Thành tựu nhân quyền của VN là không thể phủ nhận được
Liên tiếp trong những năm gần đây, một số người trong Hạ viện Hoa Kỳ đã đệ trình để thông qua nhiều văn bản được gọi là "Dự luật nhân quyền Việt Nam". Ngày 19-7 vừa qua, ông Ch.Smith, lại đệ trình "Dự luật nhân quyền Việt Nam 2004" ký hiệu HR 1587. Ðó là hành vi can thiệp thô bạo chủ quyền Việt Nam, một quốc gia độc lập có chủ quyền.
"Dự luật nhân quyền Việt Nam 2004" so với nội dung các văn bản trước đây chẳng có gì mới, vẫn là sự lên giọng đạo đức giả nhằm "cải thiện tự do và dân chủ" ở Việt Nam. Thực chất, đó là sự vu cáo trắng trợn Chính phủ Việt Nam cấm đoán tự do tôn giáo, đàn áp các dân tộc thiểu số ở nơi này, nơi kia... Vẫn là những giọng điệu trịch thượng phi lý, đòi Nhà nước ta phải trả tự do cho những "tù nhân lương tâm", những người "bất đồng chính kiến", v.v. và v.v. Ðương nhiên, trên những chứng cớ ngụy tạo đó người ta ngăn cấm Chính phủ và Tổng thống Mỹ không được viện trợ phát triển (tức là chỉ viện trợ nhân đạo nhỏ nhoi) cho Việt Nam, đồng thời gây khó dễ cho ngân hàng và các công ty Mỹ vào làm ăn ở Việt Nam. Ðiều lạ lùng hơn là họ lại đòi Chính phủ Mỹ chi hàng chục triệu đô-la cho đài "Châu Á tự do", RFA, mà các quốc gia khu vực này đã nhiều lần lên án các đài đó xuyên tạc sự thật, can thiệp vào công việc của các nước. Hơn nữa, họ còn đòi cung cấp tài chính cho cái gọi là các tổ chức đấu tranh "một cách hòa bình" cho "dân chủ, nhân quyền". Trên thực tế, những tổ chức này đã và đang làm gì?
- Ở nước ngoài, người ta tập hợp tàn quân ngụy, bọn Fulro rã đám thành lập các đảng phái chính trị, thậm chí cả những "khung" đơn vị quân đội (mà thật ra là chỗ để ghi sổ nhận tiền).
- Ở trong nước, họ kích động và tập hợp bọn hoạt động khủng bố, ly khai, dùng thuốc súng ngòi nổ và các loại hung khí, dao, kiếm, gậy gộc gây bạo loạn, tiến công những người đang làm công vụ. Với những hoạt động "nội công, ngoại kích", người ta nuôi tham vọng lập ra nhà nước "Ðề Ga độc lập".
Ðiều đáng buồn cho ngài Ch.Smith và các ông nghị đồng tác giả của Dự luật HR 1587 là càng ngày uy tín của văn bản, cũng có nghĩa là uy tín của các vị càng giảm sút. Dự luật HR2368, năm 2001 được thông qua với tỷ lệ 400/1. Dự luật HR1950 cũng được thông qua nhưng Thượng viện chỉ để trong ngăn bàn và có lẽ đến nay nó đã quá "đát" (date)! Còn Dự luật 2004 thì có tới 110/433 phiếu không đồng tình với những mức độ khác nhau (45 phiếu chống, 65 phiếu trắng)
Dự luật HR1587 không chỉ bị phê phán, lên án ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới, bị tẩy chay và bác bỏ ngay trên đất Mỹ. Chính Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - nơi hằng năm soạn "Báo cáo nhân quyền" các nước cũng cho rằng, đó là "một công cụ cùn". Nhóm nghị sĩ "Vì quan hệ Mỹ - Việt Nam" thì dự báo nó sẽ hủy hoại tiến bộ trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, và kêu gọi: "Hãy chấm dứt phán quyết quá nghiêm khắc người Việt Nam trong vấn đề nhân quyền mà lẽ ra hãy để họ phán quyết chúng ta một cách nghiêm khắc".
Như ở nhiều diễn đàn quốc tế đã khẳng định - thời đại ngày nay là thời đại hợp tác và phát triển. Lựa chọn con đường đối đầu thay cho đối thoại, dùng sức mạnh đơn phương để áp đặt cho một dân tộc đã không quản ngại hy sinh, gian khổ xả thân tiến hành cuộc đấu tranh kéo dài 30 năm để gìn giữ, bảo vệ và giành lại độc lập tự do, chẳng những là điều không tưởng mà còn là một kiểu tư duy chính trị lỗi thời, ngoài ra còn hủy hoại lương tâm và uy tín của chính mình.
