Website “biết nói” cho người khiếm thị



Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai sắp hoàn thành một trình duyệt internet tiếng Việt dành cho người khiếm thị. Những trang web có thể "nói" về nội dung truy cập với họ bằng tiếng mẹ đẻ.

Trước đây, do chỉ có phần mềm JAWS nên rất nhiều người khiếm thị không thể truy cập được thông tin trên các trang web tiếng Việt. Còn trang web tiếng Anh thì không phải ai cũng có thể hiểu được. "Vì thế phần mềm này như là một công cụ giúp cho người khiếm thị tiếp cận được thông tin trên mạng, từ đó họ sẽ có thêm nhiều cơ hội để hòa nhập xã hội”, tác giả dự án này, anh Trần Bá Thiện - Phó giám đốc Trung tâm Tin học vì người mù Sao Mai (gọi tắt là Sao Mai) đã cho biết như vậy. Anh kể “Cách đây 7 tháng khi dự án “Thiết kế trình duyệt web cho người khiếm thị” đoạt giải tại cuộc thi “Ngày Sáng tạo Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới tổ chức, tôi nghĩ đó là lúc hạnh phúc nhất. Nhưng hôm nay thì hạnh phúc đã nhân lên gấp đôi”.

Trước ngày diễn ra SEA Games 22, phần mềm duyệt web đã được cài thử vào các máy tính của Sao Mai. Khỏi phải nói, buổi sáng trong Trung tâm đã vui hơn hẳn vì ai cũng biết được thành tích của đoàn Việt Nam. Gần đây nhất là Para Games 2, cả Trung tâm ai cũng ngồi trước màn hình máy tính để theo dõi diễn biến của đoàn Việt Nam, vì ở đây họ có nhiều điều để chia sẻ bởi họ đã thấy, đã cảm nhận được không khí của ngày hội dành cho những người khuyết tật.

Hiện nay, trình duyệt web đã gần như hoàn tất, người sử dụng có thể truy cập được các trang web viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Khi mở các trang web, trình duyệt sẽ đọc các thông tin trên các mục cơ bản: như trang web có bao nhiêu cột, các tiêu đề, các danh sách, các khung và biểu mẫu… qua các phím chức năng được quy định sẵn. Tuy nhiên, do thiết kế theo đặc thù người dùng nên khi gặp hình ảnh trình duyệt chỉ thông báo cho biết đây là hình ảnh chứ không thể thông báo được nội dung của hình ảnh. Anh Thiện góp ý, nếu như các trang web của Việt Nam thiết kế thêm trên logo của mình những một dòng chữ cùng mầu với nền thì hay biết mấy. Vì như vậy ai cũng đọc được mà không ảnh hưởng đến giao diện của trang web.

Ước muốn duy nhất của anh Thiện hiện nay là mong sao có thêm nhiều người quan tâm đến trình duyệt web, vì với kinh phí 14.000 USD (10.000 USD tiền thưởng cộng 4.000 USD tiền vận động thêm từ các nhà hảo tâm) trình duyệt chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu tiếp cận và hòa nhập xã hội của cộng đồng người khiếm thị (700.000 người - Nguồn: Bộ Lao động Thương binh - Xã hội).

Song song với việc thiết kế trình duyệt, hiện anh Thiện và các thành viên trong Sao Mai còn thực hiện việc nâng cấp trình soạn thảo văn bản Nguyễn Đình Chiểu 3.7 để có thể chạy được trên Win XP và đọc được font chữ Unicode. Dự kiến khoảng 2 - 3 tháng nữa sẽ hoàn tất.

Ngoài thực hiện dự án trên, Trung tâm Tin học vì người mù Sao Mai còn thực hiện dự án Đào tạo tin học cho người khiếm thị do Samsung tài trợ. Kinh phí dự án là 44.000 USD. Hiện Trung tâm Sao Mai đã xây dựng được 4 phòng máy tính tại các tỉnh: An Giang, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Nai. Sao Mai đã đào tạo cho các phòng máy này 4 giảng viên tin học. Sắp tới đây sẽ đồng loạt tuyển sinh, mỗi nơi khoảng 8 học viên. Mọi chi phí học tập, sinh hoạt đều do dự án tài trợ.

ĐÔNG HẢI
(Theo Tuổi trẻ)

-------------------------

* Muốn có trình duyệt web này, bạn đọc có thể tải về tại đây hoặc tải về bản hướng dẫn sử dụng. Bạn cũng có thể liên hệ Trung tâm Tin học vì người mù Sao Mai, số 12B/C7, đường Hoàng Hoa Thám, P.13, Q. Tân Bình. Số điện thoại: 8495069 hoặc địa chỉ email: saomai-center@hcm.vnn.vn; info@saomaicenter.org. Trình duyệt được cung cấp miễn phí.