Đồng bào dân tộc huyện Chư Sê phản đối những kẻ khủng bố
Nhandan.org.vn
Lợi dụng tôn giáo và dân trí thấp, vừa qua bọn phản động Fulro lưu vong lại tiến hành các hoạt động mang tính khủng bố và ly khai ở Tây Nguyên. Đồng bào các dân tộc huyện Chư Sê (Gia Lai) cực lực lên án, đòi pháp luật trừng trị thích đáng những kẻ cầm đầu.
Huyện Chư Sê (Gia Lai) được thành lập vào tháng 8-1981, có tổng diện tích tự nhiên 135.098 ha. Toàn huyện có 224 thôn, làng, tổ dân phố (trong đó có 164 làng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 73,2%), với 15 xã, một thị trấn. Dân số huyện Chư Sê khá đông, tính đến đầu năm 2004 có 135.182 người, tăng gấp 2,5 lần so với năm 1981, với hơn 15 dân tộc anh em sinh sống: Kinh, Gia Rai, Ba Na, Ê Ðê, Thái, Tày, Gié Triêng, Cơ Ho, Xê Ðăng, Nùng, Hrê, Chăm, Mường...
Trước ngày giải phóng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất hầu như chưa có gì; nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp với phương thức sản xuất chủ yếu là phát, đốt, chọc, tỉa. Ðời sống nhân dân vô cùng cơ cực, bệnh sốt rét ác tính, dịch tả, phong cùi luôn đe dọa, hoành hành. 90% đồng bào dân tộc thiểu số mù chữ, sống du canh du cư, nhiều tập tục lạc hậu như ma-lai, chôn chung, xử phạt theo luật làng... đè nặng lên đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện.
Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc nhanh chóng khắc phục hậu quả của chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, huyện Chư Sê đã đạt được những thành tựu quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
Năm 1981, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của huyện chưa đến 4%, đến giai đoạn 1991 - 1995 đã lên 7,85% và từ năm 2001 đến nay tốc độ tăng trưởng hằng năm hơn 11%. Từ nền kinh tế thuần nông, Chư Sê đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ, đến cuối năm 2003, công nghiệp, xây dựng chiếm 8,7%, thương mại, dịch vụ chiếm 13,8%. Bình quân thu nhập đầu người tăng lên hằng năm, nếu như trước năm 1981 chưa đạt 40 USD thì hiện nay đã đạt 500 USD/năm. Sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng bào các dân tộc trong huyện thi đua lao động sản xuất chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Với diện tích hơn 11 nghìn ha cà-phê, 3.000 ha hồ tiêu, gần 8.000 ha cao-su, từ năm 2002 đến nay, hằng năm huyện xuất khẩu hơn 20 nghìn tấn cà-phê, bốn nghìn tấn hồ tiêu, gần 10 nghìn tấn cao-su sang các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Ðức, Nhật Bản, Bỉ, Thụy Sĩ, Trung Quốc...
Trên địa bàn huyện đã hình thành bốn doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp lớn như Công ty cao-su Chư Sê, Nông trường cao-su Bờ Ngoong, Nông trường cà-phê Ia Pát và Nông trường cà-phê Việt - Ðức, sử dụng hơn 40% số lao động là đồng bào dân tộc thiểu số làm công nhân, thu nhập và đời sống khá ổn định. Công nghiệp từ chỗ không có gì đến nay đã có nhà máy chế biến cao-su, cà-phê, hồ tiêu, nhà máy sản xuất phân vi sinh, các cơ sở sản xuất chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất cơ khí... đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và đời sống của nhân dân. Huyện đã hình thành khu công nghiệp tập trung với các chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư, đến nay đã có ba đơn vị đến làm thủ tục đầu tư.
Các thành phần kinh tế trong huyện tham gia đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trước đây đói nghèo, không biết sản xuất hàng hóa thì nay đã là chủ các trang trại cà-phê, hồ tiêu, có thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm, có phương tiện sản xuất, đi lại khá thuận lợi, là những mô hình tốt để nông dân trong huyện học tập, nêu gương xóa đói, giảm nghèo...
Từ năm 1994 huyện đã thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực để đầu tư cho kinh tế hộ gia đình, không phân biệt là người thuộc dân tộc nào, xây dựng các cơ sở hạ tầng. Năm 2003 đầu tư 25,3 tỷ đồng cho nhiều công trình điện, đường, thủy lợi, trường học... thuộc Chương trình 135, đầu tư xây dựng cụm xã phục vụ đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Ðến nay, toàn huyện đã có 544,3 km đường giao thông, 84 km đường quốc lộ, 140 km đường liên xã, 320,3 km đường liên thôn, xe ô-tô đến được tất cả các trung tâm xã trong hai mùa mưa nắng, nhờ đó hàng hóa giao lưu rất thuận lợi.
Từ nguồn vốn của Nhà nước, vốn tín dụng và đóng góp của nhân dân, hệ thống lưới điện được xây dựng đến tất cả trung tâm xã với 164 thôn, làng, 65,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. 100% số xã có điện thoại và điểm bưu điện văn hóa.
