoặc Nhật hoặc quần áo ngắn xanh hay đen, mang theo mọi loại vũ khí cũng lộn xộn từ súng kíp, gươm, dao rựa, mã tấu có cán gỗ dài và cả gậy tày... Tất cả dựng lên một cảnh tượng sinh động đến kinh ngạc.

Mặt trời đã lên cao. Không khí oi bức, nhưng đôi lúc cũng có cơn gió nhẹ thổi làm phất phới cả cái biển cờ trên quảng trường. Cao trên cột trước lễ đài, lá cờ đỏ với ngôi sao vàng lớn phấp phới bay.

Bất chợt có tiếng còi và các hiệu lệnh quân sự phát ra từ các đội hình. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng và chăm chú theo dõi khi có người đã bắt đầu xuất hiện trên lễ đài. Mấy phút sau, nổi lên tiếng hô "Bồng súng chào!". Quần chúng bỗng im lặng trong khi các vị chức quyền tìm chỗ đứng vào đường sau cái bao lơn được trang trí bằng mầu trắng và đỏ. Trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt cavát và để đầu trần, trừ một người nhỏ nhắn mặc áo kaki mầu sẫm và có cái gì như cái khăn trùm đầu - Đó là Hồ Chí Minh.

Lê Xuân, nguyên là người liên lạc của chúng tôi đã đến và sẵn sàng bình luận, nhận xét. Ông cũng đã đi một vòng và cho rằng quần chúng hết sức tò mò và quan tâm đến vị lãnh đạo "mới" của Chính phủ. Mọi người đều muốn biết "Ông Hồ Chí Minh bí ẩn này là ai? Ông ở đâu về?".

Nhưng không phải chỉ có người Việt Nam mới không quen thuộc với cái tên đó đâu. Ngay cả đến cơ quan Bộ Ngoại giao chúng ta ở Côn Minh và Trùng Khánh cũng không biết gì về vấn đề này, mặc dù đã có nhiều báo cáo cụ thể của tôi. Một tháng sau, khi đọc công văn của Sprouse, lãnh sự ở Côn Minh, tôi ngạc nhiên thấy còn nói đến "Ho Chi Minh". Lúc đó ai cũng nghĩ rằng đã biết tên thật của ông Hồ.

Một tiếng trong loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, giới thiệu ông Hồ "là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc". Quần chúng được sự hướng dẫn của các đảng viên, lên tiếng hát và trong mấy phút liền hô vang "Độc lập". Ông Hồ đứng yên mỉm cười, nhỏ nhắn trong vóc dáng, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn, nay trở thành nổi tiếng của ông với những lời:

"Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho chúng ta những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền được hưởng hạnh phúc".

Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: "Đồng bào có nghe rõ tôi không? ". Quần chúng hô vang đáp lại: "Rõ!". Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy! Từ lúc đó, quần chúng nắm lắng lấy từng lời. Chúng tôi không hiểu ông Hồ đã nói gì. Lê Xuân phải cố gắng lắm để dịch nhưng cũng rất khó khăn. Nhưng cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là những lời của ông đã thấu tới quần chúng.

Sau đó, quay về bản Tuyên ngôn của Cách mạng Pháp 1791, nói về quyền con người và quyền công dân, ông Hồ nói Bản Tuyên ngôn đã công bố: mọi người sinh ra phải được tự do và có quyền bình đẳng. Đó là những chân lý không thể chối cãi được.

Đến khoảng hai giờ, ông Hồ kết thúc bản Tuyên ngôn và tiếp sau đó là Võ Nguyên Giáp nói về vai trò của Việt Minh, nhấn mạnh vào công tác của Đảng trong lĩnh vực chính trị - quân sự, phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giáo dục và văn hóa... Sau bài diễn văn các Bộ trưởng mới được chỉ định, từng người một được giới thiệu ra mắt nhân dân. Buổi lễ kết thúc bằng việc các Bộ trưởng tuyên bố nguyện trung thành và triệt để ủng hộ Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mãi đến tận khuya hôm đó, báo chí địa phương mới cung cấp cho chúng tôi một bản nguyên văn lời tuyên bố của ông Hồ. Chúng tôi dịch và chuyển ngay bằng điện đài cho Côn Minh. Tôi cũng gửi kèm theo bằng đường hàng không bài tường thuật và nhận định của tôi...

Sau khi các phần thủ tục kết thúc, chúng tôi cũng phải mất đến ba mươi phút mới tìm đường ra khỏi được nơi tập trung. Nhờ đi tắt qua khu đường Thành được dành riêng, tránh được những phố đầy người, nên chúng tôi trở về nhà Gauthier đúng vào giờ bữa cơm chiều. Tôi đã mời tất cả những người Mỹ ở Hà Nội đến cơ quan để tham dự ngày lễ "Mười bốn tháng bảy" lặng lẽ và không pháo hoa của người Việt Nam. Để đề phòng những chuyện xung đột có thể xảy ra giữa những người Việt Nam đang vui mừng hớn hở với những người Pháp đang tuyệt vọng và để người Mỹ tránh khỏi các cuộc hỗn loạn, tôi đã yêu cầu đại tá Nordlinger và đại úy Mc Kay, thủ trưởng toán AGAS, cùng với cả nhóm, đến ăn cơm cùng chúng tôi...".

Đầu tháng 10-1945, cơ quan OSS đã bị Tổng thống Truman giải thể, Archimedes L.A. Patti bị triệu hồi về Mỹ. Trước khi Patti lên đường, tối ngày 31-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Patti dự bữa tiệc chia tay và dành cả buổi tối hôm đó để trò chuyện và tâm sự cùng Patti, một con người luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quý mến và thực sự coi như một người bạn chân thành và thân thiết. Cuộc chia tay đã để lại trong hồi ức của Patti những ấn tượng không thể phai mờ. Ông kể rằng:

"Ông Hồ tiễn tôi ra tận cửa ngoài, cảm ơn tôi đã tới và chịu nghe ông "diễn thuyết". Ông đặt hai tay lên vai tôi "Bon voyage (Chúc lên đường may mắn), mong sớm quay trở lại, lúc nào ông cũng được chúng tôi hoan nghênh". Khi xe tôi nổ máy, tôi nhìn lại vẫn thấy bóng nhỏ nhắn của ông ở cửa, vẫy chào tạm biệt. Tôi lại sực nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi trong một tiệm trà ở Chiu Chou Chieh. Ông hiện ra mong manh đấy nhưng thực tế thật là bất khuất".

Theo Nhân dân-Văn nghệ