Công nghệ thông tin Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ

Thanh Niên, 18/11/2003

Từ ngày 7 đến 12/12, 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) của VN được chọn tham gia chương trình "Tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ", sẽ diễn ra tại Washington. Chương trình này nằm trong dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ tài trợ.

10 công ty CNTT Việt Nam gồm: Công ty điện toán và truyền số liệu (VDC), Trung tâm phần mềm FPT (FSoft), Công ty máy tính truyền thông CMC, Công ty cổ phần Phần mềm Việt (VietSoftware), CTIN (Hà Nội), Công ty Tin học DolSoft, Công ty cổ phần CNTT EIS, HPT, Saigontel, Quantic (TP HCM). Họ sẽ có cơ hội tiếp xúc, đàm phán, ký kết hợp đồng làm ăn với các doanh nghiệp CNTT Mỹ, tham dự các hội thảo về chủ đề này.

Đối với người tiêu dùng, thương hiệu cũng như uy tín của các công ty CNTT từ Mỹ như: Microsoft, HP, Cisco, IBM, Oracle, Intel… đã quá quen thuộc. Ngược lại, hầu hết doanh nghiệp CNTT Việt Nam chưa hiện diện ở đất nước 50 bang, mặc dù có đơn vị đã lập văn phòng đại diện tại quốc gia này. Ở chuyến đi sắp tới, danh sách các công ty Việt Nam hoàn toàn do phía Mỹ chủ động lựa chọn.

Ông Bùi Văn Hiệp, Giám đốc CMC Sài Gòn, cho biết công ty dự kiến đem theo một số sản phẩm đã thành công ở thị trường trong nước như: sản phẩm và dịch vụ Linux do CMC Việt hóa, giải pháp phục vụ quản lý hành chính (eDOCman), giải pháp quản lý thư viện tích hợp (ILIB). Theo ông Hiệp, cái mà các công ty CNTT ở VN thiếu lớn nhất chính là thông tin thị trường. Nhu cầu về phần mềm của thị trường Mỹ hiện nay còn rất nhiều, và xu hướng của họ là muốn tìm đối tác ở châu Á (như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam…). Theo ông Đinh Tiến Sơn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty DolSoft, chuyến đi này được chính phủ Mỹ tài trợ, doanh nghiệp do phía Mỹ lựa chọn cho thấy họ thực sự quan tâm đến đối tác nên cơ hội hợp tác lần này sẽ rõ ràng hơn các chuyến đi do doanh nghiệp tự tổ chức.

Ông Lưu Tường Bách, Phó tổng giám đốc EIS, cho rằng đây là cơ hội tốt đối với công ty và nền CNTT của Việt Nam trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia và tìm kiếm sự hợp tác kinh doanh với các đối tác Mỹ. Dịch vụ viễn thông thế hệ mới One-Connection đã được EIS triển khai tại nhiều nước trên thế giới như Singapore, Malaysia, Nga, Mỹ và Việt Nam. Tại Mỹ, EIS đã có đối tác VoiceNet, trụ sở tại California, và AAT tại New York để cung cấp dịch vụ này. Chuyến đi tới, EIS sẽ cố gắng mở rộng thị trường One-Connection tại Mỹ, tìm kiếm các đối tác mới, nhà đầu tư để tăng cường hơn nữa khả năng xây dựng hệ thống One-Connection trên toàn cầu. Đặc biệt, EIS sẽ tranh thủ tìm hiểu những xu hướng công nghệ và dịch vụ đang được nghiên cứu phát triển nhằm định hướng cho công ty trong nhiều năm tới.

Như vậy, dù chưa xuất phát, nhưng điều mà các công ty Việt Nam cần nhất, sẽ cố gắng "download" về nhiều nhất chính là thông tin thị trường, nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt là tìm hiểu ngay chính các đối thủ khác từ châu Á cũng đang có mặt tại Mỹ.