HR1587 thực chất là một dự luật vô đạo lý, phản nhân quyền, xâm phạm thô bạo chủ quyền Việt Nam. Nhân đây cũng phải nói rằng, ở phương Tây nhiều người cố tình không hiểu lịch sử và giá trị nhân quyền Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam có quyền tự hào về thành tựu nhân quyền của mình trong cuộc đấu tranh giành lấy quyền độc lập dân tộc và quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong chế độ cai trị của thực dân phương Tây, Việt Nam là nước thuộc địa, dân tộc Việt Nam là dân vong quốc nô. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam không có hiến pháp, người dân không có quyền tự do, dân chủ. Sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam mới có nhân quyền. Chế độ cộng hòa dân chủ được thiết lập, Hiến pháp (năm 1946) ra đời quy định các quyền và nghĩa vụ công dân, quyền bình đẳng nam - nữ, quyền bình đẳng dân tộc, tôn giáo... nói cách khác là các quyền con người lần đầu tiên được Nhà nước Việt Nam tuyên bố bảo đảm. Như vậy là không phải vì sự khai hóa của chủ nghĩa thực dân, sự rao giảng về Tự do, Bình đẳng, Bác ái mà người Việt Nam có được quyền làm người. Mà chính Ðảng Cộng sản Việt Nam là người dẫn dắt, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và các quyền con người cho nhân dân Việt Nam. Tiếp đó, cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược kéo dài 30 năm của nhân dân ta, thực chất là cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và các quyền con người của nhân dân Việt Nam - Cuộc đấu tranh này, trước hết bảo vệ quyền sống còn của cả một dân tộc. Chúng ta còn nhớ vào năm 1945, hơn 2,5 triệu người, bằng 1/10 số dân Việt Nam lúc đó bị chết đói; 95% số dân mù chữ và trong kho bạc nhà nước có khoảng một triệu đồng tiền rách. Ðó là "thành tựu" khai hóa của thực dân Pháp gần 100 năm.
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ 20, đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Có thể nói, trong thế kỷ 20, không có một cuộc chiến tranh xâm lược nào dã man, tàn bạo hơn cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, xét về thời gian, quy mô, tính chất ác liệt. Chúng đã thử nghiệm và sử dụng các vũ khí hiện đại nhất như tên lửa, bom bi, bom napan, bom lân tinh, bom từ trường, bom điều khiển bằng lade... Chúng đã ném xuống Việt Nam hơn 8 triệu tấn bom, bằng 50 quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản năm 1945. Chúng rải hàng triệu lít hoá chất khai quang, không chỉ để hủy diệt con người mà còn hủy diệt cả môi trường sống của sinh vật. Ðến nay hậu quả vẫn còn để lại di chứng đau khổ trong hàng triệu người, trong đó có nhiều trẻ em Việt Nam. Nhân danh "bảo vệ thế giới tự do", họ từng tuyên bố sẽ đẩy "Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá"... Nhiều cựu chiến binh và những người Mỹ có lương tri cho đến nay vẫn còn day dứt lương tâm vì những gì họ đã làm, đã dính líu vào cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt Nam và tự hỏi vì sao mà những nhà lãnh đạo của họ lại phạm phải sai lầm khủng khiếp đến như thế! Và, phải làm gì để đền bù lại một phần những đau thương, mất mát lớn lao của cả một dân tộc do mình gây ra? Không ít cựu chiến binh Mỹ - Hàn Quốc tự vấn lương tâm và tự gánh lấy trách nhiệm cá nhân xin lỗi nhân dân Việt Nam, tự nguyện đóng góp một phần công sức xây dựng trường học, bệnh viện, công viên nơi họ đã từng gây ra tội ác trong chiến tranh.
Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, trái với dự báo của các phương tiện thông tin Hoa Kỳ, thành phố Sài Gòn được giải phóng đã không diễn ra tắm máu. Những kẻ phạm tội ác chiến tranh, chống nhân loại, những tù - hàng binh Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn được đối xử khoan hồng. Với truyền thống hòa hiếu, nhân đạo khoan dung của dân tộc Việt Nam, tất cả tù binh Mỹ đã được Việt Nam trao trả mà không cần một điều kiện tiên quyết, có đi có lại nào. Ðến nay, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho phía Hoa Kỳ tiến hành 93 đợt tìm kiếm hài cốt chung, xác định được hơn 500 hài cốt binh sĩ Mỹ và đã trao trả cho họ. Công việc nhân đạo này vẫn được tiếp tục với sự hợp tác của Việt Nam.
