Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á



Hà Nội (TTXVN) - Với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 7,5% trong năm nay, cùng với Thái Lan, Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Điều này được đề cập trong Báo cáo điều tra về kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2004 do Uỷ ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) thực hiện, được công bố chiều nay tại Hà Nội.

Báo cáo đã đưa ra những nhận xét lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2003 và những dự báo khả quan trong năm 2004. Mức tăng mạnh của cầu trong nước, đặc biệt là đầu tư, là yếu tố chính thức thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu. Đầu tư của khu vực kinh tế công cũng tiếp tục được duy trì. Lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng nhanh, khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển và mở rộng bất chấp tác động của dịch bệnh SARS. Xuất khẩu hàng hóa năm 2003 của Việt Nam tăng đáng kể, đặc biệt là hàng dệt may tới Mỹ; hàng máy tính cá nhân, sản phẩm điện tử và giày dép cũng tăng khá cao.

Về lạm phát, báo cáo nhận định rằng, sự gia tăng của giá thực phẩm do ảnh hưởng của dịch cúm gà, tăng giá các chi phí xây dựng, việc tăng lương sẽ là những nguyên nhân có thể đẩy mức độ lạm phát năm nay tăng hơn những năm trước.

ESCAP cũng cho rằng, tỷ lệ nợ nước ngoài của Việt Nam trong năm qua đã giảm so với trước; mức thâm hụt ngân sách tuy có tăng nhưng vẫn nằm trong kiểm soát của Chính phủ. Nguồn thu thuế tăng nhanh chóng đã bù đắp một phần khá lớn cho những chi tiêu công cộng đang gia tăng hiện nay.

Liên quan đến nhóm chính sách, báo cáo của ESCAP đánh giá Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể và vững chắc trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, đang tích cực thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo cho ngân hàng quốc doanh và tư nhân cạnh tranh bình đẳng, đồng thời soạn thảo nhiều quy định điều chỉnh hoạt động của thị trường chứng khoán.

Tại buổi họp báo công bố báo cáo trên, ông Robert Glofcheski, Chuyên viên kinh tế thường trú của UNDP, nhận định, tuy thời gian qua VND có sụt giá so với đồng đôla Mỹ nhưng điều này không tạo sức ép lên lạm phát và lên tỷ giá hối đoái. Ông Glofcheski cũng cho rằng, việc IMF chất dứt giải ngân nguồn vốn của chương trình cho vay theo thể thức tăng trưởng và giảm nghèo đối với Việt Nam cũng không ảnh hưởng tới kinh tế-xã hội Việt Nam bởi Việt Nam còn nhiều nguồn hỗ trợ khác./.