Di tích Hoàng Thành - kho báu độc đáo tầm thế giới

Di tích Hoàng Thành: Chỉ hai tháng nữa... sẽ không cứu vãn được. Đó là ý kiến của Tiến sĩ Maria Letizia (Italy) trước thực trạng của di tích Hoàng Thành Thăng Long hiện nay tại hội thảo chuyên gia quốc tế tư vấn về di chỉ khảo cổ học Ba Đình và Hoàng thành Thăng Long vừa tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 11 và 12-8. Hầu hết các chuyên gia đều khuyến cáo cần có biện pháp cấp thiết bảo vệ di tích vô giá này.

Kho báu độc đáo tầm thế giới

Sự đánh giá nồng nhiệt này của các chuyên gia uy tín đến từ những "cường quốc di sản" (Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Na Uy) về khu di tích Ba Đình có lẽ không phải là lời khen "xã giao". Giáo sư Ueno - một chuyên gia nổi tiếng của Nhật Bản về đô thị cổ, trưởng đoàn chuyên gia tư vấn Nhật Bản sang khảo sát di tích này hồi tháng 6 vừa qua - nói: "Sau một thời gian nghiên cứu kỹ hơn những tài liệu liên quan, nhận thức của tôi về sự quý giá của di tích này càng tăng lên rất nhiều".

Điều làm các chuyên gia quốc tế trầm trồ nhất là sự phong phú và đan xen của nhiều tầng văn hóa ngay trong một khu di tích, theo đánh giá của họ, trên thế giới hiếm có khu di tích khảo cổ học dưới đất nào có được vẻ đa sắc của thời gian như vậy. Các chuyên gia cũng rất ngỡ ngàng thích thú trước những di vật được tìm thấy ở khu di tích này. Ông Bertran Port - chuyên gia phục chế của Viện Viễn Đông Bác cổ tại Phnompenh - nói: "Tôi vô cùng ấn tượng trước số lượng cũng như vẻ đẹp của các di vật với những chạm khắc tinh tế muôn hình muôn vẻ". Tất cả các chuyên gia đều chung với nhận xét của Tiến sĩ Andrew Hardy (Viện Viễn Đông Bác cổ): "Khu di tích quý giá này không chỉ có ý nghĩa với người Việt Nam mà với cả thế giới nữa". Chuyên gia khảo cổ học Hàn Quốc Yun Hyeung Won nói: "Tôi tin là khu di tích khảo cổ học lộng lẫy này sẽ được nghiên cứu và công nhận là di sản thế giới trong một tương lai gần".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng, để "được điểm" trong bản danh sách di sản thế giới khắt khe của UNESCO, khu di tích khảo cổ học Ba Đình cần phải được nghiên cứu, bảo tồn, nhìn nhận trong tổng thể của khu di tích Hoàng thành cũng như khu phố cổ, phố cũ của Hà Nội. "Nếu quy hoạch tốt và làm nổi bật được tổng thể này, các bạn có thể làm Hà Nội trở thành một địa chỉ độc đáo của Châu Á về khảo cổ học, lịch sử, văn hoá, du lịch" - chuyên gia khảo cổ học và lịch sử Tây Ban Nha Antoni Nicolau khẳng định. Tuy nhiên, đó là một con đường rất dài và nhiều gian khó, đặc biệt là trong trường hợp như của khu di tích này khi ta thậm chí còn chưa làm được bước tối thiểu và đầu tiên với một khu khảo cổ là có những biện pháp khoa học bảo vệ những gì đã xuất lộ, chứ chưa nói đến công việc vạn phần gian khó hơn là nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học, bảo tồn tổng thể khu di tích.

