Mức sống hộ gia đình Việt Nam
Mức sống hộ gia đình theo số liệu khảo sát năm 2002 Của tổng cục thống kê
Ngân sách hộ gia đình là một trong ba bộ phận quan trọng của đất nước (ngân sách gia đình, ngân sách nhà nước, ngân sách doanh nghiệp). Mục tiêu phát triển của quốc gia cũng để làm cho dân giàu thì nước mới mạnh. Do đó, việc khảo sát mức sống hộ gia đình được nhà nước rất quan tâm; các tổ chức quốc tế cũng đã hai lần giúp Việt Nam khảo sát vào năm 1993 và 1997-1998. Số liệu của cuộc điều tra gần đây nhất vào năm 2002 vừa được Tổng cục Thống kế công bố đã cho thấy một số điểm đáng chú ý:
- Thu nhập bình quân đạt xấp xỉ 357.000 đồng/1 người/tháng;
- Chi tiêu bình quân đạt 268.400 đồng/người/tháng;
- Hộ có nhà kiên cố đạt 17,2%; bán kiên cố 58,3%; các loại nhà tạm, nhà khác 24,6%;
- Hộ có đồ dùng lâu bền đạt 96,9% (có ô-tô 0,05%; có xe máy 32,3%; máy điều hòa nhiệt độ 1,13%; máy giặt 3,8%…)
- Tỉ lệ nghèo chung 28,9%, nghèo lương thực – thực phẩm 9,96%
Thu nhập: Thu nhập bình quân (người/tháng) của hộ gia đình tăng 21,1% so với năm 1999 (bình quân tăng 10%/năm); nếu loại trừ yếu tố tăng giá còn tăng 8,6%, cao hơn mức tăng GDP. Thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt 626.000 đồng (tăng 21,1%), ở khu vực nông thôn đạt 276.000 đồng (tăng 22,5% - tăng cao hơn thành thị). Đây chính là nguyên nhân làm cho hệ số thu nhập thành thị/nông thôn giảm xuống còn 2,3 lần.
Tính thu nhập theo vùng kinh tế, 7/8 vùng tăng so với thời điểm năm 1999, trong đó có 2 vùng tăng cao hơn cả nớc là Đông Nam Bộ (623.000 đồng) và vùng đồng bằng Sông Cửu Long (373.200 đồng).
Chi tiêu: Tuy thu nhập mang tầm quan trọng hàng đầu, nhưng chi tiêu mới phản ảnh được mức sống thực tế của cư dân và của hộ gia đình. Bình quân tổng chi tiêu cho đời sống (người/tháng) đạt 268.000 đồng, tăng 21,3% so với năm 1999 (tăng trung bình 8,6%/năm và cao hơn tốc độ tăng 6,6% của thời kỳ 1996-1999). Đây là tốc độ tăng khá, là một trong những nguyên nhân góp phần làm kinh tế tăng trưởng cao trong vài năm qua.
Chi tiêu ở các khu vực và nhóm dân cư cũng có sự khác nhau. Khu vực thành thị đạt 460.000 đồng, khu vực nông thôn đạt 210.000 đồng (tăng 18%); chi tiêu của nhóm 1 là nhóm nghèo nhất đạt 122.500 đồng (tăng 11%) và nhóm 5 là nhóm giàu nhất đạt 547.100 đồng (tăng 18%). Các nhóm 2-4 lần lượt là: 169.600 đồng, 213.600 đồng, 289.100 đồng. Trong cơ cấu chi tiêu, phần chi cho ăn uống giảm từ 63% năm 1999 xuống còn 56,6% năm 2001-2002; chi cho mua sắm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng từ 3,8% lên 8%; cho y-tế tăng từ 4,6% lên 5,7%; cho giáo dục tăng từ 4,6% lên 6,2%; cho đi lại và bưu điện tăng từ 6,7% lên 10%…
Cùng với thu nhập và chi tiêu tăng lên, các điều kiện về nhà ở, tiện nghi và đồ dùng lâu bền được cải thiện đáng kể. Tỉ lệ hộ ở nhà tạm giảm nhanh từ 51% năm 1992-1993 xuống 26% năm 1997-1998 và còn 24,5% năm 2001-2002. Tỉ lệ có nhà kiên cố và bán kiên cố tăng lần lượt từ 49% lên 74% và 75,5%. Tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch được cải thiện đáng kể. Tỉ lệ hộ được dùng điện cũng tăng nhanh (từ 49% năm 1992-1993 lên 86% năm 2002-2002).
Chênh lệch mức sống: Nhờ tăng thu nhập và chi tiêu nên tỉ lệ hộ nghèo giảm. Đây là một trong những kết quả được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, việc nền kinh tế của ta đang chuyển sang cơ chế thị trường thì việc chênh lệch mức sống và khoảng cách giàu nghèo khó tránh khỏi. Khoảng cách thu nhập giữa nhóm 1 và nhóm 5 tại thời điểm năm 1999 là 8,9 lần, thì năm 2001-2002 là 8,1 lần; một số vùng còn giảm mạnh hơn, đặc biệt là Tây Nguyên.
Hệ số GINI (hệ số đánh giá bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo - hệ số 0: không có sự bất bình đẳng; hệ số 1: có sự bất bình đẳng tuyệt đối) cho thấy sự bất bình đẳng trong thu nhập tăng lên (từ 0,39 năm 1999 lên 0,42 vào năm 2002).
Tích lũy đầu tư: Hiệu số thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người cả nước là 89.000 đồng/tháng, tương đương 1.070.000 đồng/năm. Do đó, tích lũy trong khu vực hộ gia đình sẽ là 85.000 tỉ đồng. Lượng vốn đưa vào đầu tư chưa được 50%, một phần còn lại đưa vào đầu tư gián tiếp dưới hình thức tiết kiện, mua trái phiếu, kỳ phiếu kho bạc… Tuy nhiên vẫn còn một lượng tiền lớn (ước 25-30 nghìn tỉ đồng) chưa được huy động vào đầu tư, còn đọng trong dân dưới dạng mua vàng hoặc bất động sản. Đó là số liệu của 1 năm; nếu xét theo số hiện có (gộp cả tích lũy của nhiều năm trước) thì nguồn vốn chưa được huy động có thể lên tới hàng chục tỉ USD.
(Nguồn: Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao - Tổng hợp từ tài liệu của Tổng cục Tống kê và báo chí Việt Nam)