Ở một xã cao nguyên tốt đạo đẹp đời
Xã Thống Nhất (huyện Krông Buk, tỉnh Đác Lắc) có 98% số dân theo đạo Công giáo, được xem là xã giàu bậc nhất Tây Nguyên với thu nhập bình quân 40 triệu đồng/hộ/năm.
" Các anh về xã Công giáo ấy thì sẽ rõ. Chưa có nơi đâu như địa phương này, dân và chính quyền một lòng, vừa làm ăn giỏi, vừa sống phúc âm. Hầu hết cán bộ lãnh đạo xã cũng là người Công giáo”. Bí thư Huyện ủy Krông Buk Nguyễn Văn Sự đã giới thiệu về xã Thống Nhất với chúng tôi bằng những lời ngắn gọn như vậy.
Những ngôi trường từ... cà-phê
Toàn xã trồng được 5.400 ha cà-phê, 160 ha hồ tiêu... Cuối mùa thu hoạch cà-phê, có nhiều gia đình trúng đến 200 triệu đồng. Có đồng tiền làm ra chính đáng, người dân lo đến chuyện giao thương, buôn bán hằng ngày.
Xã Thống Nhất có hai chợ trung tâm, mỗi chợ có hơn 100 hộ kinh doanh. Chợ làng, chợ xã mà có nhiều tiệm kinh doanh vàng, bạc và đá quý. Toàn xã có gần 98% gia đình có nhà xây kiên cố, trong đó không ít gia đình làm nhà đến hai và ba tầng. Đường làng, ngõ xóm ở xã này được quy hoạch ngăn nắp. Sự trù phú, của Thống Nhất làm nhiều người nơi khác có dịp đi qua ngỡ rằng đây là trung tâm của một huyện lỵ.
Nhưng điều bây giờ người xã Thống Nhất quan tâm nhiều là chuyện học hành, con cái nhà ai cũng được đến trường. Xã có đến năm ngôi trường gồm một trường THPT, một trường THCS và ba trường tiểu học. Trường THPT của xã có hơn 3.000 học sinh. Hằng năm xã có hơn 550 sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước. Nhà ông Nguyễn Bình Đô có năm người con, tất cả các con ông đều học đại học ở TP Hồ Chí Minh, trong đó có ba người đã ra trường. Ông Đô nói rằng: “Được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nên mình phải cố gắng cho con đi học mai sau giúp ích nước nhà”.
Người dân ở xã Thống Nhất còn tự nguyện góp 3 tỷ đồng để xây dựng ba ngôi trường tiểu học cho con em mình. Ngoài ra, còn một ngôi trường THCS có vốn đầu tư 4,7 tỷ đồng cũng đang được người dân và Nhà nước cùng sức xây dựng. Bà con ở xã Thống Nhất nói vui rằng “đây là những ngôi trường từ... cà-phê”.
15 năm dốc lòng dốc sức
Cách đây 15 năm, ông Đặng Văn Trực tiếp nhận chức chủ tịch xã. Những cộng sự của ông, hai ông Nguyễn Mạnh Hà và Trần Quang Nhật cũng được bầu vào ghế Chủ tịch HĐND và Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Là dân Công giáo, lại được nắm giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền, cả ba người có một chút gì đó “ngỡ ngàng” và hơi lo lắng ban đầu. Trong suốt 15 năm qua, sự thay da đổi thịt của cuộc sống trên giáo phận Thống Nhất đã ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của các ông.
Chủ tịch xã Đặng Văn Trực cho biết, Thống Nhất có 3.118 hộ với 17.568 nhân khẩu, 98% dân theo Công giáo, sinh hoạt ở 3 giáo xứ Vinh Quang, Vinh Đức và Vinh Phước. Hai năm nay, Đảng bộ xã chủ trương đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới. “Lúc đầu, bà con gần như chẳng quan tâm lắm, nhưng rồi nhờ làm tốt công tác dân vận, công tác mặt trận, ngày càng có nhiều người được giới thiệu vào các lớp cảm tình Đảng hơn. Hai năm vừa qua đã có hai người được kết nạp vào Đảng, nâng số đảng viên lên 34 người”- ông Trực cho biết.
Theo Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Mạnh Hà, nhờ sự đồng thuận và tranh thủ tiếng nói của các vị linh mục, quản xứ trong vùng, chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với đồng bào rất nhanh và có hiệu quả rõ rệt. Không chỉ có ông Trực, ông Hà và ông Nhật, ông Nguyễn Ngọc Lễ, Phó Chủ tịch UBND xã và ông Hoàng Hữu Ngữ, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cũng là những người đã có “nhiệm kỳ”... 15 năm. Nhờ vậy, lãnh đạo đoàn kết, gắn bó, tạo được niềm tin sâu đậm trong quần chúng. “Chỉ còn 39/3.118 hộ ở Thống Nhất là hộ nghèo, cuối năm nay sẽ xóa sạch”- ông Trực không giấu được niềm vui.
LINH QUANG
Theo Người lao động