Kinh tế phát triển làm Hà Nội càng thêm sôi động
Nhandan.org.vn, cập nhật 17 giờ 34 - 13-11-2003
Ngày 12-11, tờ "Thời báo Washington" có bài đăng trên trang nhất nhan đề "Kinh tế phát triển làm Hà Nội càng thêm sôi động" của tác giả Sharon Behn. Dưới đây là nội dung chính của bài báo đó:
Nếu quý vị cầm một tổ ong lớn, lắc mạnh, rồi quan sát từng đàn ong bay ra, quý vị sẽ có khái niệm đôi chút về hoạt động giao thông ở Hà Nội.
Tăng trưởng của nền kinh tế của Việt Nam ở châu Á chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc, tạo ra cơ hội buôn bán trao đổi mậu dịch, và cùng với nó là việc nới lỏng quản lý của trung ương đã góp phần cải thiện quan hệ Mỹ - Việt Nam mà bằng chứng mới nhất là chuyến thăm Mỹ trong tuần này của đoàn đại biểu quân sự cấp cao do Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà dẫn đầu.
Những chiếc xe máy, biểu hiện của tầng lớp trung lưu đang ngày một lớn mạnh ở Việt Nam, chạy nườm nượp trên các đường phố từ sáng sớm tới đêm khuya, bóp còi inh ỏi, hầu như đã hoàn toàn thay thế cho những chiếc xích lô nổi tiếng một thời, thậm chí cả xe đạp cũng trở nên hiếm hoi ở thủ đô Hà Nội.
Chỉ ít năm trước, Hà Nội vẫn còn là thành phố yên ắng với ít ánh đèn và hiếm những chốn vui chơi giải trí về đêm được vây bọc chung quanh bởi những vùng quê còn kém phát triển hơn nhiều. Nay, những ngôi nhà nhiều mầu sắc đã mọc lên ở khắp nơi với những thiết kế vui mắt, đa dạng, thay thế cho những mặt tiền xám xịt của lối kiến trúc ngày nào.
Hàng trăm nghìn cửa hàng nhộn nhịp buôn bán từ sáng tới tối, bày bán đủ thứ từ phở, đồ chơi rẻ tiền Trung Quốc đến những bộ quần áo thời trang may bằng lụa tơ tằm.
Khu vực kinh tế không chính thức, hoạt động ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, đã góp phần giúp cho Việt Nam phát triển nhanh hơn hầu hết các nước láng giềng, trừ Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 7% mặc dù đây chỉ là mức tăng của nền kinh tế có xuất phát điểm thấp.
Ông Lê Đăng Doanh, cố vấn kinh tế cấp cao của Chính phủ Việt Nam cho biết sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam là kết quả của việc áp dụng chính sách "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" của Chính phủ. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng tiến trình cải cách, bắt đầu từ năm 1986, chủ yếu là chạy theo tình thế bức bách, chưa được phối hợp một cách nhịp nhàng và sức mua của thị trường vẫn còn quá thấp so với nước láng giềng Thái-lan.
Người Việt Nam hiện nay có thể nói chuyện thoải mái với người nước ngoài, điều mà họ không thể làm cách đây chỉ 10 năm.
Hằng năm, khoảng 3 triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam; các quan chức Chính phủ hy vọng con số này sẽ sớm là 4 - 5 triệu. Khách đến thăm Hà Nội có thể tìm thấy ở đây một thành phố tương đối thuần khiết với những hồ nước có cây xanh viền quanh, những đền, chùa cổ kính, những quán cà-phê, nhà hát kiểu Pháp hồi đầu thế kỷ 20 và hàng trăm những phố buôn bán đông đúc.
Ông Lê Đăng Doanh nói: "Việt Nam có khá nhiều tiềm năng: phong cảnh đẹp, văn hóa, địa danh lịch sử".
Nhà tù "Hỏa Lò" hay còn gọi là "khách sạn Hilton Hà Nội", nơi Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain từng ở 6 năm, nay là một bảo tàng. Thành phố Hà Nội còn có bảo tàng về chiến tranh, tại đó người ta trưng bày những bộ quân phục và mũ của binh sĩ Mỹ bị bắt hay bị chết trong chiến tranh.
NGUYỄN MINH
(Phóng viên TTXVN tại Washington