Quan hệ Việt - Mỹ góp phần vào sự ổn định lâu dài ở khu vực

Nhandan.org.vn, cập nhật 17 giờ 41 - 13-11-2003

Nhận lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Quốc phòng, dẫn đầu, thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ ngày 9 đến 12-11. Trước khi kết thúc chuyến thăm, Bộ trưởng Phạm Văn Trà đã dành cho phóng viên TTXVN thường trú tại Washington một cuộc phỏng vấn. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ lần này và triển vọng phát triển quan hệ quốc phòng giữa hai nước?

Bộ trưởng Phạm Văn Trà: Nhận lời mời của ngài Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam lần đầu thăm chính thức Hoa Kỳ, không chỉ để đáp lễ chuyến thăm Việt Nam tháng 3-2000 của ngài Bộ trưởng Quốc phòng tiền nhiệm William Cohen, mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ chung và quan hệ quốc phòng giữa hai nước theo hướng tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cùng phấn đấu xây dựng một khuôn khổ quan hệ hữu nghị, hợp tác vì hòa bình, ổn định lâu dài ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

Tiếp sau những chuyến thăm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Quân đội nhân dân Việt Nam tới các nước, trong khu vực và trên thế giới, chuyến thăm này một lần nữa thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, gác lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của quân đội và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế, làm cho bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn về Quân đội Việt Nam và đất nước con người Việt Nam.

Trong các cuộc tiếp xúc, hội đàm và trao đổi ý kiến, Bộ trưởng Rumsfeld và các quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ đã cùng tôi điểm lại và vui mừng ghi nhận những thành quả hợp tác, dù vẫn còn rất khiêm tốn, mà hai bên đang tiến hành, như chương trình tìm kiếm quân nhân hai bên còn mất tích, mất tin, chương trình cung cấp thiết bị dò phá bom mìn mà Chính phủ Hoa Kỳ dành cho Việt Nam hằng năm, chương trình hợp tác quân y hai nước và dự kiến một số hoạt động khác trong thời gian tới.

Quan hệ quốc phòng là một phần trong quan hệ song phương. Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, quan hệ quốc phòng đã tiến triển phù hợp điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể và nhịp độ quan hệ chung. Việc đoàn đại biểu chúng tôi hôm nay có mặt tại Washington đã chứng minh điều đó.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, một trong những vấn đề được nhiều người coi là nguyên nhân cản trở sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và quan hệ quốc phòng nói riêng là sự thiếu hiểu biết lẫn nhau từ cả hai phía. Trong chuyến đi lần này của Bộ trưởng, hai bên đã thống nhất được những biện pháp gì để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai Bộ Quốc phòng? Hai bên có thống nhất với nhau về cơ chế nào nhằm tăng cường các cuộc tiếp xúc trong tương lai giữa hai Bộ Quốc phòng?

Bộ trưởng Phạm Văn Trà: Nhân dân và đất nước Việt Nam vốn là nạn nhân của cuộc chiến tranh trong mấy thập niên cuối thế kỷ 20. Chúng tôi hiểu rõ rằng có rất nhiều người Mỹ tiến bộ, trong đó có cả những nghị sĩ, chính trị gia, những trí thức, những nhà báo, nhiều thanh niên Mỹ, vì yêu chuộng hòa bình và công lý, vì tư tưởng "mọi người sinh ra đều bình đẳng" của Thô-mát Gie-phơ-sơn vĩ đại, đã cất tiếng nói ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam, đã xuống đường ủng hộ Việt Nam, đã luôn theo dõi và chia vui cùng Việt Nam trước những thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam trước đây và công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hôm nay. Giờ đây vẫn có rất nhiều người Mỹ có cách nhìn nhận khách quan về tình hình thực tế ở Việt Nam.

Tuy nhiên không phải không có những người vẫn còn mặc cảm với quá khứ. Gần đây lại xuất hiện những rào cản mới về kinh tế, thương mại, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo theo quan điểm mang tính áp đặt v.v... Điều đó cũng không phải là khó hiểu, vì hai nước vừa đi qua một cuộc chiến tranh rất dài, một trong những cuộc chiến tranh dài nhất, khốc liệt nhất trong thế kỷ 20. Vết thương tinh thần trong một số người chưa lành hẳn. Rất may là số này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số dân Mỹ. Thời gian sẽ giúp những vết thương ấy mau liền sẹo hơn.

