Chuyện người Việt ở Mỹ

Cập nhật 18 giờ 8 - 10-11-2003

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ trong tháng 9-2003, ông Phạm Khắc Lãm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài - đã kết hợp tìm hiểu thêm về tình hình người Việt Nam định cư ở Mỹ. Ông cho biết, cộng đồng người Việt được đánh giá là thành công nhanh chóng nhất ở Hoa Kỳ.

Hỏi: Vừa qua, ông có tham gia đoàn của Hội Việt-Mỹ đi thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, xin ông vui lòng cho biết vài nét về tình hình người Việt Nam định cư ở Mỹ?

Trả lời: Trong số hơn hai triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chừng một nửa sống ở Mỹ. Tại Mỹ, bà con tập trung đông nhất ở bờ biển miền Tây (bang California) và miền Nam (bang Texas và Louisiana), nơi môi trường, khí hậu gần giống phía nam nước ta.

Bạn bè Mỹ mà chúng tôi gặp trong chuyến đi vừa qua đều nhất trí đánh giá rằng: Người Việt Nam đến định cư ở Mỹ không phải sớm nhất và đông nhất nhưng được coi là cộng đồng thành công nhanh chóng nhất. Trong vòng chưa đầy 30 năm, kể từ ngày số đông đặt chân lên một môi trường xa lạ, ngôn ngữ bất đồng, giờ đây, cộng đồng người Việt đã dần dần hòa nhập vào "nồi hầm" (melt pot) Hoa Kỳ và có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế, xã hội Mỹ. Nhiều trí thức đứng tuổi và trẻ tuổi đã thành đạt. Hàng trăm chuyên viên người Việt đang làm việc cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cho bộ phận thiết kế máy bay Công ty Boeing. Họ cũng có mặt đông đảo ở thung lũng Silicon... Theo bạn bè Mỹ, ở một nước cạnh tranh khắc nghiệt như Mỹ thì họ vươn lên được trước hết là do thông minh và chịu khó, hai đức tính vốn có của người Việt Nam.

Hỏi: Trong thời gian đi thăm, ông có dịp tiếp xúc với kiều bào. Những cuộc tiếp xúc đó đã để lại cho ông những ấn tượng gì?

Trả lời: Tôi đã có dịp gặp gỡ một số kiều bào định cư ở thủ đô Washington, ở thành phố New York, ở các bang California, Texas, Louisiana... Thời gian không nhiều, diện tiếp xúc chưa rộng nhưng cũng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Một là bà con đều da diết nhớ quê hương, đất nước. Người chưa về mong có dịp trở lại nơi "chôn nhau cắt rốn". Người đã từng về mong có dịp quay lại với "cảnh cũ người xưa". Hai là bà con rất thiếu thông tin, hiểu rất ít về tình hình trong nước, thậm chí hiểu sai. Gặp chúng tôi, bà con hỏi rất nhiều, về vô số vấn đề, từ mối quan hệ Việt-Mỹ đến chuyện mua nhà ở Việt Nam, từ thủ tục đầu tư đến khả năng về an dưỡng tuổi già ở trong nước... Cố nhiên tôi đã không có dịp gặp gỡ những đối tượng "quay lưng" lại với đoàn trong nước sang. Nhưng bà con cũng cho biết số đó không nhiều và ngày càng ít...

Hỏi: Về việc một số địa phương ở Mỹ treo cờ ba sọc, bà con có ý kiến gì không?

Trả lời: Một Việt kiều cao tuổi có theo dõi tình hình nói với tôi rằng chuyện này (việc treo cờ) không thể bỏ qua nhưng cũng đừng quá nghiêm trọng hóa. Không thể bỏ qua vì đằng sau lá cờ (ba sọc) là cả một âm mưu của các thế lực muốn quay ngược bánh xe lịch sử. Nhưng cũng tránh nghiêm trọng hóa quá mức, là vì ở Mỹ chuyện cờ quạt ở các địa phương nhiều lúc khá lộn xộn: thí dụ ở một vài tiểu bang miền nam hiện vẫn còn treo cờ phe miền nam (Mỹ) thế kỷ trước, trước khi nước Mỹ thống nhất (thời xảy ra câu chuyện đã dựng thành phim Cuốn theo chiều gió). Một phó trợ lý - Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, Đông - Nam Á và Nam Thái Bình Dương, khi tiếp đoàn Hội Việt-mỹ, đã khẳng định rằng: "Không có gì mơ hồ ở Bộ Ngoại giao Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về lá cờ của Việt Nam: đó là lá cờ đỏ sao vàng được treo chính thức ở tiền sảnh Bộ Ngoại giao Mỹ (đoàn Hội Việt - Mỹ khi đi qua tiền sảnh đã trông thấy) cùng với các lá cờ của tất cả các nước khác mà Mỹ có quan hệ ngoại giao.

Hỏi: Về việc cá "basa" vừa qua và "tôm" sắp đến, bà con nghĩ thế nào?

Trả lời: Nhiều người quan tâm vì chuyện này liên quan đến sản xuất và đời sống của hàng trăm nghìn đồng bào trong nước, trong đó có họ hàng bà con của một số kiều bào định cư ở Mỹ. Nhưng theo họ, việc tháo gỡ khó khăn trục trặc trong việc xuất khẩu cá basa và tôm (và có thể còn nhiều sản phẩm khác nữa) của Việt Nam khi Việt Nam chưa gia nhập WTO không phải là qua con đường kiện tụng trước tòa án Hoa Kỳ mà phải nghĩ đến những biện pháp khác thực tế và hữu hiệu hơn, trong đó có cả việc vận động hành lang (lobby).

Hỏi: Còn chuyện "nhân quyền" mà phía Mỹ thường xuyên nêu ra?

Trả lời: Sinh sống ở Mỹ, kiều bào ta hiểu rõ tình hình "nhân quyền" ở chính nước Mỹ. Nằm trong chăn, dù muốn hay không muốn, đều biết chăn có rận, vì chính mình cũng bị cắn. Cho nên có người nói: "Mỹ phải tự sờ gáy mình trước".

Hỏi: Kiều bào ta ở Mỹ có thể đóng góp gì vào việc phát triển quan hệ Việt-Mỹ?

Trả lời: Họ có thể đứng trên đất Mỹ, là một bộ phận cấu thành xã hội đa sắc tộc Mỹ. Bằng tiếng nói của mình, bằng những mối quan hệ với địa phương, phát huy khả năng nhiều mặt của mình, kiều bào ta ở Mỹ có thể góp phần tích cực cùng trong nước phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, vì lợi ích của cả hai bên, trong đó có lợi ích của người Việt Nam định cư ở Mỹ.

* Xin cảm ơn ông.

(Báo Thanh niên)


--------------------------------------------------------------------------------