Ngoại giao 2003 nâng cao vị thế Việt Nam


(31/12/2003 -- 21:20GMT+7)

Hà Nội (TTXVN) - Mặc dù chịu tác động mạnh mẽ do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, đặc biệt là chiến tranh ở Irắc và sự bùng phát dịch bệnh SARS, trong năm qua hoạt động ngoại giao của Việt Nam tiếp tục được triển khai hết sức sôi động và hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời duy trì môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Tạo dựng các khuôn khổ quan hệ đối tác lâu dài và ổn định

Năm 2003, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đi thăm nhiều nước: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm làm việc tại Trung Quốc (7-11/4), thăm chính thức Ấn Độ (29/4-2/5). Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Ba Lan, Rumani (13-17/10). Thủ tướng Phan Văn Khải thăm làm việc tại Nhật Bản (6-12/4), thăm Hàn Quốc (15-19/9). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm Mông Cổ, Nga, Bêlarút, Ucraina (11-24/1), thăm Cuba (2-6/8), Thái Lan (12-17/9), Xinhgapo và Philíppin (14-19/12).

Ngược lại, nhiều đoàn cấp cao nước ngoài cũng đã đến thăm Việt Nam: Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Khamtay Siphandone (6-10/1), Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba, Chủ tịch hội đồng Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro (21-23/2), Tổng thống Inđônêxia Megawati Sukarnoputri (26-27/6), Tổng thống Cộng hòa Chilê Ricardo Lagos (21-23/10), Thủ tướng CHLB Đức Gerhard Shroeder (14-15/10), Thủ tướng Niu Dilân Helen Clark (17-18/10), Thống tướng Than Shwe, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Phát triển quốc gia, Thủ tướng Mianma (15-17/3), Thủ tướng Xingapo Goh Chok Tong (3-5/3), Chủ tịch Quốc hội Lào Saman Vinhaket (9-12/6), Chủ tịch Thượng viện Pháp Christian Poncelet (tháng 6), Chủ tịch Thượng viện Ba Lan Longin Pastusiak (28-30/9), Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Kwan Yong (30/9-3/10).

Ngoài ra, còn rất nhiều đoàn ở các cấp của Việt Nam đi thăm các nước và từ nhiều nước trên thế giới đến với Việt Nam, làm cho không khí hoạt động ngoại giao trong năm qua hết sức sôi động. Đây là bằng chứng sinh động cho thấy ngày càng có nhiều nước quan tâm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao hơn. Các chuyến thăm cũng là dịp để Việt Nam cụ thể hóa đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.

Một hướng đi rõ nét trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam năm qua là củng cố, hoàn thiện và tạo dựng các khuôn khổ quan hệ đối tác lâu dài, ổn định với các nước, trước hết là với các nước láng giềng khu vực, các đối tác hàng đầu, nhằm tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc được thúc đẩy một cách tích cực trên tất cả các lĩnh vực theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Quan hệ đặc biệt Việt-Lào, quan hệ hữu nghị, hợp tác với Campuchia và các nước thành viên ASEAN khác cũng được tăng cường, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho công cuộc xây dựng, phát triển ở mỗi nước, đồng thời góp phần vì hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng chung của khu vực.

Quan hệ với các nước bạn bè truyền thống tiếp tục được phát triển theo hướng tăng cường hiệu quả hợp tác, vì lợi ích và sự phát triển của cả hai bên. Trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hồi tháng 5, hai bên nhất trí đưa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới với việc ký "Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác chiến lược và đối tác toàn diện giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ". Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản cũng đang được hai bên thúc đẩy mạnh mẽ theo hướng đã được xác định: đối tác tin cậy, ổn định lâu dài. Với nhiều tiến triển tích cực trong năm qua, quan hệ Việt-Mỹ được hai bên tiến tới hình thành một khuôn khổ quan hệ ổn định hơn.

Tích cực hoạt động ngoại giao đa phương

Năm qua, Việt Nam cũng đã hoạt động tích cực trên các diễn đàn đa phương, có nhiều đóng góp vào thành công của các Hội nghị Cấp cao lần thứ 13 Phong trào không liên kết, Cấp cao ASEAN 9, Cấp cao APEC 11... Hoạt động ngoại giao đa phương cũng ngày càng đi vào thực chất, không chỉ nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam, mà còn mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam với các nước.

Tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 13 Phong trào Không liên kết tại Thủ đô Cuala Lămpơ (Malaixia) từ ngày 24-25/2, đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đức Lương dẫn đầu, đã đóng góp tiếng nói và quan điểm tích cực của Việt Nam về các vấn đề trọng đại của cộng đồng quốc tế và của Phong trào Không liên kết, nhất là các vấn đề hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển, tôn trọng độc lập chủ quyền và xây dựng các quan hệ quốc tế công bằng, lành mạnh. Tại diễn đàn này, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm hợp tác ba bên giữa hai nước đang phát triển và bên thứ ba là đối tác tài trợ, được bạn bè đánh giá cao, coi đó là mô hình hợp tác phù hợp trong Phong trào Không liên kết - một tập hợp rộng rãi của các nước đang phát triển, với hơn 100 thành viên.

Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 9 tại Bali (Inđônêxia). Hội nghị Cấp cao ASEAN 9 đã gây một tiếng vang lớn với việc thông qua Tuyên bố hòa hợp ASEAN II, tiến tới một cộng đồng an ninh ASEAN, cộng đồng kinh tế ASEAN và cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN. Trong thành công chung của Hội nghị có phần đóng góp tích cực của Việt Nam. Tại Hội nghị lần này, sáng kiến của Việt Nam về tổ chức Hội nghị các tỉnh trưởng, thống đốc bang ASEAN, tạo điều kiện để các vùng trao đổi kinh nghiệm, tạo lập quan hệ, tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác, buôn bán, được các nước thành viên đánh giá rất cao. Những sáng kiến mà Việt Nam đưa ra đều góp phần tích cực thực hiện các lộ trình mà ASEAN đã xác định, đồng thời thiết thực phục vụ các mục tiêu ưu tiên phát triển của nước ta.

Sự tham gia của Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn Việt Nam tại Hội nghị cấp cao APEC 11 tại Thái Lan, đã thể hiện sự tự tin, chủ động, tích cực và linh hoạt nhằm tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực, tạo tiền đề quan trọng cho việc ta đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2006 và thúc đẩy tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Đoàn Việt Nam đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, về chống khủng bố và cải tổ APEC, được hội nghị rất hoan nghênh. Đáp ứng lợi ích chung của APEC cũng như của riêng Việt Nam, sáng kiến Việt Nam nêu ra về tăng cường hợp tác đầu tư, trong đó dành ưu tiên đầu tư vào ASEAN, đã được đưa vào Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng; sáng kiến về một số biện pháp cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và "siêu nhỏ" đã được các thành viên đánh giá cao và đưa vào danh mục ưu tiên năm 2004 của APEC.

Tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, vai trò, uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Đồng thời, tại các diễn đàn đa phương này, lãnh đạo ta cũng đã tranh thủ gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo nhiều nước để trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác song phương với các nước này.

Hướng mạnh vào phục vụ kinh tế

Nét nổi bật trong hoạt động ngoại giao song phương cũng như đa phương của Việt Nam năm vừa qua là hướng mạnh vào phục vụ phát triển kinh tế. Hội thảo Việt Nam - Châu Phi: những cơ hội hợp tcs và phát triển trong thế kỷ XXI, được tổ chức thành công tại Hà Nội, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, khai thông và mở rộng thị trường. Hoạt động ngoại giao trong năm qua đã đóng góp quan trọng vào những thành quả kinh tế đối ngoại của đất nước. Bất chấp những biến động trong khu vực và trên thế giới, năm qua kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt mức cao nhất từ trước tới nay, xấp xỉ 20 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2002. Trong đó, xuất khẩu gạo thắng lợi ngoài dự kiến, đạt 4,2 tỷ USD, vượt kế hoạch 700 ngàn tấn, trở lại vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Năm 2003, Việt Nam đã xuất khẩu trên 75.000 lao động, vượt 50% kế hoạch.

Đáng chú ý là ngoài những thị trường truyền thống về xuất khẩu lao động, ta đã phát triển thêm một số thị trường mới và bước đầu tiếp cận những thị trường khó tính như Anh, Pháp. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng hơn năm trước, đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Tại Hội nghị CG vừa qua, các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết tài trợ cho Việt Nam trên 2,8 tỷ USD trong năm 2004, mức cao nhất từ trước tới nay. Có thể nói, các chỉ số kinh tế đối ngoại là những nét chấm phá sinh động phản ánh hiệu quả hoạt động ngoại giao năm vừa qua.

Những giờ khắc cuối cùng của năm cũ đã trôi qua, với những thành quả đối ngoại đạt được trong năm qua, trên một vị thế mới, Việt Nam có thể hoàn toàn tự tin bước vào năm mới Giáp Thân 2004./.