Tỷ lệ đói nghèo giảm hằng năm, từ hơn 80% năm 1980 giảm còn 50% năm 1990, đến nay còn 14,5%; 100% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được định canh định cư; hơn 80% số nhà ở nông thôn được lợp bằng tôn, ngói, cơ bản không còn nhà tranh tre, nứa lá. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, năm 2003 huyện đã cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay tiền để xây dựng 50 nhà kiên cố với nhiều hình thức ưu đãi như trả chậm trong thời hạn 10 năm, trong đó 5 năm được ân hạn; hiện nay đã và đang tiếp tục cho đồng bào vay xây dựng 230 nhà với phương thức ngân sách trợ giúp 30 tấm lợp, cộng với sự giúp nhau của cộng đồng dân cư làm thắm đượm thêm tình làng, nghĩa xóm.
Chương trình kiên cố hóa trường học được triển khai trong năm 2003 và đến nay đã xây dựng xong 105 phòng học mới. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được huy động đến lớp đạt hơn 95%. Trước ngày đất nước thống nhất có hơn 90% số dân mù chữ thì nay đã phổ cập giáo dục tiểu học toàn huyện cho số người trong độ tuổi và đang triển khai chương trình phổ cập trung học cơ sở, học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa được cấp phát sách vở để học tập. Huyện đã đầu tư xây dựng trường phổ thông nội trú dành riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số học tập, được Nhà nước trợ cấp ăn học chu đáo.
Huyện có một trung tâm y tế, hai phòng khám khu vực, các xã đều có trạm y tế. Ðội ngũ y, bác sĩ được đào tạo, bổ sung bảo đảm khám và điều trị bệnh cho nhân dân, các năm gần đây không còn xuất hiện tình hình dịch bệnh. Ðồng bào dân tộc thiểu số được khám và điều trị tại các bệnh viện huyện không phải trả tiền.
Ðến nay huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 11.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đạt hơn 80%, cấp hơn 1,1 tỷ đồng để chuộc lại ruộng đất cho 1.332 hộ với gần 525 ha, ưu tiên tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân, đào tạo nghề ở các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan hành chính sự nghiệp.
Về tôn giáo, trước năm 1981, toàn huyện chỉ có năm nghìn tín đồ với bốn cơ sở thờ tự tạm bợ, rách nát. Ðến nay đã có 31.860 tín đồ theo đạo Thiên chúa, Phật giáo, Cao đài và Tin lành, có tám nhà thờ, nhà chùa, thánh thất được xây dựng mới, trùng tu ngày càng khang trang, đáp ứng được nhu cầu đời sống tâm linh của đồng bào. Với chính sách tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo, huyện luôn tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động.
Những thành tựu trên tự nó đã khẳng định rằng, Ðảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, Tây Nguyên nói riêng. Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để các dân tộc đều có cuộc sống yên bình, cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhưng những kẻ thù địch không để đồng bào ta yên, bọn phản động Fulro lưu vong đã lợi dụng tôn giáo và trình độ dân trí thấp tự nặn ra cái gọi là "Tin lành Ðề ga" để phá hoại khối đại đoàn kết, gây chia rẽ các dân tộc, tôn giáo trong huyện. Chúng dụ dỗ, lừa phỉnh một số đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin tập trung để gây rối trật tự công cộng chống người thi hành công vụ, đòi "độc lập"... Rõ ràng những hành động đó nên gọi đúng tên là khủng bố và ly khai... Những việc làm đó trái với Hiến pháp, pháp luật, giáo luật, giáo lý, kinh thánh và phủ nhận thành quả về kinh tế - xã hội mà đồng bào các dân tộc ở huyện Chư Sê đã và đang đoàn kết nỗ lực phấn đấu giành được trong mấy chục năm qua.
Cảnh giác và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, đồng bào các dân tộc huyện Chư Sê đoàn kết một lòng, thi đua lao động, sản xuất để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong thuận hòa, yên bình, kiên quyết đấu tranh vạch trần mọi âm mưu thủ đoạn của địch, tố giác tội phạm, lấy giáo dục cảm hóa làm chính để những người nhẹ dạ không nghe theo lời xúi giục, từ bỏ con đường tội lỗi, đồng thời xử lý nghiêm khắc bọn ngoan cố, cầm đầu, cố ý vi phạm pháp luật, gây chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, làm trái kinh thánh và những điều răn dạy của Chúa, chống chính quyền, mạo danh Chúa để lừa phỉnh, o ép, nói dối, khủng bố gây đau thương cho người dân vô tội, làm hại người khác...
Ðồng bào các dân tộc trong huyện Chư Sê cực lực lên án, đòi pháp luật trừng trị một số phần tử Fulro đang lẩn trốn, hoạt động khủng bố, như những kẻ mà cộng đồng quốc tế đang lên án, nhằm tạo ra môi trường ổn định, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích của nhân dân.
NGUYỄN DŨNG
Chủ tịch UBND huyện Chư Sê