Những trái tim Việt Nam trong lòng nước Mỹ



Mới đây, tại California (Mỹ), đã diễn ra hội nghị các tổ chức phi chính phủ (NGO) của người Việt tại Mỹ nhằm tìm phương thức hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Dưới đây là đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, cũng là thành viên của Tổ chức Quỹ Rockefeller tham dự hội nghị, về vai trò và hiệu quả hoạt động của NGO tại Việt Nam thời gian qua.


Người Việt Nam dù đi đâu, ở nơi đâu, làm ở đâu luôn luôn trong tim vẫn vang lên hai tiếng thân yêu nhất: Việt Nam!

Cảm nghĩ đó đã được chứng minh hùng hồn nhất trong hai ngày hội nghị tại vùng eo biển Monterey đẹp nhất tại tiểu bang California, Hoa Kỳ. 32 trong số hơn 50 tổ chức phi chính phủ (NGO) của người Việt tại Mỹ lần đầu tiên đã quy tụ về Trung tâm Hội nghị - nghỉ mát Asilomar rất được ưa thích này của Mỹ.

Đây là một sự kiện lịch sử vì là lần đầu tiên các tổ chức phi chính phủ của người Mỹ gốc Việt cùng ngồi lại để tìm phương thức hiệu quả hơn nhằm góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Từ ý muốn giúp cho đời sống của một vài em nhỏ, các bạn người Mỹ gốc Việt đã dần dần mơ ước đến việc cung ứng phương tiện cho nhiều người để họ tự cải thiện cuộc sống của mình. Từ những hoạt động gây quỹ giới hạn trong vòng cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nhiều NGO Việt Nam đã bắt đầu tự hỏi liệu mình có thể giúp nhiều người hơn nếu chúng ta khởi sự nhìn xa hơn và hướng ra ngoài cộng đồng của mình.

Trong nhiều năm qua, những người Mỹ gốc Việt đã cố gắng tìm phương cách giúp người dân ở quê nhà, làm sao có thể làm việc hữu hiệu được, cả ở Việt Nam lẫn trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

Những hoạt động của họ luôn luôn mang tính chất nhân đạo, từ việc góp phần mang học vấn đến cho trẻ em nghèo, miếng ăn cho người đói, mái nhà cho người khốn khó, và thuốc men cho người bệnh, cho đến việc tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của những người ngoài các NGO của người Mỹ gốc Việt giúp xúc tiến những hoạt động nhằm góp một phần cải tiến đời sống của đồng bào ruột thịt bên nhà.

Thí dụ một số dự án thành công như "Chương trình chăn bò" của Hội Tương trợ các trẻ em không cha mẹ thực hiện ở Thừa Thiên - Huế: Từ một con bê cho em Nguyễn Phước Bảo Cường ở xóm Giống, xã Thủy An, và 19 con bê cho 19 em khác đã được nhân lên 100 con bò trong ba xóm; Chương trình "Bồi dưỡng phương pháp dạy mẫu giáo" cho các trường mẫu giáo Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã được Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương trên đánh giá rất cao; Chương trình "Hợp tác xây dựng trường tiểu học " của Nhóm SAP-VN (Tương trợ xã hội VN) đã đóng góp cùng địa phương xây hàng chục trường tiểu học...

Nhu cầu của người dân nghèo vẫn còn rất lớn và ngày càng tăng, song khả năng của các NGO người Mỹ gốc Việt lại luôn bị giới hạn. Mỗi tổ chức chỉ có thể giúp một số ít người ở một vài nơi. Nhiều NGO lại có những hoạt động tương tự nhau, chẳng hạn như xây nhà cho người nghèo, hay xây trường tiểu học. Nhưng vì thiếu thông tin và thiếu kết hợp cho nên họ khó có thể chung sức làm tốt hơn nữa hoặc không có dịp so sánh kết quả của nhau hoặc đánh giá hiệu quả của việc mình làm.

Qua hội nghị này các thành viên của các NGO người Mỹ gốc Việt cùng nhận thấy là nếu gộp chung lại họ đã giúp người dân ở quê nhà rất nhiều, cả về mặt vật chất lẫn công sức và tâm huyết. Một ưu điểm nổi bật của các NGO Việt Nam so với những tổ chức khác là những người tham gia các dự án tài trợ đều nói tiếng Việt với các đối tác Việt Nam nên hiệu quả tương đối khá khả quan.

Giá trị của những đóng góp vừa qua của những người Mỹ gốc Việt không phải ở chỗ số tiền dành dụm được, hoặc quyên góp trong cộng đồng và tranh thủ tài trợ của các tổ chức quốc tế để gửi về thực hiện các chương trình nhân đạo giúp bên nhà, mà là sự cống hiến từ bao nhiêu năm tháng trăn trở, bàn bạc, xây dựng chương trình v.v...

Trong bài phát biểu của tôi, tôi đã đề cao sự đóng góp của các NGO người Mỹ gốc Việt, do những người Việt trẻ tuổi đầy nhiệt tình, rất hoạt bát, nói tiếng Mỹ như người Mỹ, có tầm hiểu biết sâu rộng về chuyên môn.

Thời điểm này trong lịch sử Việt Nam đã có thêm một tín hiệu mới với chính sách mới đón nhận những hỗ trợ quý giá của người Việt ở nước ngoài. Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, chúng ta thấy người Trung Quốc ở Mỹ đã đưa về nước hàng trăm công ty Mỹ đầu tư cho công nghiệp sản xuất hàng gia công để đưa sang bán ở Mỹ, vừa giải quyết tốt lao động dư thừa của Trung Quốc, vừa mang lại ngân sách dồi dào cho địa phương, góp phần làm cho đời sống nhân dân Trung Quốc ngày càng được nâng cao. Không lý do gì mà nước Việt Nam không tranh thủ được sự giúp đỡ của hàng trăm nghìn chuyên gia, công kỹ nghệ gia người Việt ở nước ngoài.

Tới đây, cộng đồng các NGO Mỹ gốc Việt họp nhau lần này sẽ hợp lực thành một tiếng nói chung nhằm kêu gọi Chính phủ Mỹ góp thêm kinh phí tài trợ cho các chương trình của họ để có thể thực hiện nhiều chương trình lớn hơn đóng góp cho quê hương Việt Nam.

GS. TS Võ Tòng Xuân
Báo Nhân dân - Thanh niên