Các phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài thăm Gia Lai
Đáp ứng nguyện vọng của nhiều phóng viên, Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao tổ chức đoàn nhà báo trong nước và quốc tế thăm các tỉnh Tây Nguyên. Chiều 18-2, tại TP Plây Cu, lãnh đạo tỉnh Gia Lai gặp mặt hơn 40 phóng viên đang thăm tỉnh này. Cùng tiếp các nhà báo trong nước và ngoài nước với Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Vỹ Hà, có đại diện HĐND, MTTQ, Hội LHPN, Bộ Chỉ huy quân sự và Công an tỉnh Gia Lai.
Sau khi thông báo khái quát những thành tựu nổi bật nhân dân tỉnh Gia Lai thu được trong những năm qua, đặc biệt trong những năm hòa nhịp cùng đất nước thực hiện đường lối đổi mới
dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân cả nước, làm cho bộ mặt tỉnh nhà ngày một thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của 34 dân tộc chung sống trên mảnh đất Gia Lai ngày càng được nâng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Vỹ Hà đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo trong không khí đối thoại cởi mở.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên báo Nhân Dân, TTXVN, Việt Nam News, Tân Hoa xã (Trung Quốc), Novosti (LB Nga), Kyodo (Nhật Bản) về vấn đề chính sách dân tộc, tôn giáo ở tỉnh, Chủ tịch Nguyễn Vỹ Hà nêu rõ: Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của mọi công dân. Đưa đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, cùng với sự quan tâm sát sao, hỗ trợ to lớn về nhiều mặt của Nhà nước, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp có hiệu quả phát triển con người làm sao để các dân tộc anh em được tạo điều kiện sản xuất nhiều của cải vật chất, nâng cao dân trí. Đặc biệt, dù còn không ít khó khăn, tỉnh vẫn thực hiện chữa bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức cho con em người dân tộc thiểu số học bán trú, nội trú không mất tiền; xuất bản từ điển ba thứ tiếng (Việt, Ba Na và Gia Rai); phát thanh, truyền hình, in báo chí bằng ba thứ tiếng để phổ biến rộng rãi, giáo dục và cung cấp thông tin về tình hình đất nước đến từng buôn, xóm. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng nhà ở, làm thủy lợi, cung cấp nước sạch cho dân, vận động, giáo dục đồng bào các dân tộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và của từng dân tộc thiểu số nói riêng.
Chủ tịch Nguyễn Vỹ Hà bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của một số người về tình hình Gia Lai, khẳng định Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Gia Lai tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của bà con, sẵn sàng giúp đỡ các chi hội Tin lành tiến hành đại hội khi hội đủ các điều kiện phù hợp luật pháp và lợi ích chung của cộng đồng nhân dân các dân tộc ở Gia Lai, không chấp nhận cái gọi là "Tin lành Đê Ga", "Nhà nước Đê Ga". Phần lớn nhân dân hiểu rằng những kẻ tung tin chính quyền xách nhiễu nhân dân, đàn áp tôn giáo là có dụng ý xấu, gây hoang mang, chia rẽ các dân tộc hòng thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình chống phá Gia Lai và Việt Nam.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên báo Hà Nội mới, báo Gia Lai, Tân Hoa xã, Prensa Latina (Cuba), Reuters và BBC (Anh), AP (Mỹ), Thời báo tài chính (Anh), Nikei (Nhật Bản)... về việc hồi hương những người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia, Chủ tịch Nguyễn Vỹ Hà cho biết: Khoảng 500 người dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai đã vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia. Do trình độ dân trí còn thấp, bị lừa gạt, xúi giục, họ đã nhẹ dạ ra đi theo một số kẻ cố ý lợi dụng họ. Hoàn toàn không có cái gọi là tị nạn. Một số người đã trốn về; còn lại, theo UNHCR kiểm chứng và cho biết, phần lớn trong số họ có nguyện vọng được trở về. Tỉnh Gia Lai nói riêng và Nhà nước Việt Nam nói chung coi đồng bào dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, hết sức quan tâm cuộc sống cực nhọc, khó khăn của họ trên đất Cam-pu-chia, sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho những người lầm lạc trở về sum họp với người thân, gia đình, học tập, sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no. Thực hiện tinh thần Thỏa thuận ba bên ngày 21-1-2002 giữa Việt Nam, Cam-pu-chia, UNHCR, Chính phủ Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các quan chức UNHCR thăm, làm việc với các nhà chức trách, gặp và nói chuyện trực tiếp với 28 gia đình có người thân vượt biên trái phép ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum theo yêu cầu của UNHCR. Các quan chức UNHCR đã thừa nhận thực tế cuộc sống của các gia đình đó, chính quyền địa phương bảo đảm mọi điều kiện cần thiết cho người trở về hòa nhập cộng đồng trong an toàn và tôn trọng nhân phẩm.
Ông Nguyễn Vỹ Hà ghi nhận UNHCR đã có sự hợp tác tốt với Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề nhân đạo, mong tổ chức quốc tế lớn này thể hiện tính độc lập hơn nữa trong việc thực thi vai trò của mình.
Ông Nguyễn Vỹ Hà khẳng định, Chính phủ Việt Nam hơn ai hết luôn đặc biệt quan tâm cuộc sống của đồng bào mình; đã, đang và sẽ làm hết sức để ổn định cuộc sống của những người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia trở về tái hòa nhập cộng đồng. Ông nhấn mạnh, việc một số phương tiện thông tin nào đó xuyên tạc nỗ lực của Việt Nam và của UNHCR là cố tình trì hoãn tiến trình đưa những người ra đi đó trở về, gây khó khăn cho các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc một số quan chức Mỹ bày tỏ quan ngại những người trở về sẽ bị phân biệt đối xử là hoàn toàn không có cơ sở, nhằm mục đích can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Vỹ Hà còn trả lời nhiều câu hỏi khác của các nhà báo về tình hình và triển vọng phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của Gia Lai.
Sau buổi gặp, các nhà báo đã đến thăm hai gia đình mục sư ở thành phố Plây Cu, đối thoại trực tiếp với họ về những vấn đề các nhà báo quan tâm.