Đất nước và nhân dân Việt Nam luôn hiếu khách, dang rộng vòng tay đón chào bạn bè khắp năm châu. Các bạn cũng biết rằng trong năm 2003 này, số lượng công dân Mỹ đứng thứ hai trong tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, tăng cường tiếp xúc giữa các đoàn cũng như trao đổi khách du lịch sẽ giúp nhân dân hai nước hiểu biết và tin cậy nhau hơn.

Vừa rồi chúng tôi đã đạt được nhận thức chung rằng, trong thời gian tới, hai bên cần có những biện pháp tăng cường hiểu biết lẫn nhau hơn. Một trong các biện pháp ấy là tăng cường trao đổi đoàn quân sự các cấp, tiếp tục hợp tác giải quyết các vấn đề nhân đạo và hậu quả chiến tranh, mở rộng hợp tác quân y, đào tạo cán bộ kỹ thuật và trao đổi thông tin về chống khủng bố. Chúng tôi cũng đã yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp thông tin và có biện pháp ngăn chặn những kẻ mưu toan xâm nhập, gây khủng bố ở Việt Nam.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, phía Hoa Kỳ có cam kết gì trong việc giải quyết những hậu quả của chiến tranh trên tinh thần nhân đạo, thí dụ như vấn đề chất độc da cam, rà phá bom mìn còn sót lại từ thời chiến tranh và việc tẩy độc chẳng hạn?

Bộ trưởng Phạm Văn Trà: Đó là những việc cần làm trong thời gian tới. Tôi đã đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ và những công ty Hoa Kỳ đã từng tham gia sản xuất, sử dụng các loại hóa chất độc trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam cần thực hiện trách nhiệm đạo lý và tinh thần đối với hàng triệu nạn nhân của những hóa chất độc ấy.

Trước mắt, Hoa Kỳ cần giúp Việt Nam công nghệ, thiết bị kỹ thuật để tẩy rửa chất độc hóa học tồn đọng tại một số sân bay như Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát và chân đèo Cù Mông ở tỉnh Bình Định, cũng như nên có kế hoạch cụ thể giúp các nạn nhân nhiễm chất độc hóa học khắc phục khó khăn trong cuộc sống. Về việc rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, như các bạn đã biết, gần đây Chính phủ Hoa Kỳ đã có chương trình cung cấp thiết bị dò tìm bom mìn và dự án khảo sát ảnh hưởng của bom mìn ở một số tỉnh miền trung Việt Nam. Phía Hoa Kỳ đã cam kết tiếp tục bổ sung ngân sách cho các chương trình nói trên, giúp nhân dân ở những vùng đó có điều kiện tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng và ổn định cuộc sống.

Phóng viên: Theo Bộ trưởng, việc tăng cường hợp tác, tin cậy lẫn nhau giữa hai quân đội Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đóng góp gì cho hòa bình và ổn định ở khu vực Đông - Nam Á và trên thế giới?

Bộ trưởng Phạm Văn Trà: Quan điểm quốc phòng Việt Nam là bảo vệ hòa bình, duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với các nước, không đối đầu, không tiến công ai, nhưng không cho phép ai xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình.

Việt Nam không liên minh quân sự với bất cứ nước nào. Việt Nam chủ trương ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, ủng hộ chủ trương phi hạt nhân hóa, chống sản xuất và phổ biến vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học giết người hàng loạt.

Chúng tôi coi an ninh quốc gia của Việt Nam gắn liền với an ninh khu vực và thế giới. Chúng tôi chủ trương mở rộng quan hệ ngoại giao quốc phòng, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội, trong đó quan hệ với Hoa Kỳ, cũng như với các nước lớn khác và các nước trong khu vực là có tầm quan trọng đặc biệt.

Tôi cho rằng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và quan hệ quốc phòng hai nước nói riêng đang có những bước phát triển đáng ghi nhận. Nếu những trở ngại trong quan hệ hai nước được dẹp bỏ thì quân đội hai nước sẽ có điều kiện đóng góp nhiều hơn vào việc xây dựng quan hệ hữu nghị, ổn định lâu dài vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông - Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.