"Một nghị quyết toàn diện về công tác người VN ở nước ngoài"

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình:
"Một nghị quyết toàn diện về công tác người Việt Nam ở nước ngoài"

--------------------------------------------------------------------------------

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, nói về những điểm nổi bật của nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

* Thưa ông, có lý do đặc biệt nào dẫn tới việc ra đời nghị quyết về công tác đối với người Việt ở nước ngoài (NVƠNN) trong thời điểm này?

- Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về vận động NVƠNN cũng như nhiều chính sách tạo thuận lợi cho bà con trong việc về thăm thân nhân, sở hữu nhà đất, bình đẳng trong giá các dịch vụ và khuyến khích bà con về nước đầu tư, kinh doanh.

Nhiều chính sách và chủ trương đã và đang từng bước đi vào cuộc sống và được bà con Việt kiều hoan nghênh. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng những chính sách này vẫn còn một số điểm hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng của bà con.

Mặt khác, việc thực hiện chính sách chưa đồng bộ, thậm chí có những trường hợp cá biệt còn trái với cả chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Lý do thứ hai là hoàn cảnh hiện tại rất khác so với thời điểm ban hành những chính sách trước đây. Nếu như năm 1986-1987, số bà con Việt kiều về thăm quê chỉ khoảng 8.000 người thì nay đã tăng lên 360.000 lượt người/năm, lượng kiều hối chuyển về cũng đạt mức kỷ lục là 2,6 tỷ USD/năm. Chính thực tế này đòi hỏi những chủ trương mạnh dạn hơn, thông thoáng và toàn diện hơn trong chính sách đối với NVƠNN.

* Tinh thần của nghị quyết lần này có những điểm mới nổi bật nào so với các chính sách trước đây, thưa ông?

- Trước hết, đây là lần đầu tiên một nghị quyết toàn diện về công tác NVƠNN được phổ biến công khai và rộng rãi. Mục đích của việc phổ biến rộng rãi là gì?

Thứ nhất , để tái khẳng định một cách công khai và mạnh mẽ những chủ trương, chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho bà con Việt kiều.

Thứ hai là để các bộ, ngành của Việt Nam nhận thức được rằng việc thực hiện chính sách sẽ luôn được sự theo dõi, đánh giá sát sao của dư luận trong và ngoài nước.

Điểm mới nổi bật thứ hai ở nghị quyết này là lần đầu tiên đã xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với cộng đồng NVƠNN.

Trước đây, việc bảo hộ NVƠNN với tư cách là công dân (đối với những người mang quốc tịch Việt Nam) hoặc bảo vệ họ với tư cách đồng bào (đối với những người đã nhập quốc tịch nước khác) có được đề cập nhưng chưa nhấn mạnh. Nghị quyết lần này khẳng định Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng NVƠNN theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế.

Điểm đổi mới nổi bật thứ ba là trong phần đề cập tới trách nhiệm của bà con đối với đất nước đã không đặt nặng nghĩa vụ đóng góp của bà con.

Trước đây, vẫn có nếp nghĩ cho rằng NVƠNN là những người có đời sống sung túc hơn nhân dân trong nước, do vậy thường chỉ nghĩ tới nghĩa vụ đóng góp của họ, chú trọng tới khía cạnh “khai thác”.

Nghị quyết lần này nêu rõ Nhà nước khuyến khích bà con đề cao trách nhiệm đối với bản thân mình trước, như thực hiện tốt hội nhập, thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp sở tại... rồi cuối cùng mới là tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi người mà góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Những điểm đổi mới này chứng tỏ sự quan tâm và thấu hiểu của Nhà nước đối với cuộc sống và cả những khó khăn mà cộng đồng NVƠNN đã và đang gặp phải.

* Với việc ra đời nghị quyết này, công tác NVƠNN thời gian tới sẽ chú trọng những điểm nào thưa ông?

- Nghị quyết lần này đã nêu ra bốn nhóm giải pháp, trong đó được đề cập đầu tiên là vấn đề trọng dụng nhân tài.

