Thầy giáo thời Hùng Vương

Nhandan.org.vn, cập nhật 18 giờ 13 - 18-11-2003

Theo bản ngọc phả do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính Phụng soạn từ năm Hồng Phúc thứ hai (1573) đời Trần, thì vào thời Hùng Vương - thứ 18 đã có thầy giáo Vũ Thê Lang làm nghề dạy học. Hiện nay tại thôn Hương Lan, xã Trưng Vương (Việt Trì) còn có quần thể di tích Thiên tổ miếu như chứng tích về một nền giáo dục sớm thiết lập của dân tộc ta.

Thôn Hương Lan (thường được bà con gọi tắt là thôn Hương), xã Trưng Vương thuộc thành phố Việt Trì xưa kia là nơi trung tâm của kinh đô Văn Lang thời Hùng Vương. Ở đây có một quần thể di tích đã được tỉnh Phú Thọ cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử. Trong quần thể di tích này có "Thiên cổ miếu" nằm ẩn mình dưới hai cây táu cổ thụ gốc to năm, sáu người ôm không xuể, ước đoán cây đã trên nghìn tuổi đời.

Ngôi miếu cổ chỉ có một gian. Phía trên chính giữa treo bức hoành phi đề ba chữ "Thiên cổ miếu", hai bên có đôi câu đối:

Hùng Lĩnh Trung chi thắng tích
Nam thiên chính khí linh từ

(Có nghĩa đây là thắng tích của vùng trung chi Hùng Lĩnh và là đền thiêng chính khí của cả trời Nam).

Hai cổ thụ và đôi câu đối của ngôi miếu đã thu hút sự chú ý tìm hiểu, nghiên cứu của nhiều người. Theo tài liệu của ông Nguyễn Hữu Yết - trưởng ban quản lý di tích - thì Thiên cổ miếu là nơi thờ thầy giáo Vũ Thê Lang thời Hùng Vương thứ 18. Trên bàn thờ có tượng thầy giáo cùng phu nhân và tượng hai công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa (con gái của vua Hùng thứ 18) với hai thị nữ theo hầu. Biết được điều này là nhờ bản ngọc phả mà trải qua nhiều thế kỷ, nhân dân thôn Hương Lan vẫn giữ được nguyên vẹn.

Bản ngọc phả do Ðông các đại học sĩ Nguyễn Bính Phụng soạn từ năm Hồng Phúc thứ hai (1573) đời Trần. Xin trích dịch:

"Vào thời Hùng Duệ Vương, ở đất Mộ Trạch có vợ chồng Vũ Công thuộc gia đình có học. Cha mẹ mất sớm, cảnh nhà sa sút, hai người lần tìm về kinh đô Phong Châu tới thôn Hương Lan mở lớp dạy học. Dân làng đã cấp cho họ ruộng đất để trả công dạy dỗ. Vợ chồng Vũ Công sinh hạ được một người con trai là Vũ Thê Lang. Lớn lên, Vũ Thê Lang tìm về thăm người bạn cũ của bố là Nguyễn Công ở đất Ðông Ngàn, Kinh Bắc. Nguyễn công đã gả cho Vũ Thê Lang người con gái của mình là Nguyễn Thị Thục - một cô gái nết na, thạo nghề tằm tơ, canh cửi.

Khi cha chết, Vũ Thê Lang tiếp tục thay cha dạy học, Thục Nương giúp dân nghề nông tang canh cửi, được nhân dân rất quý mến. Hai vợ chồng sinh hạ được ba người con trai khỏe mạnh, thông minh. Nhưng các con chưa kịp trưởng thành thì hai ông bà đã bất ngờ tạ thế vào cùng ngày mồng 2 tháng 2 năm Quý Dậu. Dân làng và cha mẹ học sinh đã lo mai táng thầy cô giáo chu đáo. Ba người con trai lớn lên đã chọn nghề chài lưới để sinh sống và chuyên cần luyện tập võ nghệ. Trong một ngày hội đánh cá ở ngã ba Hạc (nơi sông Thao gặp sông Lô), họ đã được Hùng Duệ Vương để ý chọn cả ba anh em là đô sĩ cận vệ.

Ðến khi Thục Phán nối nghiệp nhà Hùng dời đô về Cổ Loa thì cả ba anh em bỏ về thôn Hương Lan không cộng tác với An Dương Vương. Khi các quan lại của An Dương Vương đi bắt phu về xây Loa Thành tỏ thái độ hống hách với dân thì ba ông đã chống lệnh, cùng nhau buộc đá vào người, trầm mình xuống hồ sâu tự vẫn. Dân làng Hương Lan đã vớt ba ông lên chôn cất. An Dương Vương nghe tin, hết sức cảm phục nên đã phong thần cho cả ba vị và giao cho dân làng thờ phụng. Nhân dịp này, dân làng Hương Lan đã xây luôn cả miếu thờ thầy cô giáo Vũ Thê Lang - Nguyễn Thị Thục, những người đã dạy dân chữ nghĩa và nghề nông tang, đã sinh ra ba người con quả cảm được phong thần..."

Chính vì vậy mà nay thôn Hương Lan có được một cụm ba di tích lịch sử: đình thôn Hương Lan thờ ba vị thần là con của ông bà Vũ Thê Lang - Nguyễn Thị Thục; lăng mộ ba vị thần hoàng làng; Thiên cổ miếu để thờ thầy cô giáo Vũ Thê Lang-Nguyễn Thị Thục là bố mẹ của ba vị thần và là thầy giáo của hai công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa.

Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm lời đáp cho câu hỏi: Như vậy là thời Hùng Vương nước ta đã có chữ? Ðược biết, một trong những chứng tích làm cơ sở cho việc nghiên cứu là: Vào năm 1915, ông Vương Duy Trinh, Tổng đốc Thanh Hóa lúc bấy giờ, đã tìm được một văn bản cổ: một bài thơ viết bằng một thứ chữ lạ, trông như những ngọn lửa vờn lên mà ông Trinh gọi là "hỏa tự". Dựa vào những chữ Hán ghi bên cạnh, ông đã dịch lại bài thơ. Ðó là một tác phẩm có nội nội dung về tình yêu nhan đề "Mời trầu". Ông Vương Duy Trinh khẳng định: Ðây chắc chắn là chữ của tổ tiên ta thời Hùng Vương dựng nước. Ý kiến của ông Trinh còn được nhắc đến khi các nhà khảo cổ của chúng ta đào được một tấm bia ở Nghệ Tĩnh có khắc những ký hiệu như ngọn lửa vờn lên. Một học giả người Pháp cũng nói ông đã tìm được những mảnh gốm có khắc "hỏa tự".

Tin chắc rằng đến một ngày nào đó điều bí mật về "hỏa tự" được khám phá để chúng ta càng tự hào về nền giáo dục của nước ta đã sớm được thiết lập từ thời Hùng Vương mà "Thiên cổ miếu" thờ thầy cô giáo Vũ Thê Lang - Nguyễn Thị Thục là một chứng tích.

TRƯỜNG GIANG