Bác sĩ Điện Bàn chinh phục đồng nghiệp Mỹ


Đến Điện Bàn để phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị sứt môi hở hàm ếch ở các tỉnh miền trung, đoàn bác sĩ Interplast - một tổ chức y tế nhân đạo của Hoa Kỳ - đã vô cùng khâm phục sự tận tình, chu đáo với người bệnh của các bác sĩ nơi đây.

Từ giới thiệu của bác sĩ Trần Thành Trai (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh), năm 1997, Interplast – một tổ chức y tế nhân đạo của Hoa Kỳ – đến Quảng Nam và đặt vấn đề hợp tác với Trung tâm Y tế huyện Điện Bàn phẫu thuật miễn phí cho trẻ em các tỉnh miền trung bị sứt môi, hở hàm ếch và dị tật vùng mặt. Một năm sau, trung tâm thực sự làm việc cùng Interplast, trong đó, bác sĩ Trần Văn Do, người gây mê của trung tâm, được chọn làm “đối tác” chính trong các kíp mổ. Bắt đầu từ năm 2003, hình ảnh bác sĩ Trần Văn Do bế một bệnh nhân trẻ em được Interplast đưa lên trang chủ website www.interplast.org như bày tỏ sự trọng thị vị bác sĩ giàu tâm huyết, giỏi chuyên môn với 18 tuổi nghề.

Làm việc chính là ý nghĩa của cuộc sống

Khi được hỏi vì sao trong hàng trăm bệnh viện tuyến huyện và tỉnh tại miền trung, Interplast lại chọn Điện Bàn, bác sĩ Do cười: “Nhờ uy tín của thầy Trần Thành Trai”. Nhưng “cái chính là nhờ trung tâm có những con người tâm huyết, hết lòng vì công việc. Bác sĩ Trần Văn Do là một người trong số họ”, bác sĩ Bửu Thuyên, Trưởng Khoa Ngoại Trung tâm Y tế Điện Bàn, nói.

Ngoài nhiệm vụ gây mê, trong từng ca mổ, bác sĩ Do còn là người sắp xếp tất cả các công đoạn, từ chuẩn bị trang thiết bị đến săn sóc người bệnh. Bác sĩ Do khẳng định: “Mình chuẩn bị cho họ (Interplast) tốt, nhất định họ sẽ quay trở lại”.

Trong bài báo Một món quà quý giá (A precious gift) đăng trên website của Interplast, tác giả Ron Hender ghi lại cảm nhận của John Ryu, bác sĩ tình nguyện sang Điện Bàn năm trước: “Tất cả những thiết bị hiện đại giúp công việc trôi chảy, an toàn nhưng khiến chúng tôi xa cách quá đỗi với những người bệnh, thậm chí xa cách với chính mình. Còn bác sĩ Trần Văn Do luôn làm việc với đôi tay, ánh mắt và hai tai. Ông Do thực sự gần gũi với bệnh nhân và chính ông là người làm việc cật lực hơn tất cả những bác sĩ mà tôi được biết. Có lần tôi hỏi: “Ông đang thiếu thốn nhiều thứ, vậy ông mong muốn điều gì nhất?”. Ông Do đáp: “Được làm việc – đó là mong muốn lớn nhất của tôi bởi đó chính là ý nghĩa của cuộc sống”. Đã 2 năm trôi qua, tôi vẫn còn nghĩ mãi về câu nói ngày ấy của bác sĩ Do”... Bác sĩ người Mỹ này còn thừa nhận: “Chúng tôi tưởng rằng sẽ truyền đạt cho bác sĩ Do những kiến thức mới nhất về gây mê và công nghệ y tế. Rồi tôi nhận ra chính tôi mới là người được ông ta “dạy” nhiều thứ hơn. Đó là cách tổ chức công việc, sự tận tình, chu đáo với người bệnh mà không phải ai cũng có”. Nhờ đó, tỷ lệ thành công của các ca mổ lên tới 95%.

Cầu nối từ thiện

Đến hẹn lại lên, ngày 20-2 tới, đoàn công tác tình nguyện của Interplast lại sang Việt Nam, đến Điện Bàn gặp bác sĩ Do – vị sứ giả giúp họ mang lại nụ cười cho trẻ thơ Việt Nam.

Mỗi năm, Interplast sang Điện Bàn một lần và trong vòng 15 ngày, đoàn bác sĩ tình nguyện của tổ chức này phẫu thuật cho gần 100 trẻ em sứt môi, hở hàm ếch ở tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng... Chi phí trung bình cho một ca mổ ước chừng 700 USD nhưng tất cả các bệnh nhân dù giàu hay nghèo đều được miễn phí hoàn toàn. Những người nghèo được bác sĩ Do giới thiệu với Interplast. Bác sĩ Do còn theo dõi diễn biến sức khỏe của bệnh nhân để thông báo lại với Interplast khi đoàn công tác về Hoa Kỳ.

Năm ngoái, một phụ nữ quê gốc Thừa Thiên – Huế đang sống tại Canada là Nguyễn Khoa Tuệ Thư theo đoàn Interplast về Quảng Nam gặp bác sĩ Do. Bà Thư nhờ ông làm cầu nối cho những hoạt động từ thiện của bà. Bốn trường hợp nghèo khó, neo đơn và một gia đình bị hậu quả của chất độc da cam ở Quảng Nam được bác sĩ Do giới thiệu. Sau đó, bà Thư đã hỗ trợ tiền cho họ cải thiện cuộc sống. Bà Hai Lễ và em Nguyễn Văn Sơn ở Vĩnh Điện (Điện Bàn) cứ hằng tháng đến nhà bác sĩ Do lãnh tiền “trợ cấp” (150.000 đồng/người) do bà Thư gửi về.

DƯƠNG QUANG
(Báo Người lao động)