Sự thật không thể xuyên tạc

Sau vụ việc lôi kéo, lừa gạt một số đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên gây rối trật tự công cộng, ngày 10-4, bị quần chúng nhân dân Tây Nguyên vạch trần, Ksor Kơk từ bên Mỹ ráo riết thực hiện hành động xuyên tạc sự thật. Trong khi những người dân nhận ra sai lầm của mình, trở lại buôn làng yên ổn làm ăn cùng cộng đồng, thì bọn Phun-rô lưu vong rêu rao”có hàng trăm đến cả nghìn người bị chính quyềt sát hại dã man”. Khi tiếp nhận những thông tin bịa đặt trắng trợn này, người dân Tây Nguyên và nhất là những người vừa bị bọn phản động lừa gạt hết sức bất bình.

Những nạn nhân của bọn phản động

Sáng 18-4, chúng tôi có mặt ở thị trấn Ea Pốc, một trong 2 thị trấn khá sầm uất của huyện Chư Mga. 100% thôn buôn có điện. Hầu hết đường giao thông đã được nhựa hóa; trường học, bệnh xá xây dựng kiên cố. Đây cũng là vùng đồng bào dân tộc thiểu số có mức sống vào loại nhất nhì ở Tây Nguyên. Nhà cao tầng xây dựng san sát, vào hộ nào cũng thấy cuộc sống sung túc, tiện nghi đầy đủ. Tuy nhiên trong 4 buôn đồng bào Ê-đê ở thị trấn Ea Pốc gồm buôn Pốt, Ea Mấp, Sút Mrư và buôn Lang thì có tới 3 buôn mới đây có một số bà con bị bọn phản động lừa gạt, ép buộc đi gây rối trật tự công cộng, tạo cớ cho những phần tử quá khích đưa ra những yêu sách phản động, đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê-ga độc lập, Tin lành Đê-ga”. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế. Khi nghe kẻ xấu xuyên tạc rằng ra Buôn Ma Thuột sẽ có máy bay đón đi sang Mỹ ở, ai không đi được thì sẽ được cấp nhà ở phố. Một số khác thì thấy người ta đi đông thì đi theo, cũng không biết đi để làm gì (bởi đồng bào dân tộc thiểu số từ bao đời nay có tính cộng đồng rất cao-đây cũng là yếu tố để bọn phản động lợi dụng dễ lôi kéo nhiều người). Khác với vụ việc gây rối mà bọn phản động thực hiện tháng 2-2001, lần này chúng tập trung ép buộc, lừa gạt chủ yếu là các đối tượng người già, trẻ em, học sinh và đám thanh niên mới lớn. Những người có hiểu biết, nhận thức được những việc làm sai trái thì chúng tìm cách ép buộc, thậm chí bắt bỏ lên xe cày chở đi.

Chị Mí Duôn ở buôn Pốt kể lại: “Sáng đó chồng mình đi tập huấn khuyến nông ở Buôn Ma Thuột. Ở nhà chỉ có mình và con gái H’ Diên Byă. Mình đang làm việc trong nhà thì thấy đám đông tới gọi đi, mình không hiểu đi đâu, nên từ chối. Thế là mấy đứa thanh niên xông vào bắt con H’ Diên Byă đang học lớp 7, đưa lên xe chở đi. Sợ quá, mình chạy lên chiếc xe khác đi theo để đòi con về”.

Đến những người già cao tuổi bị liệt cả chân, bọn chúng cũng không buông tha. Bà H’ Nuôi Niê hơn 60 tuổi ở buôn Ea Mấp bị liệt hai chân đang ngồi trong nhà thì bọn quá khích đưa xe cày tới bắt bỏ bà lên xe chở đi theo gây rối. Đến nơi tụ tập đông người, bọn quá khích mải mê ném đá, bắn nỏ, dùng gậy gộc chống người thi hành công vụ, thì bà H’ Nuôi Niê bị chúng bỏ phơi nắng trên xe. May mà sau đó bà được cán bộ của Bệnh viện đa khoa tới đưa đi khám bệnh cho thuốc và chở về nhà an toàn. Khi gặp chúng tôi bà thổ lộ nỗi căm uất bọn phản động: “Cuộc sống dân làng đang yên vui, bọn người xấu lại làm cho xáo trộn, nếu chính quyền bắt được chúng nó thì phải xử phạt thật nặng cho chúng chừa”.

