Đã đến lúc kêu gọi các nhà khoa học VN trở về nước
TT - “Gặp gỡ VN là dịp để thắt chặt mối giao lưu khoa học giữa VN với các nước, khích lệ các nhà khoa học VN, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu, nâng cao vị thế của VN trong khu vực và thế giới, đồng thời cũng là dịp thu hút sự chú ý của giới khoa học thế giới đối với hoạt động nghiên cứu khoa học tại VN”.
GS Trần Thanh Vân, nhà khoa học Pháp gốc Việt tại ĐH Paris 11, đã nói như vậy bên lề cuộc “Gặp gỡ VN 2004”, khai mạc tại Hà Nội ngày hôm qua (6-8).Đã đến lúc kêu gọi các nhà khoa học VN trở về nước
Cơ hội cho các nhà khoa học VN
Là người có ý tưởng tổ chức cuộc gặp gỡ VN nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học VN tiếp xúc với các nhà khoa học thế giới, GS Trần Thanh Vân cho rằng so với những năm trước, nền khoa học VN đã có nhiều tiến bộ hơn nhưng nhìn chung còn kém các nước trong khu vực.
Lý do, theo GS Vân, là trình độ giảng dạy của VN thấp nên trình độ sinh viên không cao, dẫn tới khả năng nghiên cứu khoa học thấp. GS Vân nói: “Sinh viên VN thông minh nhưng các em quá thiếu thực hành”. “Khoa học cũng như quân sự - GS Trần Thanh Vân so sánh - có tham gia chiến đấu mới có tướng giỏi, có thực hành nhiều mới trở thành nhà khoa học tài năng”.
Jean Pierre - Pháp: Tôi là nhà nghiên cứu vật lý phân tử và nhận thấy VN cần có thế hệ nhà vật lý học trẻ tuổi. Điều đó đòi hỏi chính phủ phải hỗ trợ họ, tức là làm sao để những người giỏi nhất tự tổ chức được công việc khoa học ở ngay VN, chứ không phải để họ sang những nước như Mỹ hay các nước EU để làm việc.Gabriel Chardin - Pháp: Trong số những chất tồn tại trong vũ trụ, chỉ có 4% là được con người khám phá, còn lại 96% vẫn là một bí ẩn, vì thế rất cần có các nhà nghiên cứu vật lý, thiên văn... Tôi không biết nhiều về VN, đây là lần đầu tiên tôi tới đây, nhưng một số sinh viên người Việt tôi quen biết ở Trường ĐH Bách khoa Paris thì đều học rất tốt. Theo tôi biết, những người đó đều muốn ở lại Pháp để học hết thạc sĩ, tiến sĩ. (HƯƠNG GIANG ghi)
Một cái thiếu khác đối với các nhà khoa học trẻ VN được GS Đàm Thanh Sơn (ĐH Washington, Mỹ) chỉ ra là sự thiếu tư duy cụ thể. Vị GS trẻ này kể rằng mới đây, trong một lần tham gia phỏng vấn sát hạch 15 sinh viên ưu tú nhất VN cho một trường ĐH tại Mỹ, anh chỉ chọn được bốn sinh viên đủ tiêu chuẩn để nhập học trường này. Theo GS Sơn, những cái thiếu của sinh viên VN không phải do bản thân họ mà chủ yếu do cách giảng dạy ở VN quá thiên về lý thuyết.
GS Nguyễn Văn Hiệu (nguyên giám đốc Viện Khoa học VN, đồng chủ tịch cuộc Gặp gỡ VN) và GS Trần Minh Tâm (ĐH Bách khoa Lausanne, Thụy Sĩ) đều thừa nhận cuộc gặp gỡ là cơ hội rất lớn cho các nhà khoa học VN. Ông Hiệu nói: “Giới khoa học VN có rất ít điều kiện ra nước ngoài tham dự các cuộc hội thảo khoa học lớn. Vì thế, việc mời được các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến VN có ý nghĩa hết sức to lớn bởi các nhà khoa học VN không chỉ được trao đổi kinh nghiệm mà còn có cơ hội được nhận những suất học bổng rất giá trị”.
GS Trần Minh Tâm nói thêm: “Sau mỗi cuộc gặp gỡ như thế này, các nhà khoa học trong nước cần giữ mối liên hệ với nhà khoa học nước ngoài để sau này có thể có những trao đổi kinh nghiệm quí báu”.
Thật ra, không có nhiều nhà khoa học trẻ VN có mặt tại cuộc Gặp gỡ VN 2004 như mong đợi của ban tổ chức bởi hai lĩnh vực mà cuộc gặp gỡ đề cập lần này, vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn, là những ngành khoa học cơ bản không được giới khoa học trẻ chú tâm. Những nhà khoa học trẻ như Nguyễn Đức Phường (24 tuổi) ở Hội Thiên văn VN là con số rất hiếm hoi. Phường cho biết Hội Thiên văn VN có hơn 30 nhà khoa học chuyên nghiên cứu về thiên văn nhưng chỉ có ba người trẻ tuổi.
