Khát vọng đoàn tụ của thân nhân những người vuợt biên trái phép
Thời gian gần đây dư luận đặc biệt quan tâm việc một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nghe lời kẻ xấu xúi giục, lừa phỉnh, vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia. ở nơi đất khách quê người, mong muốn lớn nhất hiện nay của họ là gì? Cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng những người thân của họ nơi quê nhà ra sao? Vừa qua, ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai đã tổ chức buổi gặp mặt 250 thân nhân những người vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia. Nhiều ý kiến, nhiều nguyện vọng được bày tỏ, tất cả đều tựu trung ở khát vọng đoàn tụ.
Thân nhân những người vượt biên trái phép đến để tai nghe mắt thấy thực tế những gì đã và đang xảy ra đối với người thân của mình nơi bên kia biên giới; để nói lên nguyện vọng, tâm tư của cõi lòng; và hơn thế nữa, để đề nghị, kêu gọi UNHCR thực hiện đúng thỏa thuận ba bên, nhanh chóng đưa chồng, con họ về quê hương, ổn định cuộc sống.
Khát vọng đoàn tụ, đòi hỏi chính đáng đó, không chỉ là tâm
tư, nguyện vọng của những người vượt biên trái phép, của những thân nhân người vượt biên trái phép, mà còn là trách nhiệm, mong mỏi thiết tha của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Gia Lai. Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Thành, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, nhấn mạnh: Nhà nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Đồng bào ta, Kinh cũng như Thổ, Ê Đê cũng như Ba Na, Gia Rai..., đều là anh em một nhà, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp. Hơn ai hết, Đảng và Nhà nước Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị đạo lý truyền thống đó, mong muốn và tạo mọi điều kiện để những người trót một lần lầm lỡ được trở về đoàn tụ gia đình. Chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với những người vì lỡ nghe theo lời kẻ xấu vượt biên trái phép, là nhất quán, là sự thật mà ai cũng biết. Bản thân đại diện tổ chức UNHCR khu vực tại Việt Nam, Thái-lan, Lào và Cam-pu-chia, sau nhiều lần đi thăm, làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên, tận mắt chứng kiến tất cả những gì đang xảy ra, cũng đã công khai thừa nhận điều đó. Việt Nam đã thực hiện đúng bản thỏa thuận ba bên ngày 21-2-2002 giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia và UNHCR, tạo mọi điều kiện tốt nhất để những người hồi hương nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Và thực tế, những người vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia trở về đã
được các cấp chính quyền địa phương tiếp nhận tại cửa khẩu,
được hỗ trợ lương thực để ổn định cuộc sống. Hiện tại, những người này làm ăn, sinh sống bình thường như những người khác trong buôn rẫy của mình. Có mặt và phát biểu tại đây, Mục sư đạo Tin lành Siu Y Kim (xã Chư á, TP Plây Cu), một lần nữa khẳng định chính sách dân tộc, tôn giáo nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ông nói: ở Việt Nam chỉ có một đạo Tin lành duy nhất, một Nhà nước duy nhất, đó là Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Không có cái gọi là "Nhà nước Đê Ga", và đương nhiên, những người theo đạo Tin lành cũng không thừa nhận cái gọi là "Tin lành Đê Ga". Mục sư còn cho biết, trong số những người vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia, không có ai ra đi vì lý do tôn giáo, mà chỉ vì nhẹ dạ cả tin vào những lời lừa phỉnh, dụ dỗ, thậm chí là đánh đập, dọa nạt của một số thế lực thù địch đang tìm cách chống phá Việt Nam. Bằng chứng là thời gian đó, đã có bốn chức sắc đạo Tin lành (bốn chấp sự) ở đây bị đánh đập, đe dọa phải vượt biên, nhưng họ đã cương quyết chống trả, tìm mọi cách để ở lại với buôn làng, với những người thân của mình.
Tại buổi gặp mặt, 250 thân nhân người vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia cũng được ông Siu Miên, Phó Bí thư Huyện ủy Chư Sê; ông Nay-tơ, Phó Chủ tịch MTTQ xã Nhơn Hòa (Chư Sê), nguyên là Thư ký tỉnh trưởng Plây Cu chế độ cũ; già làng Kpuih pier (xã BNgoong, Chư Sê), kể cho nghe về sự khó khăn, khổ cực mà họ đã tận mắt chứng kiến khi sang thăm đồng bào mình ở các lán trại bên Cam-pu-chia. Sống động và xác thực hơn, tại đây, những người gặp mặt còn được gặp, nói chuyện trực tiếp với A Luk ở xã Ia Del, huyện Ia Grai, người đã nghe lời kẻ xấu ra đi, nhưng đã tìm mọi cách trốn về nước. Xúc động và ân hận, A Luk nói: Những khó khăn và thiếu thốn, sự đánh đập, đe dọa trong các lán trại ở Cam-pu-chia, là có thật, A Luk là một bằng chứng. Chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền và bà con buôn làng từ khi A Luk trở về, A Luk cũng là một minh chứng. A Luk khẳng định, hầu hết đồng bào ta ở bên đó muốn trở về quê hương. Nhiều người trong số họ đã tìm cách trốn về, nhưng chỉ có một số người là may mắn trốn thoát, A Luk là một trong số đó.
... Nhận ra bộ mặt thật của kẻ thù, hiểu rõ chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tại buổi gặp mặt này, các thân nhân người vượt biên trái phép đã phát biểu ý kiến, kêu gọi chồng, con, anh em mình nhanh chóng trở về. Khát vọng đó được thể hiện mạnh mẽ hơn trong bản kiến nghị chung mà họ cùng ký tên gửi chính quyền tỉnh Gia Lai, chính quyền tỉnh Ratanakiri, Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia. Bản kiến nghị yêu cầu UNHCR thực hiện đúng thỏa thuận ba bên, sớm đưa thân nhân của họ trở về với gia đình, ổn định cuộc sống trước mùa mưa đang tới gần.