Vì sao xin visa vào Mỹ khó khăn?
Việc xin cấp visa vào Mỹ để du học, công tác, du lịch... (theo diện không di dân) hiện rất khó khăn; tỷ lệ được cấp visa rất thấp. Chiều 26/8, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn các ông: Jeffrey C.Schwenk - Trưởng bộ phận Lãnh sự và ông Trần Doãn Dụ - Phó lãnh sự về vấn đề này.
* Việc xét cấp visa vào Mỹ trở nên khắt khe hơn trước rất nhiều, tỷ lệ được cấp visa rất thấp, xin cho biết ý kiến của các ông về vấn đề này?
- Ông Trần Doãn Dụ: Sau vụ khủng bố 11/9, các biện pháp an ninh của Mỹ được tăng cường. Ngoại trưởng Mỹ, ông Colin Powell đã chỉ thị chúng tôi thắt chặt các biện pháp an ninh, loại bỏ không cấp visa cho những kẻ khủng bố, tội phạm nhưng đồng thời đảm bảo chính sách mở cửa, tạo điều kiện để những người đến Mỹ kinh doanh, học tập... Với những người đủ điều kiện cấp visa, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để làm thủ tục nhanh nhất cho họ.
* Nhiều người bị từ chối cấp visa có ý kiến rằng việc xét cấp visa hầu như chỉ dựa vào cảm tính của viên chức lãnh sự (VCLS)? Lý do từ chối cấp visa cũng không được giải thích rõ ràng?
- Ông Jeffrey C.Schwenk: Một số người không biết rằng việc xét cấp visa được dựa trên những quy định luật pháp của Mỹ, dựa trên hoàn cảnh của từng đương đơn. Do đó dù nhiều người đi chung một đoàn, có cùng mục đích nhưng hoàn cảnh của mỗi người lại khác nhau. Khi phỏng vấn, VCLS phải xét xem mục đích đương đơn đó khi qua Mỹ sẽ làm gì, sau khi hoàn thành công việc họ có trở về hay không. Các VCLS cũng được đào tạo theo cùng một chương trình như nhau, quyết định của họ được dựa trên cùng một quy định luật pháp của Mỹ. Cho dù có những VCLS khác nhau phỏng vấn một đương đơn nhưng quyết định của họ cũng sẽ giống nhau mà thôi.
- Ông Trần Doãn Dụ: Theo yêu cầu của luật pháp, các VCLS buộc phải giả định tất cả những người xin visa không định cư đều có mục đích định cư. Nhiệm vụ của đương đơn là phải chứng minh một cách thuyết phục là họ không muốn định cư.
* Là những người quản lý, các ông có biện pháp nào để bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp mà cảm xúc, tâm trạng... của VCLS tác động khiến họ có những quyết định không công bằng cho một đương đơn?
- Ông Jeffrey C.Schwenk: Tất cả những VCLS đều được đào tạo ở Washington DC, đến đây họ cũng được đào tạo nên họ rất có chuyên môn. Khi thực hiện công việc phỏng vấn, họ rất ý thức rằng công việc của họ rất quan trọng, không chỉ với đương đơn mà còn với công chúng Mỹ. Vì vậy khi phỏng vấn, VCLS không được để tâm trạng của họ ảnh hưởng đến quyết định. Những người quản lý chúng tôi nếu nhận thấy một VCLS nào đó mệt mỏi hay có tâm trạng không tốt sẽ yêu cầu họ nghỉ ngơi, lấy lại cân bằng trước khi trở lại phỏng vấn. Chưa kể khi từ chối một trường hợp nào đó, VCLS phải ghi chú vào máy tính, các VCLS trên toàn thế giới có thể truy cập đọc những thông tin này. Do đó, khi xét một trường hợp nào đó, VCLS phải quyết định bằng chuyên môn cao nhất. Hơn nữa, quyết định đó còn được người quản lý xét duyệt, nếu quyết định đó không xác đáng sẽ bị xem xét lại.
* Một số công ty du lịch, tư vấn du học có nhận định vui là muốn được cấp visa vào Mỹ thì phải "già và giàu". Theo các ông, nhận định đó có đúng không?
- Ông Jeffrey C.Schwenk: Đúng là người già có tỷ lệ được cấp visa cao hơn vì họ không có ý định chuyển sang sinh sống ở một đất nước khác cũng như người có nhiều tài sản thì cũng không có ý định bỏ lại tài sản để chuyển sang sinh sống ở một nước khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xem xét dựa trên hoàn cảnh cụ thể của đương đơn. Nhiều du học sinh đã được cấp visa không phải vì họ già hay giàu.
* Nhiều trường hợp học sinh xin cấp visa đi học theo chương trình giao lưu văn hóa giữa hai nước nhưng đã bị từ chối với lý do kế hoạch học tập không thuyết phục. Vì sao, thưa ông?
- Ông Trần Doãn Dụ: Các trường hợp này cũng được xem xét trên hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ, sự ràng buộc với nơi cư trú, kế hoạch học tập chỉ là một vấn đề. Những học sinh đi học theo chương trình giao lưu văn hóa một năm ở Mỹ khi trở về sẽ phải học lại do chương trình học giữa hai nước không giống nhau. Việc bỏ một năm học như vậy không phải là một quyết định dễ dàng cho nên VCLS phải xem xét kế hoạch học tập đó có thực sự thuyết phục hay không.
* Vì sao một số trường hợp đi học theo chương trình giao lưu văn hóa, sau một năm, các học sinh này ở lại tiếp tục theo học và đã được Cơ quan Di trú ở Mỹ cấp phép nhưng khi trở về xin visa tiếp tục theo học họ vẫn bị từ chối?
- Ông Trần Doãn Dụ: Sở Di trú thuộc Bộ An ninh nội địa, quản lý các trường hợp đã vào lãnh thổ Mỹ, Cơ quan lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao, chịu trách nhiệm cấp phép cho những người muốn nhập cảnh vào Mỹ, hai cơ quan này hoàn toàn khác nhau. Những học sinh đi học theo chương trình giao lưu văn hóa, được cấp visa loại G1 khi về có thể xin chuyển sang loại visa F1 để trở lại Mỹ tiếp tục du học. Tôi đã nhận được nhiều câu hỏi về việc các học sinh đi học theo chương trình giao lưu văn hóa ở Mỹ, sau khi học xong có nên trở về để xin đổi visa từ G1 sang F1 hay không? Điều này còn tùy thuộc vào việc khi xin visa G1, học sinh đó trả lời với VCLS như thế nào. Có những em khi xin visa G1 trả lời là chỉ sang Mỹ để học chương trình giao lưu văn hóa thôi nhưng sau đó lại tự đổi visa bên đó để ở lại tiếp tục học. Như vậy là không đúng. Điều này khiến VCLS phỏng vấn mất niềm tin ở đương đơn đó.
* Những học sinh xin visa du học có đặc điểm khá giống nhau, họ đều trẻ, ham học hỏi..., các ông có lời khuyên nào dành cho họ?
- Ông Jeffrey C.Schwenk: Lời khuyên của chúng tôi chung cho tất cả đương đơn chứ không riêng các trường hợp du học là hãy nói sự thật, chúng tôi sẽ xem xét dựa trên những quy định của luật pháp.
Theo báo Thanh Niên, 27/8/2004