Cần thận trọng khi đầu tư 'chui' bất động sản ở Việt Nam
Vnexpress.net, Thứ năm, 10/7/2003, 10:26 GMT+7
Luật sư Phạm Thanh Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Hồng Hà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, đã nhấn mạnh như vậy. Trước thắc mắc của rất nhiều độc giả là người nước ngoài, Việt kiều về điều kiện và thủ tục mua nhà ở tại VN, VnExperss đã có buổi trao đổi với luật sư.
- Ngoài công dân Việt Nam ở trong nước, pháp luật hiện hành cho phép những ai được mua nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất tại Việt Nam?
- Trước hết phải nói ngay rằng pháp luật hiện chưa cho người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam. Riêng người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có thể được mua nhà ở tại Việt Nam. Nhưng họ phải thỏa mãn những điều kiện nhất định. Theo quy định tại Nghị định số 81/2001/NĐ-CP ngày 5/11/2001 của Chính phủ về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm công dân Việt Nam và người gốc Việt cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Nhưng họ phải thuộc một trong những trường hợp dưới đây mới được mua nhà để ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam: Người về đầu tư lâu dài tại Việt Nam; Người có công đóng góp với đất nước; Nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; Người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam.
Họ chỉ được sở hữu 01 nhà để ở, có thể là căn hộ, căn nhà, nhà biệt thự. Nếu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở thì sau khi hoàn tất các thủ tục mua nhà, họ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
- Vậy thế nào là người đầu tư lâu dài, người có công, nhà văn hóa, người có nhu cầu sống ổn định ở Việt Nam?
- Người về đầu tư lâu dài tại Việt Nam là người trực tiếp hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, được cấp giấy phép đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Người có công đóng góp với đất nước gồm 3 nhóm: Nhóm được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (ban hành ngày 29/8/1994). Nhóm được tặng huân huy chương, hay bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; được người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan quản lý ngành ở trung ương tặng huy chương vì sự nghiệp của ngành đó. Nhóm tham gia vào ban chấp hành của các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên (được các cơ quan này xác nhận), hoặc là nòng cốt của các tổ chức, phong trào của kiều bào có quan hệ với trong nước thông qua Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài (được Ủy ban xác nhận).
Nhà văn hóa, nhà khoa học và chuyên gia về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam bao gồm người được phong học hàm, học vị về khoa học, giáo dục, văn hóa nghệ thuật của Việt Nam hoặc của nước ngoài; chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Những người này phải được lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoặc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh mời về Việt Nam làm chuyên gia.
Trường hợp thứ tư là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đơn đề nghị về sinh sống ổn định tại Việt Nam và đã được cấp có thẩm quyền của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó chấp thuận.
- Để mua nhà ở tại Việt Nam, họ cần có những giấy tờ gì?
- Những người trên thực hiện việc mua nhà trong thời gian thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam, và phải chuẩn bị các giấy tờ sau: Thứ nhất là hộ chiếu hợp lệ của Việt Nam hoặc hộ chiếu, giấy tờ hợp lệ của nước ngoài cấp. Trong trường hợp thứ hai thì phải có giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận đăng ký công dân. Thứ hai là các giấy tờ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đúng là đối tượng được mua nhà ở như nói ở trên.
- Thời gian qua có khá nhiều người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về trong nước mua nhà, đất. Đây có phải là kết quả của chính sách nói trên?
- Không phải tất cả đều thuộc những đối tượng được mua nhà ở theo Nghị định 81. Qua thực tiễn, chúng tôi thấy khá nhiều trường hợp, người Việt Nam ở nước ngoài đã thông qua thân nhân ở trong nước để tìm mua nhà rồi nhờ thân nhân đứng tên chủ sở hữu. Hình thức “đứng tên hộ” này chứa đựng yếu tố rủi ro rất cao cho người đã bỏ tiền ra mua nhà, vì trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì về nguyên tắc, quyền sở hữu của họ sẽ không được pháp luật bảo hộ.
Vừa qua, Văn phòng chúng tôi đã tham gia tố tụng tại tòa án để bảo vệ quyền lợi cho 2 trường hợp, một người là Việt kiều ở Mỹ và một người là Việt kiều ở CHLB Đức. Cả hai đều chuyển tiền về nước mua nhà và nhờ thân nhân của họ đứng tên sở hữu. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục mua bán thì xảy ra tranh chấp giữa người đã bỏ tiền và người đứng tên giấy tờ nhà đất. Cũng may là hai Việt kiều đó chứng minh được có việc chuyển tiền về Việt Nam nên họ được hoàn trả lại số tiền đã bỏ ra. Nhưng thiệt hại không phải là nhỏ, bởi thời gian xử lý vụ việc kéo dài, lợi tức do giá bất động sản tăng không được hưởng, đọng vốn lớn... Chúng tôi cho rằng cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch dân sự kiểu “lách luật” nói trên.
(Nghĩa Nhân thực hiện)