Trước ngày diễn ra cuộc gặp gỡ, Phường đã có dịp gặp một số nhà nghiên cứu thiên văn thế giới, trong đó có GS Trịnh Xuân Thuận. GS Thuận mang đến cuộc gặp gỡ báo cáo về việc phát hiện một thiên hà trẻ cách Trái đất khoảng 30 triệu năm ánh sáng. Chuyến về nước lần này của GS Thuận trùng với thời điểm Phường đang hoàn tất cuốn sách nghiên cứu có tựa đề: Vũ trụ: không-thời gian và sự kiện nên Phường đã vinh dự được GS viết lời giới thiệu cho cuốn sách. “Cuốn sách nói về lịch sử hình thành vũ trụ sẽ xuất bản vào tháng chín tới” - Phường cho biết.
Nghiên cứu trong nước hay ra nước ngoài?
Hầu hết các nhà khoa học, cả trong nước lẫn nước ngoài, đều đánh giá rất cao yếu tố môi trường, điều kiện làm việc trong nghiên cứu khoa học. GS Trần Thanh Vân cho rằng Nhà nước nên tạo mọi điều kiện thuận lợi, bao gồm lương bổng, điều kiện, vị trí công việc... để các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, đừng để họ lo lắng quá nhiều đến vấn đề đời sống.
Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra bức xúc vì điều kiện nghiên cứu ở VN còn kém dẫn tới việc nhiều nhà khoa học tài năng bỏ ra nước ngoài làm việc. Mặc dù vậy, theo ông, việc những tài năng khoa học của VN ra nước ngoài không hẳn là điều đáng lo vì con đường đó sẽ giúp họ phát triển tài năng và sau đó, nếu Nhà nước có chế độ đãi ngộ thích đáng, họ sẽ quay về phục vụ đất nước.
GS Đàm Thanh Sơn là một điển hình về sự ra đi vì muốn tìm đến nơi có điều kiện làm việc tốt hơn. Sơn sinh năm 1969, từng là học sinh chuyên toán Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1984, Sơn đoạt huy chương vàng cuộc thi toán quốc tế. Từ năm 1985, anh sang Nga học cho đến 1995 thì sang Mỹ giảng dạy tại Trường ĐH Washington và được phong GS tại trường này.
Nói về lý do sang Mỹ làm việc, Sơn bảo: “Tôi đi chủ yếu vì thời kỳ đó VN còn hạn chế nhiều về điều kiện làm việc, cơ hội phát triển”. Anh cho rằng để các nhà khoa học say mê nghiên cứu ở trong nước, Nhà nước cần phải tạo môi trường có thể kích thích các nhà khoa học về mặt trí tuệ.
“Đã đến lúc cần có chính sách kêu gọi các nhà khoa học VN trở về nước làm việc, nghiên cứu” - đó là ý kiến của TS Angela Olinto. Bà Angela Olinto nhận xét VN đang phát triển rất nhanh nên sẽ có nhiều điều kiện để thu hút các nhà khoa học VN về phục vụ đất nước. Ông Jean Pierre, một nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Toulouse (Pháp), cũng đồng ý với ý kiến đó và gợi ý: “Nếu VN muốn các nhà khoa học về làm việc trong nước thì cần phải tạo cho họ nền tảng vững chắc về điều kiện làm việc”.
“Gặp gỡ Việt Nam” ra đời như thế nào?
Mùa đông năm 1966, tại một ngôi làng nhỏ mang tên Moriond nằm bên dãy Alps ở miền nam nước Pháp, TSKH Jean Trần Thanh Vân, lúc đó mới 30 tuổi, đã cùng khoảng 20 nhà vật lý trẻ người Pháp tổ chức Gặp gỡ Moriond lần thứ nhất về vật lý hạt cơ bản. Những năm sau, các cuộc gặp gỡ được tổ chức đều đặn, thu hút ngày càng đông các nhà vật lý thuộc nhiều quốc gia khác nhau tham gia để cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề thuộc vật lý hạt cơ bản lẫn vật lý thiên văn, trong đó có cả VN.
Năm 1993, theo đề nghị của GS viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - lúc đó là viện trưởng Viện Khoa học VN, GS Jean Trần Thanh Vân đã trở về nước để phối hợp với các nhà vật lý trong nước tổ chức Gặp gỡ VN lần I về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn tại Hà Nội.
Gặp gỡ VN lần 2 được tổ chức tại TP.HCM năm 1995, đúng vào dịp có thể quan sát nhật thực toàn phần bằng mắt thường tại Sông Bé. Do vậy, hội nghị đã thu hút được rất đông nhà vật lý nước ngoài đến dự.
Gặp gỡ VN lần 3 và 4 được tổ chức liên tiếp vào hai năm 1999 và 2000. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã thân mật tiếp các nhà vật lý đến tham dự. Chính những nỗ lực trong bốn cuộc gặp gỡ trước đã giúp cải thiện hình ảnh VN trong mắt các nhà khoa học nước ngoài, khiến cho Gặp gỡ VN lần 5 trở thành cuộc gặp gỡ lớn nhất từ trước đến nay về cả qui mô và các công trình báo cáo, với 250 nhà vật lý đến từ 32 nước, trong đó đông nhất là Mỹ.
T.MINH - H.GIANG - K.HƯNG (Tuổi trẻ, 7/8/2004)