Tổng quan tình hình KT-XH Việt Nam 2001-2003


(02/01/2004 -- 10:56GMT+7)
Hà Nội (TTXVN) - Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2001-2005, với mục tiêu tổng quát: Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mở rộng kinh tế đối ngoại. Tạo chuyển biến mạnh về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người. Tạo nhiều việc làm; cơ bản xóa đói, giảm số hộ nghèo; đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tiếp tục tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; hình thành một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.

Việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2001-2005) với phương hướng, mục tiêu nêu trong Nghị quyết Đại hội IX có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là kế hoạch 5 năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2001-2010. Triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm, có thuận lợi cơ bản là sau 15 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, thế và lực của nước ta cũng như kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đều đã được tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, khó khăn cũng không phải là ít. Trong khi nền kinh tế Việt Nam còn nhiều mặt yếu kém, kinh tế thế giới chưa ra khỏi trì trệ thì phải đối phó với những tác động tiêu cực của khủng bố quốc tế liên tiếp xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực; của chiến tranh ở Ápganixtan, chiến tranh ở Irắc và đặc biệt là của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS). Trong bối cảnh như vậy, tình hình kinh tế-xã hội 3 năm (2001-2003) vẫn diễn biến theo chiều hướng tích cực, nổi trội nhất là kinh tế tăng trưởng với tốc độ tương đối cao. Ba năm liền, nền kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, tạo đà thuận lợi cho phát triển trong thời gian tới.

Những thành tựu về kinh tế-xã hội 3 năm 2001-2003

1. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ tương đối cao và cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ trong khu vực xảy ra cuối năm 1997 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Tổng sản phẩm trong nước những năm 1992-1997 thường đạt mức tăng trưởng 8-9% đã đột ngột giảm xuống chỉ còn 5,8% vào năm 1998 và 4,8% vào năm 1999. Năm 2000, Việt Nam chặn được sự giảm sút về tốc độ tăng trưởng và năm 2001 đã đưa tổng sản phẩm trong nước tăng 6,89% (nông, lâm nghiệp và thủy sản 2,98%; công nghiệp và xây dựng 10,39%; dịch vụ 6,10%); năm 2002 tăng 7,04% (nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,06%; công nghiệp và xây dựng 9,44%; dịch vụ 6,54%) và sơ bộ ước tính năm 2003 có thể đạt tốc độ tăng 7,24% (nông, lâm nghiệp và thủy sản 3,19%, công nghiệp và xây dựng 10,28%, dịch vụ 6,63%).

Tính ra trong 3 năm 2001-2003, bình quân mỗi năm tổng sản phẩm trong nước tăng 7,06%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,40%/năm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,04%/năm; khu vực dịch vụ tăng 6,42%/năm.

Những số liệu về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước 3 năm 2001-2003 cho thấy:

Nền kinh tế Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trưởng với tốc độ năm sau cao hơn năm trước.

Tốc độ tăng bình quân mỗi năm trong 3 năm 2001-2003 đạt 7,06% không những cao hơn hẳn tốc độ tăng bình quân 6,95% mỗi năm trong kế hoạch 5 năm 1996-2000 mà còn đứng vào hàng các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và thế giới (Theo số liệu công bố của Ngân hàng Phát triển Châu Á tháng 5/2003 thì tăng trưởng kinh tế của Châu Á (trừ Nhật Bản) năm 2001 đạt 4,5%; năm 2002 đạt 5,7% và năm 2003 đạt 5,3%, trong đó tốc độ tăng trương ứng của Trung Quốc là 7,2%, 7,9% và 7,2%; Ấn Độ là 5,4%, 5,0% và 5,3%; Hàn Quốc là 3,0%, 6,2% và 4,1%; Thái Lan là 1,8%, 4,5% và 3,5%; Malaixia là 0,4%, 5,1% và 3,5%; Philíppin là 3,2%, 3,0% và 3,5%).

