Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn báo chí


(25/07/2003 -- 22:06GMT+7)

Hà Nội (TTXVN) - Sau khi kết thúc hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu tại Bali (Inđônêxia), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã trả lời phỏng vấn báo chí. Sau đây là bài trả lời phỏng vấn:

Câu hỏi: Xin Bộ trưởng cho biết kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần này?

Trả lời: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM tại Bali (Inđônêxia) từ ngày 23 đến ngày 24/7 là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thường niên lần thứ năm của tiến trình hợp tác Á-Âu (ASEM). Hội nghị đã đạt được các kết quả quan trọng sau:

1. Là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên được tổ chức kể từ sau Hội nghị Cấp cao ASEM 4 (tại Đan Mạch, tháng 9/2002) và trong bối cảnh tình hình quốc tế và ở hai châu lục có nhiều chuyển biến mới và phức tạp, Hội nghị đã khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa hợp tác Á-Âu nhằm thúc đẩy vai trò trung tâm và thiết yếu của các thể chế đa phương, nhất là Liên hợp quốc; đẩy mạnh quan hệ đối tác kinh tế thực chất hơn nhằm phát huy hết tiềm năng, cơ hội của mỗi khu vực, đồng thời đóng góp vào việc thúc đẩy thương mại quốc tế thông qua vòng đàm phán Đô-ha; và tiếp tục trao đổi về các phương cách vận hành ASEM hữu hiệu hơn, bao gồm cả việc mở rộng thành viên ASEM;

2. Đã thỏa thuận về nhiều biện pháp thúc đẩy các quyết định đạt tại Cấp cao ASEM 4 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 4 trên cả ba lĩnh vực hợp tác là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trong các lĩnh vực khác. Trong đó đáng chú ý là Hội nghị nhất trí việc thúc đẩy hoạt động của "nhóm đặc trách kinh tế ASEM" theo quyết định của ASEM 4, nhằm đưa ra các khuyến nghị thực chất và cụ thể tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư và tài chính giữa hai châu lục trình Hội nghị Cấp cao sẽ tổ chức tại Hà Nội năm 2004. Hội nghị cũng thông qua sáng kiến của Trung Quốc về tổ chức "Hội thảo ASEM về xử lý dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng" cũng như hoan nghênh Hội nghị quốc tế tại Việt Nam về SARS vào tháng 10/2003.

3. Cơ bản thỏa thuận về thời điểm tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội vào tháng 10/2004 và chủ đề chính của Hội nghị theo hướng "Tiến tới quan hệ đối tác Á-Âu sống động và thực chất hơn". Theo hướng đó, nhiều nước đã tán thành gợi ý của Việt Nam về khả năng xây dựng một "Tuyên bố của cấp cao về xây dựng quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn" trên cơ sở khuyến nghị của Nhóm đặc trách kinh tế ASEM.

Hỏi: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về triển vọng và thách thức của tiến trình hợp tác ASEM trong thời gian sắp tới?

Trả lời: Kể từ Cấp cao ASEM 4 đến nay, tình hình quốc tế và khu vực đã có nhiều chuyển biến nhanh chóng và khó lường, đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho tiến trình ASEM. Những thách thức lớn là:

1. Sự kiện 11/9 và đặc biệt là cuộc chiến I-rắc đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế tác động đến sự phát triển của tất cả các quốc gia, quan hệ giữa các nước cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có ASEM.

2. Kinh tế châu Á tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc; kinh tế châu Âu tiếp tục phát triển chậm. Lại thêm các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và tự do hóa, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tăng lên. Khoảng cách phát triển và kỹ thuật số giữa các quốc gia tăng.

3. Khuynh hướng "hướng nội" trong EU có thể gia tăng, nhất là sau khu EU kết nạp thêm 10 thành viên mới.

Tuy nhiên, ASEM đang đứng trước những thuận lợi cơ bản là:

1. Trong xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chính trong quan hệ quốc tế, các thành viên ASEM càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của tiến trình hợp tác Á-Âu trong nỗ lực chung nhằm củng cố xu thế đó.

2. Trong mỗi khu vực cũng đang diễn ra nhiều chương trình liên kết kinh tế mạnh mẽ hơn cả về chiều rộng và chiều sâu; không gian kinh tế đang mở rộng này tạo ra những cơ hội mới để khai thác tối đa các tiềm năng và cơ hội để xây dựng quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa hai châu lục.

3. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục phát triển mạnh trên các lĩnh vực đột phá về lượng tử, tin học... cùng với kinh tế tri thức trở thành lực lượng sản xuất mở ra những cơ hội hợp tác mới rộng lớn hơn trong ASEM, nhằm phát huy thế mạnh và khả năng bổ sung giữa các nền kinh tế Á-Âu.

Hỏi: Xin Bộ trưởng cho biết những đóng góp của Việt Nam vào thành công của Hội nghị FMM 5 với tư cách là nước điều phối viên ASEM và chủ nhà cấp cao ASEM 5 năm 2004?

Trả lời: Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị nhiều vấn đề mới đã đặt ra đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới và hợp tác để bảo đảm thành công.

Là một điều phối viên châu Á từ năm 2000, Việt Nam đã tích cực phối hợp với nước chủ nhà Inđônêxia và các nước điều phối viên khác là Nhật Bản, Italia và EC trong quá trình chuẩn bị và tổ chức thành công hội nghị. Cụ thể là:

1. Góp phần thúc đẩy hợp tác đi theo hướng triển khai đồng đều, thiết thực, có hiệu quả, đi vào thực chất trên cả ba lĩnh vực hợp tác, phản ánh được yêu cầu và quan tâm của tất cả các thành viên.

2. Tích cực xúc tiến việc chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEM 5. Bên cạnh trao đổi chính thức tại các phiên họp, đoàn ta đã tiến hành các cuộc gặp riêng với nhiều đoàn, đặc biệt là các điều phối viên để tăng cường phối hợp chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao.

3. Để tiếp tục góp phần thúc đẩy một cách thiết thực hợp tác ASEM, ta đã tích cực ủng hộ việc thông qua và đồng ý với đề nghị của Trung Quốc về đồng sáng kiến tổ chức Hội thảo ASEM về xử lý dịch bệnh vùng phát trong cộng đồng. Điều này có ý nghĩa đặc biệt vì ta là nước đầu tiên trên thế giới thành công trong việc khống chế dịch bệnh SARS và có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý dịch bệnh trong cộng đồng.

Hỏi: Xin Bộ trưởng cho biết Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 5 đã đạt được những thỏa thuận gì về việc chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEM 5 và công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEM 5 của Việt Nam đang được thực hiện đến đâu?

Trả lời: Những thỏa thuận đạt được cho việc chuẩn bị Hội nghị Cấp cao ASEM 5 thể hiện trên hai khía cạnh quan trọng sau:

1. Hợp tác ASEM đã diễn ra khá năng động và nâng cao được vị thế của cả hai châu lục nhưng đang đứng trước nhiều thách thức và cần duy trì đà hợp tác. Do đó, nhận chức chung là Hội nghị Cấp cao ASEM 5 cần trở thành một mốc quan trọng trong việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ đối tác bình đẳng giữa Á-Âu; tăng cường tính hấp dẫn của ASEM thông qua việc mở rộng thành viên từ cả hai châu lục.

2. Chúng ta đã được sự đồng thuận rộng rãi về hướng chủ đề, nội dung của Hội nghị Cấp cao và sự cam kết phối hợp chặt chẽ. giúp đỡ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Hà Nội.

Về công tác chuẩn bị tiếp theo cho Hội nghị Cấp cao Hà Nội, chúng ta cần tập trung vào một số hướng quan trọng sau:

1. Tiếp tục suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện về nội dung, phù hợp với chủ đề hội nghị.

2. Bên cạnh việc chuẩn bị về nội dung, chúng ta cũng phải tích cực hơn nữa trong việc triển khai công việc tổ chức, hậu cần, xây dựng trung tâm hội nghị.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền về ASEM trong nước, cũng như đẩy mạnh việc quảng bá về Hội nghị cấp cao Hà Nội ở ngoài nước nhằm đề cao vai trò và hình ảnh tích cực của Việt Nam.

4. Nâng cao mạnh mẽ hơn nữa kinh nghiệm của bộ máy, cán bộ tham gia phục vụ cho Hội nghị cấp cao. Theo hướng này, chúng ta cần tiếp tục tranh thủ và sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp quốc tế dành cho ta trong tiến trình chuẩn bị Hội nghị.

Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức các Hội nghị quốc tế tại nước ta, chúng ta sẽ tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Hà Nội mang đậm dấu ấn Việt Nam, đóng góp xứng đáng vào việc đưa tiến trình ASEM lên tầm cao mới./.