Chúng ta biết rằng cộng đồng NVƠNN tuy vào khoảng 2,7 triệu người nhưng tiềm lực kinh tế của cộng đồng chưa phải là lớn, bù lại tiềm năng chất xám lại vô cùng phong phú. Nhiều Việt kiều trẻ tuổi, nhiều trí thức kiều bào có nguyện vọng được về nước làm việc. Sắp tới, sẽ tháo gỡ toàn bộ những trở ngại, vướng mắc trong việc hợp tác làm việc với trí thức kiều bào.

Các cơ quan sẽ được quyền chủ động hơn trong việc mời các chuyên gia tham gia các dự án, các chương trình, không giới hạn là song phương hay đa phương. Chính sách đã có, các cơ quan chỉ việc vận dụng hợp lý, không nhất thiết việc gì cũng phải báo cáo lên trên nữa.

Thứ hai là sẽ tích cực cải thiện môi trường pháp lý nhằm thu hút bà con Việt kiều về đầu tư, kinh doanh ở trong nước. Bên cạnh việc coi trọng NVƠNN như những nhà đầu tư, một khía cạnh vô cùng quan trọng là chính Việt kiều có thể hướng dẫn, chắp nối cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chính vì vậy nghị quyết nêu rõ phải phát huy khả năng của NVƠNN trong việc làm dịch vụ, thiết lập và mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam.

Công tác NVƠNN sắp tới cũng sẽ chú trọng đảm bảo nhu cầu thông tin của bà con. Thời gian qua, nhiều trang báo điện tử rất mạnh được bà con Việt kiều quan tâm. Nhưng bà con vẫn có nhu cầu rất lớn về nắm các thông tin trong nước. Báo điện tử Quê Hương, tờ báo dành cho bà con kiều bào, dự kiến sẽ được cải tiến toàn diện nhằm cập nhật liên tục các thông tin phục vụ bà con.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tích cực đáp ứng nhu cầu của bà con trong việc giao lưu, học tiếng Việt, đi tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình dạy tiếng Việt cho NVƠNN. Bên cạnh việc các nghệ sĩ NVƠNN được tạo điều kiện về nước biểu diễn thường xuyên, chúng tôi cũng tính tới cả việc mời các nghệ sĩ hoặc các vận động viên gốc Việt tham gia các cuộc thi quốc tế dưới mầu cờ sắc áo của Việt Nam, có thể là ngay tại SEA Games tới.

Nhóm giải pháp cuối cùng chú trọng tới các vấn đề nhân đạo và xây dựng lòng tin. Bà con sẽ được tạo điều kiện tối đa để về thăm quê, thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, nếu bà con có nhu cầu thờ cúng, xây chùa chiền ở nước sở tại, nếu được chính quyền sở tại chấp nhận, trong nước sẽ có hỗ trợ cụ thể.

* Thưa ông, một vấn đề được nhiều NVƠNN băn khoăn là tư cách pháp nhân của bà con tại nước sở tại để bà con có thể cư trú và làm ăn một cách chính đáng. Vấn đề này sẽ được quan tâm như thế nào thưa ông?

- Vâng, theo tinh thần của Bộ Chính trị, Bộ Ngoại giao sẽ phải có tham mưu và kiến nghị cụ thể để đàm phán và ký kết với các nước những hiệp định về tư cách pháp lý của công dân Việt Nam, thí dụ như các hiệp định lãnh sự, hiệp định hỗ trợ tư pháp. Người Việt Nam ra sinh sống ở nước ngoài từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, do vậy cũng có một số lượng người thiếu các giấy tờ hợp pháp. Chủ trương của chúng ta là sẽ tiến hành thương thảo với từng địa bàn để bảo vệ lợi ích chính đáng của bà con. Ngoài ra, bà con sẽ được tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng các yêu cầu liên quan đến vấn đề quốc tịch.

* Xin cảm ơn ông.

CẨM HÀ thực hiện
(Tuổi trẻ)