Làm chủ kho báu - không dễ

Các chuyên gia đều rất lo lắng trước thực trạng của khu di tích. "Các bạn không thể để khu di tích này như trong tình trạng hiện nay. Chỉ 2 tháng nữa là nó sẽ hỏng không cứu vãn được" - Tiến sĩ Maria Letizia (Italy) nói. Ông Mauro Cucarzi (Italy) cảnh báo: "Khu khảo cổ học này đang trong tình trạng rất nguy hiểm. Nếu cứ để như hiện nay chỉ 1 - 2 năm nữa toàn bộ kho báu này sẽ bị biến mất hoàn toàn". Bên cạnh khuyến cáo cần có ngay những biện pháp cấp thiết bảo vệ khu di tích, các chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm Hà Nội cần sớm có một quy hoạch tổng thể cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, khoanh vùng toàn bộ khu Hoàng thành, nghiêm cấm xây dựng các công trình lớn ở đây để tạo điều kiện cho một kế hoạch nghiên cứu, khảo cổ dài hơi. Ông Leidulf Mydland (Na Uy) cho rằng: "Luôn phải nhớ rằng Hoàng thành là một tổng thể, Ba Đình chỉ là một bộ phận rất nhỏ của khu Hoàng thành, và những cái chưa nhìn thấy có thể còn có giá trị to lớn hơn nữa. Phải sớm che phủ toàn bộ khu khai quật, tiếp tục điều tra các khu vực khác của Hoàng thành". "Tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ sớm có những văn bản cụ thể để gìn giữ toàn bộ khu Hoàng thành như một địa chỉ khảo cổ quan trọng của quốc gia" - ông Pierre Pichard nói.

Bên cạnh những ý kiến đề xuất mở rộng diện tích khảo cổ song song với những biện pháp bảo vệ, có một luồng ý kiến khác khá mạnh mẽ đưa ra giải pháp lấp cát các hố khai quật để kìm hãm nguy cơ di tích bị phá huỷ trong điều kiện còn nhiều hạn chế hiện nay của ngành khảo cổ học Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh là lấp cát để tiếp tục khai quật và nghiên cứu khi có đủ điều kiện, chứ không phải để xây những công trình mới lên. Vấn đề là thu hẹp diện tích khai quật ở mức độ như thế nào, lấp toàn bộ để trồng cây, làm nhà bảo tàng, lập công viên khảo cổ, hay làm bảo tàng ngoài trời với hệ thống quan sát từ trên cao để tiến hành song song việc khai quật cũng như đáp ứng quyền lợi thưởng thức của công chúng, nên gìn giữ để tiến tới bảo tồn toàn bộ khu Hoàng thành hay chỉ chọn ra một bộ phận tiêu biểu v.v... Tiến sĩ Andrew Hardy (Viện Viễn Đông Bác cổ) nói: "Để trả lời những câu hỏi này, cần phải nghiên cứu, cân nhắc một cách khoa học. Tôi nghĩ chúng ta không nên vội vã để có bằng được một câu trả lời với tốc độ "thần kỳ" đúng vào 30.9 này. Nếu nói Việt Nam không đủ khả năng về tài chính cũng như chuyên môn để bảo tồn khu di tích này sẽ là không đúng. Đây là một quá trình lâu dài và 10 - 20 năm nữa, thế hệ mới về quản lý đô thị được đào tạo mới, nguồn lực về kinh tế cũng như chuyên môn của Việt Nam sẽ mạnh hơn lên. Cần phải bảo tồn toàn bộ khu Hoàng thành cho tương lai của các bạn".

Giáo sư Phan Huy Lê - người phụ trách chung bảy tiểu ban nghiên cứu khu di tích này cho rằng, việc lấp cát, thu hẹp diện tích khai quật chỉ nên thực hiện "trong trường hợp vạn bất đắc dĩ, không còn khả năng nào nữa, còn bây giờ chưa đến mức phải nghĩ đến giải pháp đường cùng này". Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng, quan điểm của nhiều chuyên gia tư vấn nước ngoài "còn khá dè dặt". Tuy nhiên, sự "dè dặt" này có thể còn được gọi bằng một cái tên khác: Sự thận trọng của khoa học.

                                                                                          Theo Lao động