Mỗi ngày đọc một quyển sách văn học Việt Nam

Jason Picard (32 tuổi-người Mỹ), tốt nghiệp thạc sĩ về châu Á học tại Trường đại học Corrnell (Mỹ), hiện là nghiên cứu sinh về văn học Việt Nam. Anh cũng đã có nhiều năm sống ở tỉnh Tây Ninh và gắn bó với Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.

* Trước khi đến Việt Nam nghiên cứu, anh có biết ít nhiều về văn học Việt Nam không?

- Có chứ, tôi biết khá nhiều. Có thể nói, văn học Việt Nam thời đổi mới có nhiều tác phẩm dịch ra tiếng Anh. Tôi đã đọc gần như tất cả các tác phẩm dịch đó. Nhưng những vấn đề về văn học Việt Nam thời hiện thực phê phán, văn học Việt Nam giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ thì không biết nhiều. Bây giờ, tôi đang đọc và nghiên cứu...

Ở Mỹ, cách nhìn vào văn học Việt Nam rất hẹp, người ta chỉ đọc các tác phẩm văn học Việt Nam theo ý người dịch. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, ở Việt Nam có rất nhiều nhà văn, nhà thơ nhưng người Mỹ chỉ biết một số ít mà thôi.

* Vậy lý do gì khiến anh đến với văn học Việt Nam?

- Tôi muốn nghiên cứu sâu về văn học Việt Nam để hiểu thêm về lịch sử.

Thí dụ, đọc Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao... tôi hiểu về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Tôi rất thích những nhân vật nông dân Việt Nam như anh Pha trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Đọc Bước đường cùng tôi rất xúc động. Tôi hiểu hơn về những khó khăn chồng chất của người nông dân.

Tôi đang dốc sức nghiên cứu văn học Việt Nam, nhưng phải nói rằng ngôn ngữ Việt Nam phong phú, nhiều ý nghĩa... Trung bình mỗi ngày tôi đọc một quyển sách về văn học Việt Nam, nhưng các giáo sư ở Viện Văn học bảo: "Đọc thế, chứ đọc nữa thì đến cuối đời cũng chưa biết hết". Chính tôi cũng cảm thấy thế.

Tất cả các buổi sáng, tôi có mặt ở thư viện của Viện Văn học để đọc sách, nghiên cứu, trao đổi với các giáo sư hướng dẫn. Tôi được sử dụng thoải mái những tài liệu của Viện. Mọi người ở đây rất cởi mở. Các buổi chiều thứ 3, 5, 7 tôi đến Thư viện Quốc gia để đọc báo. Tôi thích đọc nhất là báo Văn nghệ và tạp chí Xưa và nay.

* Anh có gặp khó khăn gì khi hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam không?

- Có nhiều người Việt Nam có cảm giác hơi lạ vì tôi chưa có gia đình. Nhưng từ lần đầu tiên sang Việt Nam đến giờ tôi chưa cảm thấy khó khăn. Có khó khăn gì thì chỉ là "chuyện nhỏ như con thỏ đang ăn cỏ" mà không biết.

* Anh thấy người Việt Nam thế nào?

- Người Việt Nam rất yêu nước, rất tự hào về văn hóa, lịch sử của mình. Tạo hóa đã ban tặng cho Việt Nam những danh lam thắng cảnh bậc nhất Việt Nam đẹp khắp trăm miền/Bốn mùa một sắc trời riêng đất này (Việt Nam-Lê Anh Xuân).

Đất nước Việt Nam đẹp, con người Việt Nam còn đẹp hơn, và rất gần gũi, thân thiện. Đặc biệt là trong lao động sản xuất, họ rất cần cù, chịu khó. Tôi thấy người nông dân Việt Nam còn vất vả lắm, cực nhọc đến mức mồ hôi đổ ra, túa ra nhiều "như mưa ruộng cày" ( theo ca dao) nhưng đi đâu tôi cũng được hỏi câu y như bạn vừa hỏi. Người Mỹ không quan tâm đến điều đó, họ nghĩ khác.

* Một lúc nào đó anh sẽ trở thành một "chuyên gia" về văn học Việt Nam, có bao giờ anh nghĩ vậy không?

- Tôi có hình dung và hy vọng nhưng không tham vọng. Tôi muốn trở thành giáo sư, tiến sĩ dạy về văn học Việt Nam ở Việt Nam cho sinh viên Mỹ. Hàng năm có rất nhiều sinh viên Mỹ sang Việt Nam nghiên cứu. Tôi muốn dạy và hướng dẫn cho họ. Tôi cũng muốn nghiên cứu văn học Việt Nam nhiều hơn nữa và muốn lập gia đình.

* Anh có ý định ở lại Việt Nam lâu dài?

- Có chứ, nếu có điều kiện... Tôi có những người bạn ở miền nam, miền bắc, rất quan tâm đến tôi. Có vấn đề gì họ giúp đỡ hết sức mình. Những năm sống ở Tây Ninh, và tôi hay đến nhà dân ăn cơm. Họ rất nghèo, nhưng coi tôi như con, em trong nhà, họ giúp đỡ tôi, cho tôi tất cả.

Hà Nội với tôi là một thành phố mở, một cuộc sống mở, tôi dễ dàng nhập cuộc. Người Việt Nam dễ gần nhau, ngày nào tôi cũng gặp và quen một người mới, như bạn. Tôi gặp bạn cũng rất tình cờ, phải không?

* Vâng, xin cảm ơn anh đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thú vị này.

HOA CHANH (thực hiện)
(Thể thao và văn hóa)