Trong 3 năm 2001-2003, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân mỗi năm 5,3%, trong đó nông nghiệp tăng 4,3%/năm, lâm nghiệp tăng 1,5%/năm và thủy sản tăng 11,2%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15% mỗi năm, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 12,1%/năm, khu vực ngoài quốc doanh tăng 19,8%/năm và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,6%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ theo giá thực tế năm 2001 đạt 245.300 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2000 và năm 2002 đạt 272.800 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2001. Kim ngạch xuất khẩu năm 2001 đạt trên 15 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2000; năm 2002 đạt 16,7 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2001 và sơ bộ ước tính năm 2003 đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2002.

Nền kinh tế không những tăng trưởng tương đối cao trong 3 năm qua mà còn tiếp tục thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu phân chia nền kinh tế thành 3 khu vực: Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ thì tỷ trọng giá trị tăng thêm theo giá trị thực tế chiếm trong tổng sản phẩm trong nước của khu vực công nghiệp và xây dựng đã không ngừng tăng lên qua các năm: Năm 2000 chiếm 36,73%; năm 2001 chiếm 38,13%; năm 2002 chiếm 38,55% và sơ bộ ước tính năm 2003 chiếm khoảng 38,13%. Tỷ trọng của khu vực doanh nghiệp Nhà nước duy trì ở mức 38% (năm 2001 chiếm 38,40% và năm 2002 chiếm 38,31%). Kinh tế quốc doanh chiếm gần 48%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 13,91% (năm 2002). Cơ cấu vùng kinh tế cũng bắt đầu chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng động lực phát triển kinh tế, vùng chuyên canh và các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất.

2. Vốn đầu tư phát triển và cơ sở hạ tầng của nền kinh tế đã tăng lên đáng kể

Tổng vốn đầu tư phát triển 3 năm 2001-2003 theo giá thực tế đạt 564.928 tỷ đồng, bằng 95,8% tổng số vốn đầu tư phát triển huy động được trong kế hoạch 5 năm 1996-2000. Tính ra, vốn đầu tư phát triển bình quân mỗi năm trong 3 năm 2001-2003 đạt 188.295 tỷ đồng, bằng 159,7% mức bình quân mỗi năm trong kế hoạch 5 năm 1996-2000.

Nếu tính theo giá so sánh 1994 thì tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển bình quân mỗi năm trong 3 năm 2001-2003 là 13,5%, trong đó vốn của khu vực kinh tế Nhà nước tăng 12,9%/năm; vốn của khu vực ngoài quốc doanh tăng 18,0%/năm; vốn của khu vực đầu tư nước ngoài tăng 9,4%.

Trong 2 năm 2001-2002, ngành giao thông vận tải đã cải tạo, nâng cấp và làm mới 4.567km đường quốc lộ và các đường nhánh, 454km đường sắt, 35.937m cầu đường bộ và 4.690m cầu đường sắt.

Ngành điện đưa vào sử dụng 2.548 MW công suất điện, 1.026km đường dây 220kV, 1.370km đường dây 110kV và 5.421MVA công suất các trạm biến áp.

Ngành bưu điện tiếp tục tăng tốc độ đầu tư và đổi mới công nghệ nên đã lắp đặt được 6,2 triệu máy điện thoại cố định cho các hộ thuê bao, bình quân 7,6 máy/100 dân. Hiện nay, cả nước có 8.356 xã có điện thoại, trong đó 42/61 tỉnh, thành phố có 100% số uỷ ban xã có lắp đặt điện thoại. Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông đầu tư xây dựng trên 7.000 điểm bưu điện trên địa bàn nông thôn, rút ngắn bán kính phục vụ của mỗi điểm xuống chỉ còn 2,9km tương đương mức của các nước trong khu vực. Nhờ vậy, 7.881 xã trong cả nước có báo Nhân dân, Quân đội nhân dân và báo Đảng địa phương đến tay người đọc trong ngày.

Cơ sở hạ tầng dịch vụ của ngành y tế và ngành giáo dục trong những năm qua cũng đã tăng lên đáng kể, nhất là ở các xã, phường. Năm 2002 cả nước có 98,5% số xã, phường có trạm y tế. Năm học 2002-2003 các địa phương đầu tư xây dựng thêm 2.239 phòng học cho các lớp mầm non và 85.466 phòng học cho các lớp phổ thông. Tỷ lệ phòng học tranh tre, nứa lá của bậc tiểu học giảm từ 20,3% trong năm học 2000-2001 xuống còn 18,1% trong năm học 2002-2003; của trung học cơ sở giảm từ 10,2% xuống còn 8,8% và của trung học phổ thông giảm từ 5,8% xuống còn 4,2%.

