"Tôi muốn chia sẻ khó khăn với người nuôi cá ba sa"
LĐ số 234 Ngày 22.08.2003 Cập nhật: 06:59:51 - 22.08.2003
Charles Lasata - thành viên Hội đồng lập pháp bang Michigan (Mỹ):
"Tôi muốn được tới thăm những người nuôi cá tra, cá ba sa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để nói với họ rằng: Tôi rất hiểu và muốn chia sẻ khó khăn của họ", Charles Lasata - Thành viên Hội đồng Lập pháp bang Michigan thuộc đoàn các nhà lãnh đạo trẻ Mỹ đang ở thăm VN (15 - 29.8) - tâm sự với phóng viên Báo Lao Động.
Điều khiến cho Lasata ngạc nhiên nhất khi ông tới Hà Nội là được chứng kiến cuộc sống nhộn nhịp, náo nhiệt đầy sức trẻ của thành phố, cũng như thái độ thân thiện của người dân Việt Nam. "Việt Nam đang đạt được những bước tiến kỳ diệu. Tôi thực sự bất ngờ với những điều "mục sở thị" về đất nước Việt Nam trong những ngày qua, "Lasata hào hứng nói. Ông kể, trong những ngày vừa qua tại Hà Nội, đoàn của ông không chỉ có dịp tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam, mà còn có cơ hội hỏi chuyện người dân trên đường phố. "Mọi người đều nói chuyện với chúng tôi rất cởi mở. Qua những cuộc chuyện trò ngắn nhưng đầy lý thú trên đường phố, tôi đã phát hiện ra nhiều điều tốt đẹp và hiểu hơn về cuộc sống cũng như suy nghĩ của người dân Việt Nam hiện nay", ông nói.
Charles Lasata sinh năm 1962, hiện đang là thành viên nhiệm kỳ 3, Hội đồng Lập pháp bang Michigan. Trước khi trở thành đại diện của bang, Lasata từng giữ chức Thị trưởng thành phố Saint Joseph và được bầu là Uỷ viên Hội đồng. Ông là chính trị gia trẻ nhất từ Saint Joseph được bầu vào chức vụ trên.
- Những điều ông phát hiện là gì? Liệu nó có giống với những mối quan ngại về vi phạm nhân quyền mà một số chính khách Mỹ đề cập khi đòi thông qua "Dự luật nhân quyền về VN" (HR1587)?
- Thành thực mà nói, trước khi đến Việt Nam, tôi không mấy hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam. Nhưng khi đã có mặt tại đây, được hoà vào trong cuộc sống của các bạn, tôi mới thực sự hiểu những bức xúc của Chính phủ Việt Nam trước dự luật HR 1587, và vì sao Việt Nam phản đối dự luật trên. Khi các thành viên trong đoàn đưa ra một số câu hỏi về vấn đề nhân quyền đối với các quan chức Việt Nam, chúng tôi đã bị vặn lại với rất nhiều câu hỏi hóc búa về vấn đề nhân quyền ở Mỹ. Theo những gì tôi được chứng kiến, Việt Nam là một đất nước rất an toàn và thân thiện. Nếu hai nước mở rộng hơn nữa các cuộc tiếp xúc, đối thoại, giao lưu chính trị, văn hoá tôi tin rằng những vấn đề khúc mắc đó sẽ được giải toả.
- Nông dân nuôi cá tại ĐBSCL đang gặp khó khăn và rất bất bình trước quyết định áp đặt thuế bán phá giá cá tra, cá ba sa VN của Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Ông có muốn tìm hiểu sự thật?
- Tôi rất muốn được tới thăm những người nông dân nuôi cá tại ĐBSCL. Tôi muốn được gặp họ và nói với họ rằng tôi hiểu, thông cảm và muốn được chia sẻ khó khăn của họ do quyết định của DOC mang lại. Tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có quyền và có lý khi đệ đơn lên Toà án Thương mại Mỹ khởi kiện DOC về quyết định mà phía Việt Nam coi là sai lầm, mang tính áp đặt không công bằng và trái với tinh thần Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ.
Theo tôi, ranh giới giữa các nước đang ngày càng thu hẹp bởi sự hợp tác đa chiều cũng như xu hướng toàn cầu hoá. Tôi cho rằng, để tránh xảy ra những "cuộc chiến" thương mại tương tự, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong quan hệ ngoại giao cũng như luật pháp giữa các nước. Tôi cũng hy vọng, chính phủ hai nước Mỹ và Việt Nam sẽ sớm đạt được thoả thuận về vấn đề này, để có thể giúp các ngành kinh tế nói chung và nông dân nuôi cá Việt Nam nói riêng sớm ổn định và phát triển cuộc sống.
- Là một nhà lãnh đạo trẻ của Mỹ, theo ông cần làm gì để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển?
- Thành thực mà nói, do "khoảng cách" chính trị, kinh tế, văn hoá... nên nhiều người Mỹ tới nay vẫn chưa có cái nhìn chính xác và đúng đắn về một Việt Nam thân thiện và mở rộng hợp tác. Như tôi đã nói, các nước trên thế giới đang ngày càng xích lại gần nhau, và 21 giờ bay từ Mỹ sang Việt Nam không phải là trở ngại lớn. Tôi cho rằng, việc xúc tiến trao đổi các đoàn lãnh đạo, nhất là lãnh đạo trẻ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Thế hệ trẻ ở Mỹ hiện nay rất muốn được hiểu Việt Nam nhiều hơn nữa, muốn được giao lưu với các bạn bè Việt Nam, đặc biệt là làm sao thắt chặt hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao. Tôi rất ấn tượng về các cuộc trao đổi nhiệt tình và cởi mở với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong những ngày qua. Cá nhân tôi cho rằng có thể nhìn thấy một tương lai tươi sáng trong quan hệ hai nước.
Xin cảm ơn ông!
Phương Thuỷ thực hiện.