"Việt Nam không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ"


Ông Trần Tony Phúc Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Asia Hawaii Ventures (100% vốn của Mỹ) đang đầu tư nuôi trồng, xuất khẩu tôm tại Việt Nam khẳng định Việt Nam không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ. Công ty đầu tư vào Việt Nam để tận dụng những điều kiện thuận lợi như giá nhân công rẻ hơn nhiều ở Mỹ.

Ngày 16-3, Công ty TNHH Asia Hawaii Ventures (100% vốn của Mỹ) tại Khu Công nghiệp Hòa Hiệp, tỉnh Phú Yên vừa cử người trở về Mỹ để làm việc với tập đoàn luật sư Hawaii Lawyer Group Corp về vụ kiện tôm.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty này, ông Trần Tony Phúc Thành cho biết: “Từ ngày 13-3 đến hết tháng này, tại Boston diễn ra cuộc triển lãm thủy sản thế giới, chúng tôi sẽ đến đấy tìm hiểu cách đánh thuế các sản phẩm như thế nào, sau đó sẽ tiến hành những bước tiếp theo của vụ kiện tôm”.

Là một doanh nghiệp vừa nuôi trồng, cung cấp giống và xuất khẩu tôm, Asia Hawaii Ventures đã thực sự lo lắng khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chấp nhận đơn kiện của Liên minh Tôm miền Nam nước Mỹ (SSA) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) ra tuyên bố Việt Nam cùng năm nước nữa đã bán phá giá tôm vào Mỹ cách đây tròn một tháng.

Việt Nam không bán tôm phá giá. - Tại sao Việt Nam mà không là nước khác? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Tony Phúc Thành nói: “Tôi chọn Việt Nam để đầu tư với lý do thứ nhất là quê hương. Lý do thứ hai là điều kiện môi trường ở Việt Nam tốt, giá nhân công và các giá cả khác đều rẻ hơn rất nhiều so với Mỹ”.

Ông Trần Tony Phúc Thành có quốc tịch Mỹ, quê ở Phú Yên, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Đại học Osaka (Nhật Bản). Tại Hawaii, nơi ông Tony Phúc Thành định cư, ông làm nghề nuôi tôm thẻ chân trắng để bán vào thị trường các thành phố lớn của Mỹ.

Năm 2002, ông Tony Phúc Thành trở về Việt Nam đầu tư một dự án nuôi tôm công nghiệp trên cát bằng giống tôm thẻ chân trắng Hawaii. Dự án ban đầu được triển khai tại các tỉnh Phú Yên với 250 ha, Thừa Thiên - Huế 150 ha và Bình Định 150 ha với tổng số vốn đầu tư đến nay là 12 triệu USD từ nguồn của các Việt kiều, trong đó có cả tập đoàn luật sư Hawaii Lawyer Group Corp.

Đi vào hoạt động hơn một năm nay, Công ty Asia Hawaii Ventures đã xuất khẩu được 1.000 tấn tôm thẻ chân trắng vào thị trường Mỹ và Nhật Bản, trong đó thị trường New York chiếm đến 480 tấn. Công ty này đã thu hút 500 lao động phổ thông. Trong đó đội ngũ kỹ sư chuyên môn hàng chục người được trả lương theo mức lương ở Mỹ (5.000 USD/tháng).

“Nuôi tôm ở Việt Nam có lãi hơn ở Mỹ. Doanh nhân nuôi tôm ở Việt Nam có nhiều tiền hơn doanh nhân nuôi tôm ở Mỹ”. Đó là khẳng định của ông Trần Tony Phúc Thành, người đã từng nuôi tôm ở cả hai nơi. Ông so sánh cùng một giống tôm thẻ chân trắng nuôi ở Hawaii, năng suất 30 tấn/ha khi đưa vào thị trường Nam Mỹ bán có thể lên đến giá 30 USD/kg nhưng vẫn lãi ít hơn vì chi phí máy móc quá cao. Ông kết luận: “Việt Nam không hề bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ. Không có chuyện Chính phủ Việt Nam trợ giá cho người nuôi tôm để hạ giá thành”.

Sẽ đi kiện tại Mỹ .- Trong buổi tiếp xúc với đoàn khảo sát điều tra của tổ chức ActionAid (Vương quốc Anh) bao gồm cả đại diện của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng, Công ty Asia Hawaii Ventures cho biết những bước tiếp theo liên quan đến vụ kiện tôm sẽ được công ty mẹ tại Mỹ tiến hành nếu DOC đưa ra phán quyết sơ bộ về thuế nhập khẩu hoặc hạn ngạch nhập khẩu đối với tôm Việt Nam vào tháng sáu tới đây.

Chi phí ban đầu cho vụ kiện này dự trù khoảng 200.000 USD. “Trước mắt, chúng tôi sẽ giải trình với DOC về việc không phải chúng tôi về Việt Nam nuôi tôm để bán phá giá vào thị trường Mỹ mà chúng tôi về Việt Nam để tận dụng những điều kiện thuận lợi cũng như giá nhân công rẻ hơn nhiều. Tiếp đến, chúng tôi sẽ thăm dò điều tra và tiếp xúc với một tập đoàn luật sư có uy tín tại đó. Ở Mỹ, đánh giá một tập đoàn luật sư uy tín là dựa trên số vụ thắng kiện của họ. Vì danh dự, nhiều lúc những tập đoàn luật sư này phải bỏ cả tiền ra bù hợp đồng để được thắng kiện" – ông Trần Tony Phúc Thành cho biết như vậy. Việc kiện tụng ở Mỹ, nếu anh không có tiền thì có thể sẽ bị thua vì hụt hơi. Theo đánh giá của công ty này, vụ kiện tôm chúng ta thuận lợi hơn vụ kiện cá basa vì có các “đồng minh” Trung Quốc, Thái-lan... nằm trong danh sách các bị đơn. Chúng ta sẽ xem xét các nước này tiến hành như thế nào, nhất là khâu thuê luật sư ở Mỹ và chúng ta dựa vào đó để thực hiện theo. Một thuận lợi nữa liên quan đến người tiêu dùng ở Mỹ. Khi áp thuế đối với tôm Việt Nam và các nước khác, người tiêu dùng ở Mỹ sẽ bị thiệt thòi đầu tiên. Cùng nhau hợp tác và lên tiếng, có thể DOC sẽ cân nhắc lại mọi chuyện vì uy tín lẫn tiền bạc trong vụ kiện này.
---------------

Thời điểm và ý kiến

- Rạng sáng 18-2-2004 theo giờ Hà Nội, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã chính thức tuyên bố 6 nước, trong đó có Việt Nam bán phá giá tôm vào Mỹ đe dọa ngành tôm nước này. Tuyên bố dựa trên cáo buộc của Liên minh Tôm miền Nam nước Mỹ (SSA).

- Trước đó, Hiệp hội Phân phối thủy sản Mỹ (ASDA) tuyên bố hành động của SSA “là đáng thất vọng và không được khuyến khích”.

- Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội Adam Sitkoff: Rõ ràng ngành công nghiệp tôm của Mỹ đang kém sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, đặc biệt châu Á. Vụ kiện tôm là phi lý. (Theo VnExpress)

- Tiến sĩ Ramesh Khadka – Giám đốc ActionAid Việt Nam: Cũng như vụ kiện cá tra và cá basa trước đây, vụ kiện tôm của SSA là một hành động mơ hồ và thiếu công bằng.


NGUYỄN MINH
Báo Người lao động