Gỡ rối chuyện nhà đất của người làm việc cho chế độ cũ

Vnexpress.net, thứ Tư, 19/11/2003, 20:08 GMT+7


Sáng nay, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo "Nghị quyết về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991". Đây có thể là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết dứt điểm các tồn đọng nhà đất kéo dài trong nhiều năm qua.

Trình bày về vấn đề nhạy cảm này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho hay trong những năm 1959-1991 ở miền Bắc và 1977-1991 ở miền Nam, Nhà nước đã ban hành trên 40 văn bản, chính sách quản lý nhà đất, chính sách cải tạo liên quan tới nhà đất. Tổng cộng hơn 6,8 triệu m2 nhà đất đã được các cơ quan trung ương, địa phương đưa vào quản lý. Trong số này, 2,2 triệu m2 đã được bán lại cho người đang ở thuê, và đang được sử dụng ổn định. Quỹ đất Nhà nước đã đưa vào diện quản lý thuộc nhiều loại như diện xuất cảnh hợp pháp, nhà đất vắng chủ, diện cải tạo công thương, diện trưng dụng, mượn, trưng mua...

Do hoàn cảnh lịch sử, việc thực hiện các chính sách trên đã để lại nhiều vấn đề tồn đọng, nhưng chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, các văn bản luật ban hành thời gian gần đây đã công nhận và bảo vệ quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất của công dân. Giá trị nhà đất lại tăng cao, làm nóng lên tình hình khiếu nại. Thống kê sơ bộ hiện có gần 2.500 khiếu nại liên quan tới vấn đề này. Một số trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết trả lại nhà đất cho chủ cũ. Việc này chỉ có ý nghĩa với từng trường hợp cụ thể, song lại tạo nên sự so sánh với các trường hợp nhà đất khác.

Để giải quyết dứt điểm tình hình này, đang có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng theo Chính phủ, không thể lật lại việc thực hiện các chính sách nhà đất đã ban hành hàng chục năm trước đây, bởi không có căn cứ pháp lý và cũng không khả thi. Tuy nhiên Quốc hội cần có nghị quyết làm cơ sở giải quyết cho những trường hợp thuộc diện đã thực hiện các chính sách trước đây, nhưng nay "có khó khăn về nhà ở". Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ quy định cụ thể việc giải quyết theo hướng:

- Nhà đất thuộc diện quản lý, cải tạo trước đây nhưng đến khi Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực mà Nhà nước chưa quản lý, chưa bố trí sử dụng, thì không tiếp tục thực hiện theo chính sách cũ nữa. Thay vào đó, người đang sử dụng được cấp giấy sở hữu;

- Nhà đất thuộc diện cải tạo nhà đất cho thuê, diện chính sách quản lý ở phía Nam sau thống nhất, mà Nhà nước đã để lại cho chủ cũ một phần để ở, thì nay cấp giấy sở hữu cho họ hoặc người thừa kế của họ;

- Nhà đất thuộc diện trưng mua, mua lại: Nếu tiền mua đã gửi ngân hàng thì chuyển số tiền đó cho chủ cũ hoặc người thừa kế, gồm cả gốc và lãi; Nếu chưa thanh toán thì nay thanh toán theo giá cả lúc trưng mua, được tính lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

- Nhà đất thuộc diện trưng dụng: Nếu có điều kiện giao lại thì nay UBND cấp tỉnh phải giao lại cho chủ hay người thừa kế của họ; Nếu không có điều kiện giao lại thì bố trí nhà đất khác theo hạn mức của địa phương.

Cách giải quyết này cũng áp dụng với trường hợp nhà đất vắng chủ, nhưng chủ là người hoạt động kháng chiến bí mật; và trường hợp nhà đất chủ sở hữu tạm giao khi xuất cảnh hợp pháp, và nay chủ sở hữu trở về Việt Nam cư trú. Nếu chủ sở hữu không về thì họ được quyền bán, tặng, cho nhà đất đó.

Để thực hiện dứt điểm theo hướng trên, Chính phủ đề nghị Quốc hội nêu rõ trong nghị quyết nội dung kêu gọi đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài, vì lợi ích chung của dân tộc, đồng tình ủng hộ nghị quyết, coi đây là sự đóng góp thiết thực vào sự nghiệp ổn định và phát triển của đất nước. Những vấn đề phát sinh từ các chính sách trước đây, nằm ngoài những nội dung nêu trên sẽ khép lại hoàn toàn.

Thẩm tra dự thảo nghị quyết này, ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết cơ bản thống nhất với nguyên tắc xử lý những tồn đọng về nhà đất liên quan tới việc thực hiện các chính sách trước đây. Theo đó khẳng định ngay từ đầu là Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách liên quan ban hành trước ngày 1/7/1991. Tuy nhiên Chính phủ cần hướng dẫn rõ thế nào là "có khó khăn về nhà ở" làm căn cứ giải quyết theo các hướng nêu trên.

Trong những ngày tới, Quốc hội sẽ thảo luận về chính sách này cùng nội dung cụ thể của nghị quyết. Dự kiến nghị quyết được ban hành sẽ có hiệu lực từ 1/4/2004, thay thế cho các chính sách trước đây liên quan đến nhà đất trong nước của bà con hải ngoại, của những người thuộc diện điều chỉnh, cải tạo công thương.

Nghĩa Nhân