Việt Nam phát triển dịch vụ Internet


(18/06/2003 -- 16:41GMT+7)

Hà Nội (TTXVN) - Theo kế hoạch phát triển Internet giai đoạn 2001-2005 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2005 sẽ có từ 4-5% số dân Việt Nam dùng Internet.

Để đạt được mục tiêu này, hàng loạt các biện pháp đã được bộ Bưu chính Viễn thông triển khai hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện, chẳng hạn như Bộ đã tiến hành giảm giá cước dịch vụ Internet; cùng với Bộ Giáo dục triển khai việc đưa Internet đến tất cả các trường đại học, cao đẳng và trung học phổ thông trong năm 2003; nâng dung lượng đường truyền quốc tế.

Đặc biệt, ngày 13/6 vừa qua, VDC đã công bố điểm nóng truy cập Internet không dây công cộng đầu tiên ở Việt Nam và theo kế hoạch từ nay đến SEA Games 22, công ty sẽ triển khai thêm khoảng 100 điểm nữa. Cũng từ ngày 1/7 dịch vụ điện thoại qua Internet (Internet Telephony) sẽ chính thức được VNPT cung cấp. Trước mắt dịch vụ này sẽ cung cấp chiều đi và sẽ triển khai dịch vụ truy cập Internet tốc độ ca tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng.

Theo Bộ Bưu chính Viễn thông, năm 2003 là năm ngành tập trung đổi mới để tạo bước đột phá về các dịch vụ Internet để phổ cập các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng với chất lượng tốt, giá cả thấp hơn hoặc tương đương với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng Internet thành môi trường ứng dụng thuận lợi cho các loại hình dịch vụ điện tử về thương mại, hành chính, báo chí, bưu chính, viễn thông, ngân hàng, tài chính, giáo dục từ xa, y tế qua mạng... nhằm phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Trong một vài năm trở lại đây, việc cấp phép cung cấp dịch vụ Internet đã trở nên đang dạng hơn, cạnh tranh bắt đầu hình thành trên thị trường, đây là một động lực để thúc đẩy hơn nữa qua trình cung cấp dịch vụ Internet với giá cước ngày càng giảm, chất lượng tốt, phục vụ tốt nhu cầu thông tin của xã hội.

Hiện nay, ngoài tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) cung cấp hạ tầng mạng Internet còn có thêm 5 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động gồm Vietel, ETC, Vishepel, SPT và Hanoi Telecom. Trong đó, VNPT, ETC, Vietel được phép thiếp lập mạng và cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng trong phạm vi toàn quốc, xây dụng và phát triển mạng đường trục quốc gia; Vishepel và VNPT được phép thiết lập hệ thông thông tin qua vệ tinh Inmarsat, Vishipel cung cấp dịch vụ thông tin di động vệ tinh hàng hải. SPT được thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ tại thành phố Hồ Chí Minh; Hà Nội Telecom được phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ tại Thành phố Hà Nội.

Hiện có 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) gồm VNPT, Vietel, FPT, SPT, ETC và Hanoi Telecom; trong đó VNPT và Vietel đã cung cấp dịch vụ; cung cấp dịch vụ truy nhập Internet có 13 doanh nghiệp đã được cấp phép, trong đó có 6 doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ cho khách hàng gồm VNPT, FPT, SPT, Netnam, Vietel và Hanoi Telecom.

Nếu như năm 2000, Việt Nam mới có khoảng 100.000 thuê bao thì đến nay đã có khoảng 300.000 thuê bao với trên 1 triệu người sử dụng, đạt tỷ lệ 0,4% số dân sử dụng dịch vụ Intertnet, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình trong khu vực ASEAN (1,5%) và trên thế giới (8%). Hiện nay, mạng Internet đã phát triển tới tất cả 61 tỉnh thành phố trong cả nước nhưng tốc độ tăng trưởng Internet ở Việt Nam còn chậm, nguyên nhân chính là do số đông người dân Việt Nam chưa thấy nhu cầu thiết thực sử dụng Internet./.