3. Đời sống các tầng lớp dân cư tiếp tục được cải thiện và xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả khả quan

Do kinh tế tăng trưởng với tốc độ tương đối cao, giá cả ổn định và việc điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 180.000 đồng lên 210.000 đồng năm 2001 và 290.000 đồng đầu năm 2003, cùng với việc triển khai nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo nên đời sống các tầng lớp dân cư ở cả thành thị và nông thôn tiếp tục được cải thiện.

Theo kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2002 do Tổng cục Thống kê tiến hành thì trong 2 năm 2001-2002 thu nhập bình quân 1 người 1 tháng theo giá thực tế đạt 365.800 đồng, tăng 21% so với năm 1999, trong đó khu vực thành thị đạt 625.900 đồng, tăng 21,1%; khu vực nông thôn đạt 274.900 đồng, tăng 22,2%. Chi tiêu hàng ngày cho đời sống bình quân 1 người/tháng là 268.400 đồng, tăng 21,4% so với năm 1999, trong đó khu vực nông thôn 210.000 đồng, tăng 18%. Những hộ có thu nhập tương đối cao ngoài chi tiêu cho đời sống hàng ngày còn tích luỹ xây dựng nhà ở, mua sắm đồ dùng đắt tiền, sử dụng điện, nước máy và chi các khoản khác góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cũng theo kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2002, thì có 17,2% số hộ gia đình có nhà kiên cố; 58,3% số hộ có nhà bán kiên cố và tỷ lệ nhà tạm đã giảm từ 26% năm 1997-1998 xuống còn 24% năm 2001-2002. Tỷ lệ hộ có xe máy tăng từ 24% năm 1997-1998 lên 32,33% năm 2001-2002; tỷ lệ hộ có ti vi tăng từ 58% lên 67%; tỷ lệ hộ dùng điện tăng từ 77% lên 86%; tỷ lệ hộ sử dụng nước máy tăng từ 15% lên 17,6%; tỷ lệ hộ có hố xí tự hoại và bán tự hoại tăng từ 16,7% lên 25,5%.

Trên cơ sở kết quả thu nhập bình quân 1 người/tháng thu thập được trong cuộc điều tra nêu trên, Tổng cục Thống kê đã tính ra tỷ lệ nghèo lương thực, thực phẩm năm 2001-2002 và so sánh với năm 1999 thì thấy rằng, tính chung cả nước tỷ lệ này đã giảm từ 13,33% năm 1999 xuống còn 9,96% năm 2001-2002, trong đó tỷ lệ nghèo của khu vực thành thị giảm từ 4,61% xuống 3,61%; của khu vực nông thôn giảm từ 15,96% xuống 11,99%.

Cũng dựa trên kết quả cuộc điều tra nêu trên nhưng tính theo chi tiêu cho đời sống bình quân 1 người/tháng của các hộ gia đình, Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng, tỷ lệ nghèo chung của Việt Nam (bao gồm cả nghèo lương thực, thực phẩm và nghèo phi lương thực thực phẩm) đã giảm từ 37,37% năm 1997-1998 xuống còn 28,9% năm 2001-2002, trong đó, tỷ lệ nghèo lương thực, thực phẩm giảm từ 15% xuống còn 10,9%. Theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 01/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 16,1% năm 2001 xuống 14,5% năm 2002 và 12% năm 2003.

Khi quan sát các số liệu về thu nhập và chi tiêu của dân cư, thì có một vấn đề đặt ra là, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở nước ta vẫn còn tiếp tục dãn ra. Thu nhập của 20% số hộ có thu nhập cao nhất so với thu nhập của 20 số hộ có thu nhập thấp nhất năm 1994 gấp 6,5 lần; năm 1995 gấp 7,0 lần; năm 1996 gấp 7,3 lần; năm 1999 gấp 7,6 lần và năm 2001-2002 gấp 8,1 lần.

