Hậu quả nặng nề của chất độc da cam ở Việt Nam
Nhà báo Tom Fawthrop của hãng BBC đã đến huyện Củ Chi, Việt Nam và tận mắt chứng kiến cảnh nhiều nạn nhân chất độc da cam đang phải sống đau đớn vì bệnh tật. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Fawthrop đăng trên trang thông tin của BBC về vấn đề này.
Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc từ năm 1975 nhưng tác hại của sự nhiễm chất dioxin từ một loại thuốc diệt cỏ mà người ta vẫn gọi là chất độc da cam vẫn còn đó.
Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam (VAVA) nói: “Hậu quả do chất độc da cam gây ra tồi tệ hơn nhiều so với tất cả những gì mà người ta nghĩ tới khi chiến tranh kết thúc”.
Trong khoảng từ năm 1962 và năm 1970, quân đội Mỹ đã rải hàng chục triệu lít chất độc da cam xuống nhiều vùng của Việt Nam.
Giáo sư Nhân, cựu Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã tố cáo Mỹ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và hành động này của Mỹ là “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
Nhưng kể từ khi chiến tranh kết thúc, Washington đã bác bỏ bất cứ trách nhiệm đạo đức hay pháp lý nào liên quan đến di chứng độc hại do chất độc da cam gây ra ở Việt Nam.
Di chứng vẫn còn đó và việc Mỹ bác bỏ trách nhiệm đã khiến ba công dân Việt Nam phải kiện các công ty Mỹ về vấn đề này hồi tháng một năm nay, một hành động chưa từng có tiền lệ.
Ba người Việt Nam nói trên là các nạn nhân chất độc da cam. Họ kiện các công ty hóa chất của Mỹ, trong đó có công ty Monsanto, Dow và tám công ty khác đã sản xuất chất da cam và các chất làm rụng lá khác được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Phiên tòa sơ thẩm đã bắt đầu mở vào tháng 1-2004 tại Tòa án Liên bang Mỹ ở New York dưới sự chủ tọa của thẩm phán cấp cao Jack Weinstein.
150.000 trẻ em bị dị dạng từ khi sinh ra
Chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam nhằm làm rụng lá cây rừng để vô hiệu hóa sự ngụy trang của Việt Cộng.
Nó chứa một trong những chất độc hại nhất đối với sức khỏe của con người, đó là chất dioxin được gọi là TCCD. Ban đầu nó phá hủy rừng nhiệt đới, làm trụi hết lá rừng. Trẻ em bị dị dạng từ khi sinh ra nếu cha mẹ chúng bị nhiễm dioxin.
Tại một làng nhỏ ở huyện Củ Chi nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam, hàng ngày gia đình em Trần Anh Kiệt (21 tuổi) phải vật lộn với những hậu quả của chất độc da cam.
Kiệt bị dị dạng, chân tay cong queo và nói không ra tiếng. Kiệt sống quằn quại trong nỗi thất vọng. Người nhà phải đút cơm cho anh ăn. 21 tuổi nhưng cơ thể của Kiệt chỉ bằng một người 15 tuổi và trí tuệ của anh chỉ tương đương với một em bé sáu tuổi. Dân làng gọi anh là cậu bé Chất độc Da cam.
Theo Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, hiện có khoảng 150.000 trẻ em khác giống như Kiệt, bị dị dạng ngay từ khi mới sinh ra, do cha mẹ của chúng bị phơi nhiễm chất da cam, chủ yếu là trong thời kỳ chiến tranh.
VAVA ước tính khoảng ba triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin trong chiến tranh và ít nhất có một triệu người đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ chất độc da cam.
Nhiều người người trong số họ là các cựu chiến binh. Những người khác thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba bị ảnh hưởng do cha mẹ của họ bị phơi nhiễm dioxin.
Một số trong những nạn nhân này sống ở những vùng lân cận với các căn cứ quân sự của Mỹ trước đây như Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nơi vẫn còn tồn đọng một lượng lớn chất độc da cam.
Tiến sĩ Arnold Schecter, một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về tình trạng nhiễm dioxin ở Mỹ đã xét nghiệm mẫu đất ở Biên Hòa và phát hiện ra rằng nó chứa một lượng TCCD nhiều hơn rất nhiều lần so với mức an toàn do cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ quy định.
Kêu gọi sự giúp đỡ từ phía Mỹ
Giáo sư Nhân rất thất vọng về thái độ của Mỹ trước lời kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Ông nói: “Việt Nam không thể tự mình giải quyết được vấn đề. Hà Nội đã giúp quân đội Mỹ tìm kiếm hài cốt của các lính Mỹ mất tích trong chiến tranh và chúng tôi yêu cầu họ đáp lại bằng viện trợ nhân đạo cho nạn nhân chất độc da cam”.
Khoảng 10.000 cựu binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam được hưởng nhiều khoản trợ cấp cho các loại bệnh ung thư khác nhau và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác có liên quan đến dioxin trong khi các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam không được hưởng gì.
Giáo sư nhân nói: “Các nạn nhân chất độc da cam của Mỹ được hưởng gần 1.500 USD một tháng. Còn phần lớn các gia đình Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam chỉ được nhận khoảng 80.000 đồng Việt Nam (hơn 5 USD) một tháng từ khoản hỗ trợ của chính phủ Việt Nam dành cho mỗi con em họ bị nhiễm chất độc da cam”.
Khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Hà Nội bốn năm trước, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương đã yêu cầu Mỹ phải “thừa nhận trách nhiệm để giúp rà phá mìn và giải độc các căn cứ quân sự trước đây của Mỹ ở Việt Nam và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
Tuy nhiên, Washington không trợ giúp bất cứ một thứ gì ngoài việc tài trợ cho các hội nghị khoa học và các cuộc nghiên cứu.
Chuck Searcy, phó chủ tịch Quỹ Tưởng niệm Cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam có trụ sở ở Hà Nội nói: “Tôi thất vọng vì Mỹ đã không có một cử chỉ hợp tác và không giúp đỡ chút nào cho các nạn nhân Việt Nam ngoài việc luôn luôn nói về nghiên cứu khoa học. Hành động như vậy sẽ làm hỏng bất cứ cuộc đàm phán nào về trách nhiệm tội ác chiến tranh hay việc kiện cáo của các nạn nhân”.
Cuộc chiến pháp lý của ba công dân Việt Nam chống lại các công ty hóa chất của Mỹ đang được điều trần tại cùng tòa án mà trước đây các cựu binh Mỹ cũng kiện các công ty Mỹ về vụ việc tương tự.
Ba công dân Việt Nam này cáo buộc các công ty hóa chất Mỹ đã trợ giúp và tiếp tay cho tội phạm chiến tranh bằng cách sản xuất và cung cấp các hóa chất chứa dioxin TCDD mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong chiến tranh.
Các công ty này đã vi phạm Công ước Geneva năm 1925 về việc cấm sử dụng tác nhân sinh hóa nhưng đại diện pháp lý của công ty Monsanto và các công ty khác của Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn không để vụ việc này được đưa ra xét xử tại tòa án.