Kêu gọi nhân dân Mỹ ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Ngày 6-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã có bức thư ngỏ gửi nhân dân Mỹ, kêu gọi người Mỹ hãy ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam. Chúng tôi xin trích giới thiệu bức thư.
"Các bạn Mỹ thân mến,
Với tình cảm chân thành và thân thiện, từ mảnh đất xa xôi phía tây Thái Bình Dương, chúng tôi muốn gửi bức thư này đến tất cả các bạn. Bức thư được viết trước ngày 10.8, ngày mà máy bay Mỹ - hồi năm 1961, bắt đầu phun chất diệt cỏ xuống Việt Nam, các vùng đất phía bắc tỉnh Kon Tum là mục tiêu đầu tiên của họ.
Các nghiên cứu điều tra gần đây nhất của các nhà khoa học Mỹ công bố trên tạp chí Nature tháng 4.2003 đã phát hiện ra rằng, từ năm 1961 đến 1971, lực lượng Mỹ đã rải 80 triệu lít chất độc hoá học xuống Việt Nam, hơn một nửa trong số đó là chất da cam chứa gần 400kg dioxin - một chất cực nguy hiểm, để phá hoại môi trường và sức khỏe con người. Hậu quả đáng sợ này đã đúng từ thời những năm 1960, đã được khẳng định, cảnh báo và phản đối bởi nhiều nhà nghiên cứu rất uy tín người Mỹ và trên thế giới như Giáo sư Arthur Galston - nhà sinh vật học thuộc U.S Physiobotanist Association và khoảng 5.000 nhà khoa học Mỹ khác, trong đó có 17 người được giải Nobel và 129 thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ.
Các bạn thân mến,
Từ Toà án lương tâm Bertrand Russell (Bertrand Russell Tribunal of Conscience) diễn ra trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam cho tới Hội nghị Stockholm tháng 7.2002, và cho đến nay, sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đã truyền cảm hứng cho nhân dân Việt Nam vượt qua vô vàn khó khăn gian khổ trong cuộc chiến đấu thống nhất và xây dựng đất nước.
Chiến tranh đã qua. Việt Nam đã tái sinh một cách đáng kinh ngạc. Nhưng hàng triệu người dân vẫn chịu hậu quả từ những căn bệnh gây chết người và không thể cứu chữa được do phơi nhiễm dioxin. Hàng nghìn người đã chết trong đau đớn và nỗi căm phẫn đối với những kẻ đã gây tội ác. Nhiều phụ nữ đã chịu biến chứng khi sinh nở và thậm chí hoàn toàn mất quyền làm mẹ. Trong đó, điều đau xót nhất là con cái họ, những người không bao giờ biết đến chiến tranh, đã, đang và sẽ là nạn nhân của dioxin, sinh ra với những bệnh di truyền và tất nhiên, không có hy vọng nhỏ nhoi được hưởng niềm hạnh phúc được sống dù chỉ là một phút như một người bình thường...
Chúng tôi, người dân Việt Nam, chưa bao giờ ngừng khao khát hoà bình và hữu nghị, đã rất kiên nhẫn khi thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với Mỹ để giải quyết các hậu quả của cuộc chiến tranh tàn khốc, đặc biệt là những hậu quả nghiêm trọng do cuộc chiến tranh hoá học kinh khủng gây nên. Tuy nhiên, điều này vẫn không được hưởng ứng tích cực. Vì vậy, Hội Nạn nhân chất độc da cam cảm thấy cần thiết phải kiện ra toà các công ty hoá chất Mỹ - các nhà cung cấp chất độc sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, những người đã thu được lợi nhuận khổng lồ từ nỗi đau của hàng triệu con người.
Vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam cũng được tiến hành trên lợi ích hợp pháp của tất cả các nạn nhân khác, kể cả những người ở Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, New Zealand và Philippines. Chắc hẳn vụ kiện này cũng còn vì lợi ích của các thế hệ tiếp theo nữa. Vụ kiện được tiến hành vì quyền được sống rất đáng trân trọng của mỗi con người.
Các bạn thân mến, chúng tôi một lần nữa, muốn khẳng định với các bạn rằng, người Việt Nam không bao giờ mang tình cảm thù ghét với nhân dân Mỹ, những người đã viết nên những trang sử đấu tranh vì độc lập và tự do cực kỳ quan trọng. Chúng tôi thành thật hy vọng có được sự thấu hiểu và thông cảm từ các bạn với những nỗi đau tột cùng mà các nạn nhân Việt Nam phải chịu. Tuy nhiên, chúng tôi mong các bạn biết rằng, việc sử dụng các chất độc hoá học là hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế và vì vậy đây là một tội ác chiến tranh, một hành động phản bội lại tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập do Tổng thống Thomas Jefferson viết ra.
Vì công lý và lương tâm cao thượng, xin các bạn hãy lên tiếng và yêu cầu Toà án Mỹ tiến hành các thủ tục pháp lý quan trọng, các tập đoàn hoá chất Mỹ thực hiện trách nhiệm bồi thường của họ với các nạn nhân Việt Nam, Mỹ và nạn nhân các nước khác. Cuộc đấu tranh này là vì cuộc sống hoà bình, hạnh phúc của các thế hệ tương lai trên hành tinh chúng ta".
Theo Nhân dân, 12/8/2004