Đa dạng hóa tôn giáo - thách đố của nhiều quốc gia
Lao Động, ngày 20 tháng 7 năm 2004
Tại hội thảo VN học lần 2 (từ 14-16.7, ở TPHCM), một trong những mối quan tâm hàng đầu của các học giả thuộc lĩnh vực tôn giáo học trong và ngoài nước chính là truyền thống và tôn giáo ở VN. Ngoài 6 tôn giáo chính (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo), VN có ít nhất khoảng 50 nhóm phái thuộc "hiện tượng tôn giáo mới" nảy sinh trong vòng 20 năm nay. Giải đáp về vấn đề này, GS - TS Đỗ Quang Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo VN nhận định:
"Có 3 vấn đề tôn giáo nổi lên từ hội thảo. Thứ nhất là tính đa dạng hóa đời sống tôn giáo ở VN hiện nay. Nhiều báo cáo của các nhà nghiên cứu VN, Campuchia, Hà Lan, Nhật Bản... cùng thống nhất ở điểm sau: VN vốn đã có đời sống tôn giáo, tín ngưỡng rất đa dạng (trong đó có những báo cáo rất hay về Nam Bộ làm minh chứng), nhưng trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, hệ thống tôn giáo tín ngưỡng VN đang chuyển biến như hệ thống tôn giáo chung của thế giới, nên đây còn là một vấn đề mới mẻ.
Thứ hai - một số sinh hoạt tín ngưỡng, trong đó đặc biệt là hiện tượng lên đồng, gọi hồn, ngoại cảm, cầu siêu, cầu an... - các hình thức biến động của đời sống tín ngưỡng hiện đại liên quan đến lễ hội tôn giáo. Tuy đề tài không mới, nhưng cái hay là một số tác giả đưa ra được một số mẫu hình cụ thể của một vài cộng đồng cụ thể ở VN. Ví dụ như nghiên cứu hiện tượng lên đồng của người Dao, nghiên cứu sự biến đổi đối tượng thờ phụng trong các miếu thờ ở các tỉnh miền Trung của một giáo sư người Nhật. Tất cả những điều này nói lên một vấn đề còn bỏ ngỏ. Điều quan trọng hơn là các tác giả đã quan tâm đến vấn đề đặc tính tâm thức tôn giáo tín ngưỡng của người Việt và cả cộng đồng các dân tộc ít người. Trong đó có vấn đề gai góc là đổi đạo.
Thứ ba là những vấn đề tôn giáo đương đại. Đây là một vấn đề hay. Các báo cáo đã tập trung vào mối quan hệ đời sống tôn giáo học và xã hội hiện nay (có một vài nghiên cứu rất sâu về đời sống tôn giáo trong quá khứ và có tính chất so sánh tôn giáo học như so sánh tâm thức tôn giáo giữa người Phật giáo và Công giáo, yếu tố nữ trong đời sống tôn giáo VN). Kết quả bước đầu của cuộc trao đổi đã chỉ ra được chiều hướng chủ yếu của đời sống tôn giáo VN là hội nhập đồng hành với dân tộc, có những tiến bộ đáng kể mà Nhà nước tạo điều kiện để đi vào đời sống xã hội. Và đặc biệt, trên phương diện pháp luật tôn giáo, VN đang hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục thích hợp".
´ Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài rất quan tâm đến các vấn đề mà Tiểu ban tôn giáo đặt ra vì họ thiếu thông tin. Theo ông, hội thảo lần này đã giải quyết được những vấn đề gì, nhất là trước những thắc mắc mà các học giả nước ngoài nêu ra?
- Ít nhất, đây là một hội thảo trí tuệ, cởi mở. Các nhà nghiên cứu nước ngoài khẳng định: VN tuy còn nghèo nhưng có ý thức và khá hiệu quả, thậm chí có người dùng cụm chữ "tiên tiến", trong việc bảo vệ di sản tôn giáo, cả về luật pháp cũng như thực tiễn. Các học giả nước ngoài có cái nhìn điềm tĩnh và thừa nhận ở VN có đời sống tôn giáo khá phong phú, đa dạng, sôi động và đúng là mảnh đất tốt để nghiên cứu. Đạo cũ có, đạo mới có, tín ngưỡng có, tôn giáo có. Và tôn giáo đang phát triển và hội nhập tốt với xã hội. Đó là điều cơ bản nhất.
´ Xung đột giữa các nền văn minh hiện nay thường xoay quanh vấn đề tôn giáo tín ngưỡng. Vậy theo ông, tôn giáo VN và tôn giáo các nước trong khu vực sẽ phát triển theo chiều hướng nào?
- Vấn đề "va chạm giữa các nền văn minh" không được trực tiếp đặt ra tại hội thảo. Quả thực trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21, theo dự đoán của một số học giả nước ngoài sẽ diễn ra sự xung đột giữa các nền văn minh trước hết qua vấn đề dân tộc và tôn giáo. Điều đó có vẻ như đã và đang trở thành hiện thực, là một thách đố phức tạp với nhiều quốc gia. Vấn đề then chốt là các quốc gia đa tôn giáo rõ ràng trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế , cần có những đường lối, chính sách thích hợp để thỏa mãn nhu cầu vừa bảo vệ an ninh quốc gia, hòa hợp cộng đồng sắc tộc, dân tộc và tôn giáo, lại vừa hội nhập với quốc tế.
Đây là bài toán khó. Giải được bài toán đó thì mới giữ được an ninh quốc gia, ổn định phát triển xã hội, đồng thuận với dân tộc, nhưng đồng thời vẫn mở cửa để hội nhập với quốc tế, để phù hợp với các công ước quốc tế. Hiện nay có nhiều thí dụ rất rõ và đáng tiếc trong nhiều quốc gia, nhiều khu vực bị xé nát, mô hình "nhà nước dân tộc" bị đe dọa. Nhiều thế lực quốc tế cũng muốn lợi dụng chuyện này để thực hiện "chủ nghĩa dải lãnh thổ" để phá các "nhà nước dân tộc" như thế. Tuy nhiên, điều đó có làm được hay không còn tùy thuộc vào nội lực các quốc gia. Đối với dân tộc ta thì Đảng, Nhà nước VN đã có ý thức và kinh nghiệm từ lâu về giải quyết vấn đề dân tộc và tôn giáo, có đường lối đổi mới gần 20 năm nay và ngày càng đúng đắn thích hợp, nên hy vọng VN sẽ vượt qua thách đố này.
Xin cảm ơn ông.
Minh Thi thực hiện