Vi phạm quyền con người trong thương mại quốc tế


(24/07/2003 -- 21:24GMT+7)

Hà Nội (TTXVN) - Quyết định cuối cùng của Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) chống sản phẩm cá basa và cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ là một sự vi phạm trắng trợn quyền con người trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

"Mọi người sinh ra đếu có quyền bình đẳng". Đó chính là một trong những quyền con người cơ bản nhất được ghi trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Trong lĩnh vực thương mại, đây chính là quyền được cạnh tranh một cách công bằng. Ấy thế mà bằng quyết định bất công ngày 23/7 của ITC chống sản phẩm cá basa và cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Oasinhtơn đã đi ngược lại tinh thần cao cả của Tuyên ngôn độc lập Mỹ và vi phạm chính những nguyên tắc tự do thương mại mà họ vẫn rao giảng với toàn thế giới. Chính tờ "Thời báo Niu Yoóc "(Mỹ) đã vạch rõ "Việt Nam sẽ trở thành một điển hình trong cách thức mà Mỹ và phương Tây gian lận luật lệ thương mại toàn cầu để có thể thắng cuộc".

Một trong các đoàn thương mại Mỹ sang thăm Việt Nam cũng đã nhận thấy tiềm năng cá tra, các basa hay còn được gọi là "catfish" tại vùng châu thổ sông Mêcông có tiềm năng xuất khẩu rất cao, các điều kiện tự nhiên của khu vực và giá nhân công rẻ mang lại cho Việt Nam lợi thế cạnh tranh. Chỉ trong vài năm, ước tính khoảng nửa triệu người Việt Nam đã cải thiện được cuộc sống nhờ mặt hàng cá tra và các basa. Việt Nam chiếm 20% thị trường philê đông lạnh cá "catfish" tại Mỹ, góp phần giảm giá mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ.

Nhưng những người nuôi cá Việt Nam đã phải đối diện với cuộc chiến "bẩn thỉu" trên hai mặt trận do Hiệp hội nông dân nuôi catfish Mỹ, nhóm đại diện cho nông dân nuôi catfish tại vùng châu thổ sông Mítxixipi, phát động. Nông dân nuôi cá tại vùng châu thổ sông Mítxixipi không phải là những doanh nghiệp lớn, và phần lớn trong số họ không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nên không thể cạnh tranh được với các sản phẩm của Việt Nam. Và chính Mỹ, nước đi đầu thế giới trong việc khuyến khích cạnh tranh thị trường tự do, đã phải gian lận "trong cuộc chiến cá catfish" nhằm tước bỏ quyền cạnh tranh bình đẳng của các nông dân nuôi cá Việt Nam.

Năm ngoái, được ông Trenlót, khi đó là thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viên, trợ giúp, Hiệp hội nông dân nuôi catfish Mỹ đã thuyết phục được Quốc hội Mỹ đi ngược với "khoa học tự nhiên", ra một điều luật bổ sung, tuyên bố trong số 2.000 loại catfish, chỉ có loại được nuôi tại Mỹ, có tên Ichtaluriđe, mới được gọi là "catfish". Việt Nam chỉ có thể tiếp thị sản phẩm của mình tại Mỹ bằng tên Việt Nam là cá "basa", cá "tra". Đó mới chỉ là bước đầu. Nghị sĩ Mariôn Bery của đảng Dân chủ (bang Akansát) còn tham gia vào một chiến dịch vận động tung tin thất thiệt chống lại nông dân nuôi cá Việt Nam, cho rằng cá của Việt Nam không bảo đảm đối với tiêu chuẩn của người tiêu dùng Mỹ vì chúng đến từ một nơi bị nhiễm chất độc da cam nặng nề, chất độc mà quân đội Mỹ đã rải xuống các vùng quê Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Hiệp hội nông dân nuôi catfish Mỹ thậm chí còn đăng quảng cáo cảnh báo rằng loại cá này "trôi nổi trên các con sông thuộc Thế giới thứ ba, ăn các loại thức ăn mà chẳng ai có thể kiểm soát được".

