Tiến sĩ Lê Quang Ánh Đan và cuộc hành trình ra biển lớn




Lê Quang Ánh Đan và giáo sư Tatsuoka trong ngày tốt nghiệp.
Tiến sĩ Lê Quang Ánh Đan, nguyên là giảng viên bộ môn cơ học đất và nền móng, khoa xây dựng ĐH Bách khoa TP.HCM, vừa giành được giải thưởng bài báo xuất sắc nhất trong năm - giải thưởng Hogentogler Award 2004, do một tạp chí của Hiệp hội Thí nghiệm và vật liệu Mỹ trao. Ngày 14-6-2004 tại thành phố Kansas, bang Missouri, Mỹ, anh sẽ chính thức được trao giải thưởng này.

Hành trình ra biển lớn...

Tuổi Tí, anh cũng chỉ có một... “tí xíu”. Anh là một người “liên hiệp quốc” vì quê ở tận Nha Trang, được sinh ra ở Vĩnh Long và lớn lên ở TP.HCM.

Hành trang của anh, một chú bé con mang theo vào ĐH là vô số những giải thưởng và ước mơ được mở rộng kiến thức. Năm 1995, tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành cầu đường, khoa kỹ thuật xây dựng ĐH Bách khoa TP.HCM, anh được giữ lại làm giảng viên bộ môn cơ học đất và nền móng.

Được một năm, ước mơ ra nước ngoài học để mở rộng tầm nhìn cứ luôn canh cánh trong lòng. Năm 1996, nhận được một học bổng, anh đã sang Nhật để thực hiện ước mơ của lòng mình.

Năm 1998, tốt nghiệp thạc sĩ, ba năm sau anh tốt nghiệp tiến sĩ ở ĐH Tokyo. Một trong những may mắn của Đan là được làm việc với những giáo sư hàng đầu như giáo sư Fumio Tatsuoka, hiện là phó chủ tịch Hội Cơ học đất và kỹ thuật nền móng của thế giới.

Năm 1996, giáo sư Tatsuoka đã giành được giải thưởng vinh dự nhất trong ngành xây dựng (giải thưởng mà anh vừa giành được). Anh mơ ước sẽ có một ngày được nhận giải thưởng giống như thầy mình. Và hôm nay, anh đã thực hiện được ước mơ của mình khi giành Hogentogler Award 2004, giải thưởng có tầm vóc trong ngành xây dựng dành cho những bài báo có lợi ích cho địa kỹ thuật thế giới.

Thông thường, kỹ sư xây dựng trên thế giới sẽ dùng sóng (wave) để xác định tính chất cơ lý của vùng đất xây dựng (đây là phương pháp rất phổ biến). Nhưng có một khó khăn lớn là khi đem kết quả này để so sánh với các kết quả trong phòng thí nghiệm thì thường khác nhau.

Các kỹ sư và nhà nghiên cứu rất khó khăn khi quyết định phương án nào đúng, phương án nào sai. Nhiều nhà nghiên cứu dùng phương pháp thí nghiệm bằng sóng ngay trong phòng thí nghiệm để xem kết quả của nó. Bài báo của anh Đan so sánh trực tiếp phương pháp dùng sóng và phương pháp cổ truyền trên một điều kiện, trên cùng một vật thể thí nghiệm, từ đó đề xuất cách giải thích sự khác nhau của hai phương pháp. Nghiên cứu này ứng dụng chủ yếu trên đất rời và muốn làm được điều này phải thực hiện trên những thí nghiệm tối tân nhất hiện nay. Vấn đề là không phải tất cả mọi nơi đều có những máy móc như vậy, anh Đan và những đồng nghiệp tại ĐH Tokyo đã thiết kế cách thức thí nghiệm cũng như những máy móc hiện đại để tiến hành nghiên cứu.

Hiện anh đang làm công tác nghiên cứu tại ĐH Notre Dame, Mỹ, đồng thời cũng là nhà phê bình cho tạp chí Geotechnical Testing Journal của American Society for Testing and Materials.

"Cứ quyết tâm đi, bạn sẽ làm được"

Cứ như thế, từng bước anh Đan leo trên nấc thang cuộc đời để thực hiện ước mơ của mình và để đóng góp phần nào đó cho cuộc sống.

Hai bài học lớn nhất mà anh đã học được đó là cách thức làm việc chuyên cần của những giáo sư hàng đầu thế giới, khả năng nhìn xa trông rộng của họ và anh cũng đã học được cách “cúi đầu” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), cách kiên nhẫn của người Nhật.

“Những người giỏi sẽ biết cách nhìn nhận khả năng của người khác và hợp tác để mọi việc tiến triển tốt hơn nữa chứ không phải là luôn mặc cảm, e dè với những người giỏi. Mình không giỏi bằng ai nên cứ phải quyết tâm...” - anh Đan tâm sự.

“Trong cuộc sống, không có gì là không thể, chỉ cần có quyết tâm. Trong học tập, phải luôn biết nhìn lên phía trước, kiến thức là vô hạn để từ đó cố gắng không ngừng. Cứ quyết tâm đi, bạn sẽ làm được” - nhà nghiên cứu 32 tuổi chia sẻ niềm tin của mình như vậy!

Thy Lê
Báo Tuổi Trẻ