Ông Y Manh Niê, 70 tuổi, liệt chân từ hai năm nay cũng bị chúng bắt bỏ lên xe chở đi theo đoàn người gây rối, kể lại: “Sáng 10-4, mình đang ngồi trông nhà cho con cháu đi làm, mấy đứa thanh niên vào lôi mình lên xe chở đi. Đến khi chúng làm việc bậy ba,å mình thấy thế là sai rồi, nên nhờ chị Nhung, người ở xã Hòa Thuận, Buôn Ma Thuột vào bán hàng ở buôn mình chở mình về nhà”. Rồi ông chỉ cho chúng tôi xem cơ ngơi của mình, ngôi nhà xây dựng hơn trăm triệu đồng, có xe cày, xe máy, con gái út là H’ Ớt đã học lớp 12 đang cùng mẹ H’ Đít Niê phơi một sân thóc đầy mới thu hoạch về. Ông còn bảo: “Làm gì có nhà nước Đê-ga, Tin lành Đê-ga, chúng nó tuyên truyền bậy bạ để phá hoại nước mình thôi. Buôn làng mình không cần những thứ phản động đó. Theo chúng là khổ, là nhục. Đất nước có cuộc sống như ngày nay là hàng triệu người dân cả đồng bào Kinh, Ê-đê và các dân tộc anh em khác phải hy sinh gây dựng nên. Nay thế hệ con cháu không biết nâng niu, gìn giữ là có tội”.

Ngày 10-4 là ngày đáng buồn tủi, nhưng cũng là ngày đáng nhớ của chị H’ Díu Ađrưng. Hôm đó chị bụng mang dạ chửa đã đến ngày sinh, vậy mà đám thanh niên quá khích cũng không buông tha, chúng lừa gạt chị đi theo. Giữa đường, chị trở dạ may được cán bộ người Kinh đưa tới bệnh viện tỉnh sinh nở mẹ tròn con vuông. Đến ngày 16-4 chị được bệnh viện đem xe ô tô chở về tận nhà. Bây giờ thì cả nhà đang ăn mừng đón thành viên mới. Chuyện bị bọn phản động ép buộc đi gây rối đối với chị là bài học để đời. H’ Díu bảo: “Sau này mình sẽ kể cho con gái mình nghe để nó cảnh giác cái bụng bọn xấu”.

Khi chúng tôi đến buôn Lang, thì cũng là lúc buổi họp 80 người già trong buôn vừa kết thúc. Già làng Ay Pét cho biết, sáng nay các già trong buôn họp nhắc nhở bà con đừng để bọn phản động lừa phỉnh, không được đi theo chúng làm những việc phạm pháp luật Nhà nước, vi phạm luật tục buôn làng. Các già cũng bàn đến việc vận động, nhắc nhở con cháu thực hiện tốt quyền công dân trong ngày bầu cử HĐND các cấp tới đây”. Cũng tại buôn Lang, chúng tôi còn gặp thanh niên Y Rét Ênuôl, người trực tiếp tham gia từ đầu đến cuối vụ việc gây mất an ninh trật tự ở Chư Mga. Y Rét nói: “Chuyện Ksor Kơk từ bên Mỹ nói rằng có người tham gia gây rối bị chính quyền đánh đập, giết hại người dân là bịa đặt. Nó từ bên Mỹ làm sao hiểu được. Ksơr Kơk là thằng phản động. Mình sẽ không để nó và bọn tay chân của nó lừa gạt nữa”.

Trở lại buôn Ea Mấp, chúng tôi tìm đến nhà ông Y Hiắt Mlô, 70 tuổi, bên cạnh ngôi nhà sàn truyền thống gia đình ông còn xây dựng ngôi nhà mái bằng trị giá 125 triệu đồng. Y Hiắt Mlô nguyên là thiếu tá ngụy, làm tới chỉ huy phó Trường thiếu sinh quân Tây Nguyên. Ông đã 6 lần từ chối việc bảo lãnh sang Mỹ định cư. Gặp chúng tôi ông kể lại:”Năm 1951 học hết lớp 5, khi đó ông 18 tuổi bị bắt đi lính ngụy. Đất nước giải phóng, sau thời gian cải tạo ngắn, ông được Nhà nước khoan hồng về đoàn tụ, sinh sống cùng gia đình tại buôn Ea Mấp. Rồi sinh cơ lập nghiệp, nuôi các con trưởng thành. Nay ông có 14 cháu, một chắt các con đều có kinh tế khá giả. Ông bảo, mình sống qua 3 chế độ rồi, mới thấy chỉ có Đảng, Nhà nước ta mới lo cho dân được cuộc sống đủ đầy như thế này. Thời Mỹ ngụy làm gì dân ta được học hành, làm gì có trường học, trạm xá, đường sá đi lại như bây giờ. Người dân đâu có biết làm cà phê, lúa nước, chỉ làm lúa rẫy, đi rừng hái lượm; bệnh tật không có thuốc thang, không có thầy thuốc, chỉ biết cúng gà, cúng heo... Việc mình từ chối không sang Mỹ định cư là vì mình thấy không đâu bằng ở với buôn làng, gắn bó mảnh đất cha ông. Hơn nữa, cuộc sống bên Mỹ chắc gì đã được đủ đầy như thế này. Rồi ông Y Hiắt Mlô nói đến chuyện tên Phun-rô lưu vong Ksor Kơk, tự phong là tổng thống của cái gọi là “Nhà nước Đê-ga độc lập nào đó” sống chui lủi bằng đồng tiền bố thí bên Mỹ, lừa gạt một số đồng bào dân tộc thiểu số là sang Mỹ định cư được sống cuộc sống sung sướng, không làm mà có ăn! Nhưng thực tế thì bà con đều rơi vào cảnh sống cơ cực, vất vưởng; khi biết bị lừa, vô cùng căm uất Ksor Kơk. Chính vì thế mà ngày 4-10-2002, tại thành phố Gvenk Sbovo VC miền bắc bang Ca-rô-li-na, Ksor Kơk và tay chân của hắn là Y Duen Buôn Đáp đã bị số người hắn lừa gạt đập phá xe và đánh cho một trận tơi bời!

