Không thể áp đặt giá trị Mỹ lên các quốc gia khác

Nhandan.org.vn, cập nhật 18giờ30 - 25/07/2003

Ông David Thomas là nhà hoạt động nghệ thuật người Mỹ đã nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam. Ông không tán thành việc áp đặt các giá trị Mỹ lên các quốc gia khác. Ông phẫn nộ trước âm mưu áp đặt dân chủ, nhân quyền đối với Việt Nam. Ông cho rằng, Hoa Kỳ nên có trách nhiệm giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Ông C.David Thomas nói: Tôi rất tức giận. Năm 2001, sau khi Hạ viên Mỹ vừa thông qua dự luật nhân quyền Việt Nam, hộp thư email của tôi tràn ngập các thư của bạn bè, các tổ chức Mỹ thông báo và lên án việc này. Ngay lập tức tôi viết thư cho hai thượng nghị sĩ đại diện cho bang Massachusetts của tôi là John Kerry và Edward Kennedy kêu gọi họ không ủng hộ dự luật này. Tôi nghĩ nước Mỹ không nên can thiệp vào công việc của một nước khác, đặc biệt là Việt Nam. Đất nước này đã chịu nhiều tổn thương trong cuộc chiến mà người Mỹ trực tiếp liên quan, vậy mà đến nay những nỗ lực hàn gắn, trợ giúp từ phía Mỹ còn quá ít ỏi. Sau năm 1975 khi chúng tôi thua trận ở Việt Nam, nước Mỹ áp đặt lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam kéo dài trong 19 năm, một chính sách hoàn toàn sai lầm. Hết trừng phạt kinh tế, bây giờ lại có một số người mưu toan muốn áp đặt các vấn đề về dân chủ, nhân quyền; tôi tin họ lại tiếp tục thất bại thôi. Họ không hiểu Việt Nam, thiếu thông tin về Việt Nam.

Tôi không ủng hộ việc áp đặt quan điểm, giá trị của người Mỹ lên các quốc gia khác. Mỗi nước có một đặc điểm lịch sử, văn hóa riêng. Người dân mỗi nước cũng có quyền tự chọn nhà lãnh đạo của mình, thể chế của mình. Nếu như có một vài vấn đề mọi người mong muốn Việt Nam phát triển hơn nữa thì là điều bình thường. Cũng có những điều tôi mong thấy nước Mỹ thay đổi nhanh hơn nữa. Hiện giờ mọi người nói rất nhiều về "công nghệ" vận động hành lang trong chính trường ở Mỹ. Có một hệ thống các tập đoàn kinh tế đứng đằng sau các cuộc tranh cử, đằng sau các quyết định chính trường ở Mỹ. Thử hỏi ai có thể hài lòng với điều này?

Hỏi: Hơn 15 năm nghiên cứu về Việt Nam, ông cảm nhận thế nào về sự thay đổi của Việt Nam?

Trả lời: Theo tôi, Chính phủ Việt Nam là một trong những chính phủ thành công nhất trên thế giới trong việc thực hiện chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, tránh được sự xáo trộn như chúng ta chứng kiến ở Đông Âu hoặc các nước thuộc Liên Xô cũ. Cuộc tranh luận giữa nếp suy nghĩ cũ và tư tưởng cải cách, đổi mới được bàn luận công khai. Đó là một biểu hiện của dân chủ. Điều quan trọng hơn là tôi tin Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với những thế hệ kế tiếp.

Hỏi: Ông có thấy rằng có một Việt Nam rất khác trong lăng kính của những người chưa từng tới Việt Nam?

Trả lời: Chính xác. Ngay như bản thân tôi, trước năm 1987, những hiểu biết về Việt Nam còn hết sức mơ hồ. Năm 1987, khi trở lại Việt Nam cùng với dự án Hòa giải Đông Dương - Hoa Kỳ, tôi mới phát hiện một Việt Nam với nền văn hóa và những con người rất khác so với những gì người Mỹ vẫn thường nói tới. Tôi bị thu hút mạnh bởi những bức ảnh chân dung Hồ Chí Minh được thấy ở khắp nơi. Trước hết với tư cách một họa sĩ, tôi cảm nhận gương mặt Hồ Chủ tịch toát lên vẻ thật đặc biệt, gợi cho tôi nhiều cảm hứng để sáng tạo. Với tư cách một cựu binh, tôi rất tò mò về thân thế, sự nghiệp của người đã đưa Việt Nam thoát ách nô lệ và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi lưu giữ hình ảnh khuôn mặt của Người trong tâm trí và bắt tay vào sáng tạo 50 tác phẩm họa hình ảnh Hồ Chí Minh. Các tác phẩm này được triển lãm, in thành sách ở Mỹ và tôi mong điều này có thể góp phần đem lại cách nhìn mới về Việt Nam và Hồ Chủ tịch cho người Mỹ.

Hỏi: Là một cựu binh, ông nghĩ gì về trách nhiệm của phía Mỹ đối với vấn đề chất độc da cam?

Trả lời: Thời gian ở Plây Cu, tôi chứng kiến một số lượng lớn chất độc da cam rải xuống nơi đây. Tôi nghĩ sự trợ giúp của phía Mỹ đối với Việt Nam trong vấn đề này phải gấp hàng nghìn lần hiện nay. Chúng ta đều biết mỗi một ngày có hơn 1 tỷ USD ngân sách được rót vào Bộ Quốc phòng Mỹ phục vụ việc sản xuất vũ khí. Thật phi lý. Một phần lớn trong số này lẽ ra nên được sử dụng cho việc giải quyết hậu quả chất độc da cam.

* Xin cảm ơn ông.

CẨM HÀ thực hiện
(Báo Tuổi trẻ)

....................................

* D.Thomas là người sáng lập và hiện là giám đốc Tổ chức Cộng tác nghệ thuật Đông Dương, một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận đã góp phần phát triển nhiều hoạt động trao đổi văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam. Năm 1999, ông trở thành người nước ngoài đầu tiên được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa của Việt Nam. Năm qua, ông tham gia giảng dạy tại Việt Nam với tư cách giáo sư hội họa Trường cao đẳng Emmanuel Boston - trong chương trình Fulbright. Ông sẽ tổ chức lễ ra mắt cuốn sách Hồ Chí Minh - một chân dung (do ông cùng nữ văn sĩ Lady Borton thực hiện bằng hai thứ tiếng (Anh - Việt) tại Boston, Mỹ vào tháng tám tới trước khi trở lại Việt Nam vào tháng chín để tiếp tục các dự án cộng tác với Hội Mỹ thuật Việt Nam.

* Năm 2000, D.Thomas và Charles Fenn (người trong Chiến tranh thế giới thứ 2 là đại diện của Mỹ làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó xuất bản một số cuốn sách về Hồ Chí Minh và Việt Nam) đã cộng tác hoàn thành một tác phẩm độc đáo mang tên: Chân dung Hồ Chí Minh của một họa sĩ. Cuốn sách chỉ in một trăm bản, mỗi bản có 110 trang rời (55 trang hình và 55 trang chữ) được đặt trong một hộp sơn mài. 50 bức chân dung Hồ Chí Minh do D.Thomas sáng tác được in trên giấy dó, một sản phẩm đặc trưng Việt Nam thường dùng để thể hiện các bức tranh Đông Hồ. Ông đã lồng ghép chân dung Hồ Chủ tịch với nhiều hình ảnh khác phản ánh sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Tác phẩm, có giá 2.000 USD/bản, đã được các thư viện lớn, các nhà sách hàng đầu, các nhà sưu tập của Mỹ đặt mua hết ngay sau khi phát hành.