Quy định về tuyển dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam

Nhandan.org.vn, cập nhật 18 giờ - 30-09-2003


Ngày 17-9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Xin giới thiệu một số nội dung về điều kiện, thủ tục và gia hạn hợp đồng cho lao động nước ngoài trong nghị định này.

Theo Nghị định này, người lao động nước ngoài làm việc cho người sử dụng lao động là người không có quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch Việt Nam. Người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, bao gồm: các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được tuyển lao động nước ngoài với tỷ lệ không quá 3% so với số lao động hiện có của doanh nghiệp, nhưng nhiều nhất không quá 50 người.

Người lao động nước ngoài cần điều kiện gì?

Người sử dụng lao động được tuyển lao động nước ngoài khi người lao động nước ngoài có đủ các điều kiện sau:

Đủ 18 tuổi trở lên; có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; có chuyên môn kỹ thuật cao (bao gồm: kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống)...; điều kiện quan trọng người đó không có tiền án, tiền sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội hình sự khác; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt, chưa được xóa án theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; có giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ đủ 03 tháng trở lên, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Các trường hợp không phải cấp giấy phép lao động là những người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới 03 tháng hoặc để xử lý trong trường hợp khẩn cấp (trường hợp khẩn cấp được quy định là những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được); người nước ngoài là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và có tư cách pháp nhân; người nước ngoài là Trưởng phòng đại diện, Trưởng Chi nhánh tại Việt Nam; luật sư nước ngoài đã được Bộ Tư pháp cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ xin việc

Người lao động nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam phải nộp 02 bộ hồ sơ cho người sử dụng lao động, một bộ hồ sơ do người sử dụng lao động quản lý và một bộ hồ sơ để người sử dụng lao động làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động.

Theo đó, một bộ hồ sơ xin việc làm được coi là hợp lý và đầy đủ bao gồm các giấy tờ sau: Đơn xin việc làm; phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người lao động cư trú cấp; bản lý lịch tự thuật của người nước ngoài theo mẫu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và có dán ảnh; giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở nước ngoài; bản sao chứng chỉ về trình độ chuyên môn, tay nghề của nước ngoài.

Đối với người lao động nước ngoài là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống hoặc người có kinh nghiệm trong nghề, trong việc điều hành sản xuất, quản lý mà không có chứng chỉ thì phải có bản nhận xét về trình độ chuyên môn, tay nghề và trình độ quản lý được cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó mang quốc tịch xác nhận; ba ảnh mầu, ảnh chụp không quá 01 năm. Các giấy tờ quy định trong hồ sơ nêu trên do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và dịch ra tiếng Việt; bản dịch, bản sao phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thời hạn của giấy phép lao động?

Giấy phép lao động của người lao động nước ngoài sang Việt Nam công tác có thời hạn theo thời hạn của hợp đồng lao động (đối với đối tượng giao kết hợp đồng lao động) hoặc theo quyết định của phía nước ngoài cử người lao động sang Việt Nam làm việc, nhưng không quá 36 tháng. Trường hợp xin gia hạn, giấy phép lao động xin gia hạn chỉ được cơ quan có thẩm quyền xem xét trong trường hợp người sử dụng lao động đã có kế hoạch và đang tiến hành đào tạo người lao động Việt Nam để thay thế cho công việc mà người lao động nước ngoài đang đảm nhận, nhưng người lao động Việt Nam chưa thay thế được. Không gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định tại Điều 84 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung. Thời hạn gia hạn của giấy phép lao động phụ thuộc vào thời gian làm việc tiếp của người lao động nước ngoài cho người sử dụng lao động được xác định trong trường hợp lao động hoặc văn bản của phía nước ngoài cử người nước ngoài tiếp tục làm việc ở Việt Nam, nhưng thời hạn gia hạn tối đa là 36 tháng.

Nghị định này còn quy định giấy phép lao động sẽ hết hiệu lực trong các trường hợp sau: Giấy phép lao động hết thời hạn; hợp đồng lao động chấm dứt trước thời hạn; công việc trong hợp đồng lao động không đúng với công việc đã đề nghị xin cấp giấy phép lao động; giấy phép lao động bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi do vi phạm pháp luật Việt Nam. Giấy phép lao động cũng sẽ đương nhiên hết hiệu lực trong trường hợp doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đó chấm dứt hoạt động hoặc người lao động nước ngoài bị phạt tù giam, chết hoặc mất tích theo tuyên bố của Tòa án.

Sau 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định trục xuất khỏi Việt Nam theo quy định của pháp luật.

(Báo Pháp luật)