Ngay tại Đắc Lắc, trong năm 2002 đã có 2 nạn nhân phải chết bỏ xác bên Cam-pu-chia chỉ vì gia đình bị Ksor Kơk lừa phỉnh, vượt biên sang Cam-pu-chia, trong đó có cháu Y Thái mới 5 tuổi ở buôn Sa Pa, xã Thuận An, huyện Đắc Mil. Kể cả một số người sau khi vượt biên sang Cam-pu-chia và được đưa sang Mỹ đã phải chịu cuộc sống vất vưởng, cơ cực, nơi xứ người. Khi biết bị Ksor Kơk lợi dụng cho những công việc phản bội Tổ quốc, họ đã gửi thư, gọi điện về cho người thân tố cáo tội lỗi của Ksor Kơk, khuyên bảo bà con và người thân đừng nghe theo Ksor Kơk nữa như: Y Ngút Ê Ban, buôn Kô Tam, xã Ea Tu; Y Bon M’lô ở buôn Đung, xã Cư Ebuar; Y Am, buôn Kom Liao, xã Hòa Thắng (Buôn Ma Thuột)...

Những việc cần quan tâm

Phải nói rằng, để xảy ra tình trạng một số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số bị bọn phản động lợi dụng gây rối, tiếp tay cho những hoạt động chống phá cách mạng, không phải đơn thuần chỉ là lỗi của người dân nhẹ dạ, mất cảnh giác, thiếu hiểu biết, bị ép buộc... thậm chí mua chuộc. Mà trong đó có những nguyên nhân từ phía cán bộ, chính quyền ở cơ sở. Việc nắm tâm tư nguyện vọng của dân; việc phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ, ban tự quản thôn buôn; việc phát động phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân; việc giáo dục truyền thống, nhất là truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ... lâu nay chúng ta làm chưa tốt. Một số chủ trương, chính sách lớn và hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước còn triển khai chậm ở cơ sở. Đơn cử việc thực hiện Quyết định 132/2002/QĐ-TTg ngày 8-10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên triển khai còn chậm chưa đồng bộ. Dẫn đến một số hộ thiếu đất đã dễ dàng bị kích động, khi bọn phản động tuyên truyền đi theo chúng để được cho tiền, được cấp đất... Chúng ta cũng thiếu những cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ có năng lực, có uy tín để nói cho dân hiểu, làm cho dân tin.

Đồng bào Tây Nguyên mà chúng tôi gặp gỡ, trao đổi tất cả đều khẳng định, kẻ thù, các thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng nước ta, trong đó Tây Nguyên là một trong những mục tiêu quan trọng chúng hướng tới. Đất nước ta nói chung, Tây Nguyên nói riêng càng phát triển tốt đẹp thì kẻ thù càng ráo riết thực hiện những âm mưu, hành động chống phá; chúng tìm đủ mọi thủ đoạn nham hiểm; chúng khoét sâu vào những sơ hở của ta, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tạo ra thù hận sắc tộc, tôn giáo để có cớ can thiệp. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên không thể khoanh tay chờ khi kẻ thù và bọn phản động hành động mới đấu tranh, mà cần phải đấu tranh ngay từ những yếu kém, những sơ hở trong bản thân chúng ta, có như thế kẻ thù mới không còn cơ hội lợi dụng.

KIỀU BÌNH ĐỊNH
(Báo Quân đội Nhân dân)