Một số nét về quan hệ kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ

Về quan hệ thương mại: Từ khi Việt Nam và Hoa kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay (12/7/1995), buôn bán giữa hai nước đã có những bước nhảy vọt, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Nếu năm 1995, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới đạt 130 triệu USD thì đến năm 2000, năm Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) được ký kết, đã tăng lên 733 triệu USD; tiếp đến năm 2001, năm BTA có hiệu lực (10/12/2001), tăng lên 1.065 triệu USD và đến năm 2003 đạt gần 4.555 triệu USD. Việt Nam trở thành bạn hàng thương mại lớn thứ 40 của Hoa Kỳ (tính riêng xuất khẩu, Việt Nam là nước xuất khẩu thứ 35 vào Hoa Kỳ). Hoa Kỳ trở thành thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Chủng loại hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa kỳ chủ yếu là hàng may mặc, giày dép, các sản phẩm sơ chế (hải sản, rau, quả, cà phê, cao su thô, dầu khí), các sản phẩm chế tạo thép, thiết bị điện, hàng gia dụng, hàng phục vụ du lịch...

Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là: Các sản phẩm sơ chế (thực phẩm, sợi dệt...), các sản phẩm chế tạo (phân bón, nhựa và các sản phẩm giấy, máy móc, thiết bị vận tải, thiết bị khoa học...)

Về đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam: Một số doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam ngay từ những ngày đầu Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực (01/01/1998), chủ yếu thông qua các công ty của nước thứ 3 (dự án CocaCola từ Singapore), dần dần sau đó mới có những dự án đăng ký trực tiếp từ Hoa Kỳ. Từ 1997 đến 2003, nếu tính từng năm thì Hoa Kỳ thường đứng trong "top ten" những quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (trừ năm 2000 đứng thứ 11). Theo Bộ KH-ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2004, Hoa Kỳ đứng thứ 7 trong "top ten", với 12 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 34,3 triệu USD.

Số liệu trên chưa tính các dự án và vốn của các công ty tập đoàn Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam thông qua chi nhánh hoặc công ty con đăng ký tại các nớc và vùng lãnh thổ. Tính chung cả dự án đăng ký trực tiếp và gián tiếp, hiện có khoảng 25 tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,3 tỷ USD.

Doanh nhân Hoa Kỳ làm ăn tại Việt Nam: 10 năm trước, một nhóm doanh nhân Hoa Kỳ thành lập phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam). Đến nay AmCham Vietnam đã có 2 cơ sở (tại Hà Nội và TP HCM). Đây là một tổ chức đóng vai trò then chốt trong hoạt động thương mại của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. AmCham Vietnam là một tổ chức phi lợi nhuận và hiện có 800 thành viên. Nhiệm vụ đầu tiên của AmCham Vietnam là xúc tiến làm ăn tại Việt Nam, trợ giúp các công ty Mỹ và hỗ trợ trong việc triển khai bình thờng hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua việc đa ra tiếng nói chung của giới doanh nghiệp Hoa Kỳ đối với các nhà hoạch định chính sách chủ chốt trong các cơ quan thuộc chính phủ Hoa Kỳ. AmCham Vietnam và các thành viên của mình hết sức tin tưởng vào thương mại tự do và công bằng cũng như một thị trường mở cửa đối với cả người Việt Nam làm việc tại Mỹ lẫn người nước ngoài làm ăn tại Việt Nam.

Vừa qua, AmCham Vietnam công bố kết quả thăm dò ý kiến cho thấy, các nhà kinh doanh Hoa Kỳ lạc quan về mức lợi nhuận kinh doanh thu được tại Việt Nam; 63% thành viên AmCham Vietnam tin tưởng mức lợi nhuận trong năm 2004 sẽ tăng và 82% thành viên dự kiến lợi nhuận tăng cao hơn vào năm 2005; 77% số thành viên tin tưởng kinh tế Việt Nam năm nay vận hành tốt hơn năm ngoái; 67% các nhà kinh doanh Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng dự kiến thuê thêm công nhân trong năm 2004, tăng hơn so với mức 59% của năm 2003; 90% thành viên cho biết họ cảm thấy vô cùng an toàn cho bản thân và gia đình khi ở Việt Nam.

Thách thức doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt tại thị trường Hoa Kỳ

  • Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang vấp phải hàng rào bảo hộ (dệt may bị hạn chế bởi hạn ngạch, thủy sản đang bị kiện bán phá giá).
  • Năng lực cung và khả năng tiếp thị xuất khẩu của VN còn yếu, đặc biệt do quy mô sản xuất nhỏ, nên khó đáp ứng các đơn đặt hàng lớn của Hoa Kỳ.
  • Việt Nam mới chỉ thực sự thâm nhập thị trờng Hoa Kỳ năm 2002 sau khi BTA có hiệu lực, trong khi đó các nước khác đã có hệ thống bạn hàng nhập khẩu và phân phối tại thị trường này từ lâu.
  • Nhiều mặt hàng của Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn so với nhập từ các nước được hưởng GSP, ưu đãi thương mại của Hoa Kỳ, hoặc có Hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ.
  • Cước phí vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ thường cao và lâu hơn so với từ các nước khác.
  • Hệ thống pháp luật thương mại và hàng rào kỹ thuật của Hoa Kỳ rất phức tạp.
  • Việt Nam chưa là thành viên Tổ chức Thơng mại thế giới (WTO) và vẫn bị Hoa Kỳ coi là nền kinh tế phi thị trường.

(Tổng hợp từ báo Tuổi trẻ 16/6, Báo Đầu tư 28/6)