Gần hai mươi năm qua, công cuộc đổi mới đã đem lại những thành tựu về quyền con người cực kỳ to lớn cho nhân dân Việt Nam. Quyền con người đã được khẳng định trong Cương lĩnh, đường lối của Ðảng, trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Nhà nước ta đã gia nhập ký kết và phê chuẩn hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Từ năm 1986 đến năm 2003, Nhà nước ta đã ban hành (Luật mới và sửa đổi) hơn 40 bộ luật, 120 pháp lệnh, trong đó đã nội luật hóa tất cả các Công ước và Nghị định thư quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Cơ quan phát triển của Liên hợp quốc UNDP đã đánh giá Việt Nam là quốc gia hàng đầu đạt được thành tích trên lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, là quốc gia đạt được chỉ số phát triển con người HDI cao hơn chỉ số phát triển kinh tế. Ðiều đó có nghĩa, trong cùng một điều kiện kinh tế, Nhà nước ta đã quan tâm tới các điều kiện vật chất, tinh thần của người dân tốt hơn, công bằng về xã hội tốt hơn một số quốc gia. Nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường và trở thành một trong những thị trường sôi động, có sức hấp dẫn ở khu vực. Việt Nam cũng đã nêu một tấm gương sáng trong việc hợp tác với các tổ chức quốc tế như IMF, WB, UNDP, UNICEF và gần đây với Tổ chức y tế thế giới WTO, trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và giải quyết bệnh dịch nguy hiểm SARS, dịch cúm gia cầm H5N1. Nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam là địa bàn có chỉ số an ninh cao nhất khu vực châu Á và thế giới.
Những điều kể trên chẳng phải là những thành tựu về nhân quyền Việt Nam đó sao?
Có thể nói ít có quốc gia nào lại quan tâm tới đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Ðảng, Chính phủ Việt Nam. Không kể ngân sách của địa phương, sự đóng góp của nhân dân, Chương trình 135 đã xây dựng đường sá, bệnh viện, đưa điện quốc gia về tận bản làng xa xôi, sóng phát thanh, truyền hình đã phủ tới 90% các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cho đến năm 2000, cả nước có tới 344 trường phổ thông dân tộc nội trú với 59.150 học sinh. Con em các dân tộc ít người được vào đại học theo cơ chế cử tuyển...
Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo chưa bao giờ được bảo đảm tốt hơn hiện nay. Ðảng ta đã khẳng định: Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Ở Việt Nam cho đến nay có tới hơn 20 triệu người theo các tôn giáo. Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, hành đạo, cầu nguyện, tu hành, xuất bản kinh sách, xây dựng, tu sửa nhà thờ, tổ chức trường lớp đào tạo chức sắc... Thật khó có thể liệt kê hết những số liệu về việc bảo đảm các quyền con người mà Việt Nam đã đạt được trong thời kỳ đổi mới.
Bất cứ một người nước ngoài nào, người đi du lịch hay làm ăn đã có dịp đến Việt Nam trong những năm gần đây đều có thể thấy rõ đất nước, con người Việt Nam thay đổi hằng ngày, vươn tới một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trong một xã hội thanh bình, phát triển trên con đường văn minh, tiến bộ.
Với tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, cùng xây dựng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển, chúng ta đánh giá sự sáng suốt của các ngài Hạ nghị sĩ đã bỏ phiếu bác bỏ Dự luật HR1587, đánh giá cao những người Mỹ có lương tri đã lên tiếng và đang tìm sáng kiến để bác bỏ Dự luật này.
Chúng ta muốn nói với ngài Ch.Smith và những ai đang tìm cách phá hoại đời sống thanh bình của nhân dân Việt Nam rằng, các ngài chớ nên bị một nhóm người Việt ở Mỹ xuyên tạc, vu cáo Việt Nam về quyền con người mà phủ nhận những thành tựu nhân quyền của Việt Nam, vi phạm thô bạo công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền, làm tổn hại quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.
Chính giới và nhân dân Mỹ hãy thiết thực ủng hộ Việt Nam khắc phục những hậu quả chiến tranh do họ gây ra trước kia, hợp tác để phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ vì lợi ích của nhân dân hai nước. Ðó mới chính là chân lý, lẽ phải lớn.
TS CAO ÐỨC THÁI
(Báo Nhân Dân ngày 10 tháng 9 năm 2004)