Tổng cục Thống kê đã lấy ý kiến của 28.793 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã, phường thuộc 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức sống dân cư năm 2002 so với 5 năm trước đó. Kết quả cho thấy có tới 96,3% ý kiến cho rằng đời sống đã được nâng lên; số ý kiến đánh giá đời sống vẫn như cũ và giảm sút chỉ có 3,7%. Báo cáo năm 2002 của Tổ chức Lương thực Thế giới (WFP) khẳng định, Việt Nam đã đảm bảo an ninh lương thực đủ cho mọi người dân. Trong báo cáo năm 2002 của mình, UNDP cũng đã xếp Việt Nam vào danh sách những quốc gia dẫn đầu các nước đang phát triển về thành tích giảm nghèo.

Thành tựu về mức sống kết hợp với thành tựu về giáo dục và y tế được thể hiện rõ trong chỉ tiêu chất lượng tổng hợp HDI. Theo tính toán của UNDP thì chỉ số này của Việt Nam đã tăng từ 0,583 năm 1985 lên 0,605 năm 1990; 0,649 năm 1995 và 0,688 năm 2003. Nếu xếp thứ tự theo chỉ số này thì Việt Nam từ vị trí thứ 122/174 nước năm 1995, lên vị trí 113/174 nước năm 1998, 110/174 nước năm 1999 và 109/175 nước năm 2003.

Những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2004

Năm 2004 thừa hưởng những thành quả và kinh nghiệm tích tụ trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước, không chỉ về cơ sở vật chất kỹ thuật, về khung pháp lý, đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện. Tình hình chính trị-xã hội tiếp tục ổn định cùng với môi trường hòa bình và hợp tác quốc tế được củng cố là điều kiện rất cơ bản cho sự phát triển. Quá trình thực hiện các hiệp định thương mại song phương và đa phương, xúc tiến hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế diễn biến rất khó lường, nguy cơ khủng bố quốc tế có thể gây mất ổn định trong khu vực; việc điều chỉnh chiến lược của các nước lớn có tác động đến tình hình nước ta. Thời hạn thực hiện đầy đủ các cam kết trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do (AFTA) đã cận kề; yêu cầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trở nên cấp thiết; tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta diễn ra trong xu thế cạnh tranh quyết liệt để giành giật thị trường.

Bối cảnh thuận lợi nhưng khó khăn của 2 năm còn lại của kế hoạch 5 năm (2001-2005) rất nặng nề. Với kết quả thực hiện đến hết năm 2003 thì mục tiêu đó đòi hỏi mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trong 2 năm còn lại phải đạt 8,1-8,2%. Riêng mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2004 là phải có bước phát triển mới của sự tăng trưởng kinh tế cả về nhịp độ, chất lượng và tính bền vững. Do vậy, vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu. Bước phát triển mới đòi hỏi phát triển kinh tế phải đi liền với nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh; thực hiện sự tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước tăng trưởng kinh tế; tạo lập đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tạo môi trường cạnh tranh và hợp tác bình đẳng cho mọi hoạt động kinh tế đối với mọi thành phần kinh tế.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 12 (ngày 24 và 25/12/2003), Chính phủ đề ra chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2004 là trên 8%. Để thực hiện các chỉ tiêu phát triển-xã hội của năm 2004, Chính phủ tập trung vào các giải pháp: Tập trung chỉ đạo nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh, phấn đấu giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng mạng thông tin doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài (FDI và ODA). Có biện pháp để huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chú ý nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Triển khai thực hiện việc quản lý ngân sách theo Luật Ngân sách Nhà nước mới, thực hiện tiết kiệm trong tất cả các khâu của quá trình quản lý ngân sách. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm ổn định sức mua của đồng tiền Việt Nam. Mở rộng kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong lĩnh vực giáo dục, thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh cho nhân dân, tăng cường chất lượng hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho mọi tầng lớp nhân dân, giải quyết vấn đề công bằng trong khám và chữa bệnh. Hoàn thành các quy hoạch bảo tồn di tích lịch sử, di tích văn hóa. Tập trung giải quyết cơ bản một số vấn đề cấp bách trong chương trình cải cách hành chính trên các lĩnh vực thể chế, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công gắn với đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách chính sách tiền lương./.

[Nguồn tư liệu: Tổng cục Thống kê; TTXVN]