Hiệp hội nông dân nuôi catfish Mỹ còn khởi xướng vụ kiện chống phá giá đối với mặt hàng cá của Việt Nam. Trong vụ này, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) không có bằng chứng về việc cá nhập khẩu được bán tại Mỹ rẻ hơn so với giá ở Việt Nam, hoặc dưới giá thành sản xuất. Thay vì thuyết phục các nông dân nuôi cá ở Mítxixipi chấp nhận cạnh tranh công bằng, DOC lại tuyên bố Việt Nam là một nền kinh tế "phi thị trường". Quy kết của DOC là nhằm tạo cơ sở cho những nghi ngờ rằng nông dân nuôi cá Việt Nam không phải chịu toàn bộ chi phí mà đáng lẽ phải có trong một nền kinh tế thị trường. DOC áp thuế đối với cá của Việt Nam từ 36,84% đến 63,88%.

Thông thường, lợi thế trong nước luôn là yếu tố quyết định trong các vụ kiện tụng kiểu này, nhưng có tới gần chục thượng nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, do ông John McCain dẫn đầu, đã lên tiếng phản đối quyết định của DOC. Ông coi đây là một sự bảo hộ lộ liễu. Quan điểm của ông McCain là đúng. Cuộc chiến catfish ít được quan tâm tại Mỹ, nhưng lại là tin tức rất được quan tâm tại Việt Nam.

Các tờ báo và hãng truyền thông lớn ở Mỹ ngày 24/7 đều có những bài viết nêu quan điểm bất bình trước quyết định của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) phê chuẩn việc áp đặt thuế chống phá giá đối với mặt hàng philê cá basa đông lạnh của Việt Nam theo quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ.

Báo "Bưu điện Oasinhtơn" đăng bài viết: "Một phán quyết thiên vị các chủ trại nuôi cá Mỹ" nói rằng phán quyết sai trái này chỉ càng khiến thế giới nhận thấy rằng Mỹ không hề tôn trọng ngay cả những nguyên tắc thương mại tự do mà chính nước này đặt ra. Bài báo dẫn lời Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ John McCain nói rằng mức thuế chống phá giá mà DOC sẽ ban hành "sẽ chỉ càng làm nổi bật những rào cản bảo hộ mà chính phủ Mỹ ưu đãi đối với ngành sản xuất trong nước". Bài báo còn cho rằng việc áp đặt thuế chống phá giá sẽ hủy hoại lợi ích của Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ, các ngành công nghiệp khác của Mỹ sẽ viện vào luật chống phá giá để ngăn cản hàng nhập khẩu. Những người chỉ trích còn nói rằng luật này quá thiên vị các nhà sản xuất Mỹ.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt-Mỹ nói: "Đây là một bước thụt lùi". Bà cho rằng, với phán quyết này, Mỹ sẽ bị coi là một "đối tác thương mại khó tính". Hãng tin này cũng trích dẫn tuyên bố của Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói rằng "Việt Nam không hề bán gian lận sản phẩm tại thị trường Mỹ. Lời quy kết của phía Mỹ là hoàn toàn sai trái, mang nặng dấu ấn thành kiến và bảo hộ thương mại". Hãng tin trích dẫn lá thư của Thượng nghị sĩ Giôn Mắckên và một số thượng nghị sĩ khác nói rằng việc áp đặt thuế chống phá giá "sẽ làm tổn hại quan hệ thương mại Việt - Mỹ và đặt tiền lệ cho việc bảo hộ trong các lĩnh vực khác của mối quan hệ thương mại giữa hai nước".

Tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) xuất bản tại Mỹ dẫn lời ông Vũ Minh, Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Oasinhtơn nói rằng quyết định của ITC chống lại các nông dân nuôi cá ba sa của Việt Nam là vô căn cứ và gây tác hại đến các mối quan hệ thương mại Việt-Mỹ./.