VASEP sẽ khởi kiện quyết định sai trái của ITC

Nhandan.org.vn

Cập nhật 18 giờ 30 - 7-8-2003


Theo dự kiến, vào ngày 10-8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ ra quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm philê đông lạnh cá tra, ba sa Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Tại cuộc họp báo chiều 6-8, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tuyên bố, ngay sau khi DOC áp đặt mức thuế mới, VASEP sẽ nộp đơn kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ về quyết định không công bằng này.

Còn hôm nay, 7-8, theo giờ Việt Nam (tức ngày 6-8 theo giờ Hoa Kỳ), Ủy ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ công bố quyết định chính thức việc áp mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm philê đông lạnh cá tra, ba sa Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư Ký VASEP, 11 doanh nghiệp Việt Nam theo đuổi vụ kiện yêu cầu ITC cần có một phán quyết mới khách quan và công bằng, bởi trên thực tế, "việc áp mức thuế quy định riêng cho từng doanh nghiệp (từ 36,84 đến 63,88%) chỉ là việc "móc tiền từ túi của người tiêu dùng Mỹ chuyển sang túi tiền của một nhóm chủ trại nuôi cá nheo". Việc áp đặt mức thuế nêu trên vào thị trường Mỹ, theo tính toán của các doanh nghiệp Việt Nam đúng bằng giá bán các sản phẩm cùng loại trên thị trường Mỹ. Như vậy, người tiêu dùng Mỹ mới chính là đối tượng chịu thiệt hại vì đã mất cơ hội được tiêu dùng sản phẩm cá có chất lượng, giá cả hợp lý chỉ vì chính sách bảo hộ sản xuất trong nước của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

Trong đơn kiện của mình, VASEP sẽ đưa ra năm luận điểm chứng minh một cách khoa học dựa trên căn cứ của luật pháp Hoa Kỳ. Theo VASEP, trong Bản kết luận sơ bộ (ngày 28-1-2003) và Bản kết luận cuối cùng của DOC có sự bất nhất. Tại Bản kết luận sơ bộ, DOC đã xem xét đến các yếu tố điều kiện sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam theo chu trình khép kín, từ sản xuất con giống đến sản phẩm, vì vậy đã có được giá bán rẻ mà không hề có bất kỳ sự trợ giá nào của Chính phủ. Nhưng trong bản Kết luận cuối cùng, DOC lại đưa ra việc so sánh với một doanh nghiệp Bangladesh có điều kiện sản xuất như ở Việt Nam, và cho rằng không tìm thấy một doanh nghiệp nào tại đây sản xuất theo chu trình khép kín, do đó vội vã đưa ra kết luận "các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá tra, ba sa vào thị trường Mỹ".

VASEP lưu ý việc mới đây, ngày 5-8, các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA) đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức công bố cấp khoản trợ cấp 34 triệu USD hỗ trợ khắc phục thiên tai trong các năm 2001-2002 với lý do "bị thiệt hại do thời tiết không thuận và thiên tai". Như vậy, CFA đã tự bộc lộ mâu thuẫn: một mặt đổ tội cho các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá, mặt khác lại chứng minh rằng thiệt hại của họ là do thiên tai gây ra. VASEP khẳng định: "Sự việc trên cho thấy việc xử lý của các cơ quan chính quyền Mỹ cũng tỏ ra bất nhất, thiếu phối hợp, mang nặng tính bảo hộ sản xuất trong nước, trái với tinh thần tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng".

Về ảnh hưởng của việc áp thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, theo ông Dũng, trước mắt tuy có gây một số khó khăn nhất định về thị trường tiêu thụ sản phẩm, song từ một năm nay, nhiều doanh nghiệp của ta đã có ý thức chuyển hướng kinh doanh sang một số thị trường mới và sản xuất những mặt hàng mới không thuộc nhóm bị đánh thuế. Vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã ra quyết định công bố cho phép thêm 32 doanh nghiệp Việt Nam (trước đây bị cấm xuất khẩu vào EU do có tỷ lệ dư lượng chất kháng sinh trong thực phẩm cao) được xuất khẩu trở lại vào thị trường này, nâng tổng số các doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu vào EU lên 100 doanh nghiệp. Hiệp hội VASEP cũng tích cực tiếp thị cho các doanh nghiệp Việt Nam mở thêm các thị trường xuất khẩu tại Nhật Bản, Trung Quốc. Mới đây, hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry cũng ngỏ ý muốn nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm cá philê đông lạnh của Việt Nam. Nếu đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, tập đoàn này sẵn sàng bao tiêu khoảng 1/3 lượng cá các doanh nghiệp Việt Nam lâu nay vẫn xuất khẩu sang Mỹ.

Theo số liệu của Bộ Thủy sản, tính riêng trong sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn tăng 6% về khối lượng, đạt giá trị 957,773 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh, yêu cầu DOC và ITC thay đổi những quyết định sai trái, bất công và trái với những gì thực tế đang diễn ra tại Việt Nam.

QUỲNH TRANG
(Tin tức)