Thực hiện BTA:Cơ hội bùng nổ hàng xuất khẩu của Việt Nam

LĐ số 168 Ngày 17.06.2003 Cập nhật: 08:37:38 - 17.06.2003

Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA) đã có những tác động to lớn tới nền kinh tế VN. Nhưng người Mỹ nhìn nhận vấn đề này thế nào? Hội thảo "Đánh giá tác động kinh tế của BTA" do dự án Hỗ trợ thúc đẩy thương mại STAR - Việt Nam (được Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ - USAID tài trợ) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 16.6 tại Hà Nội, đã nói lên được phần nào cách nhìn nhận của người Mỹ về BTA.

Thị trường rộng mở
Cả hai ông Steve Parker-Giám đốc Dự án STAR và Jammes Riedel -Giáo sư kinh tế, cố vấn cao cấp của dự án STAR đều khẳng định: "BTA đã tạo ra cơ hội bùng phát cho lĩnh vực xuất khẩu của VN".

Theo đó, sau một năm thực hiện BTA xuất khẩu (XK) của VN sang thị trường Mỹ đã tăng 128%. Trong đó XK hàng chế tạo của VN tăng hơn 500% trong năm 2002; trong đó XK hàng may mặc tăng tới 1.769%, XK đồ gỗ tăng 499%, hàng hoá phục vụ du lịch tăng 5.433%, các hàng hoá chế tạo khác tăng 847%, giày dép tăng 70%. Trong khi cùng thời điểm, XK của VN ra các thị trường thế giới khác chỉ đạt mức tăng trung bình 10%. Đồng thời XK của hàng hoá Mỹ vào thị trường VN cũng tăng 26% trong cùng thời điểm này. Mặt khác, đầu tư của Mỹ vào VN cũng đã có những dấu hiệu tăng lên vừa phải kể từ khi thực hiện BTA.

Giải thích nguyên nhân của hiện tượng "bùng phát" XK hàng hoá VN sang thị trường Mỹ, Giáo sư Jammes Riedel cho rằng: Do thay đổi chính từ phía Mỹ là trao quy chế tối huệ quốc (MFN)-quy chế thương mại bình thường (NTR) cho VN, qua đó giảm một cách đáng kể mức thuế suất trung bình mà Mỹ áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu (NK) từ VN có thuế suất từ 40% xuống còn 3-4%.

Sự bùng nổ hàng XK sang Mỹ đã phủ nhận những ý kiến tiêu cực nảy sinh khi VN mới bắt đầu thực hiện BTA, rằng các doanh nghiệp (DN) VN sẽ gặp khó khăn khi XK sang một thị trường cạnh tranh và phức tạp như Hoa Kỳ.

Giáo sư Jammes Riedel cho biết: Khi được phỏng vấn, các DN XK từ VN sang Mỹ cho rằng họ có thể tìm được người mua sản phẩm của mình và trên thực tế những người mua hàng trên thị trường Mỹ thường đặt hàng nhiều hơn mức mà các DN VN có thể đáp ứng. Những DN VN cho rằng, hạn chế lớn nhất đối với việc mở rộng XK sang Mỹ là năng lực sản xuất chứ không phải thiếu người mua hay phải cạnh tranh về giá.

Đừng sợ trở ngại
Giáo sư Nguyễn Mại, chuyên gia nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng nêu ý kiến: BTA đã có tác dụng tích cực đến nền kinh tế VN, riêng trong lĩnh vực dệt may đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm mới ở các DN dệt may và khoảng 2 triệu chỗ làm trong các DN vệ tinh. Tiêu thụ mặt hàng thủy hải sản XK cũng đã tạo ra bước phát triển nhanh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của VN.

Tuy nhiên việc sớm áp dụng hạn ngạch dệt may cũng như vụ kiện VN bán phá giá cá tra, cá ba sa vào thị trường Mỹ đang gây ảnh hưởng xấu đến nhiều lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế của VN. Nhiều DN lo ngại khi tập trung đầu tư sản xuất để XK hàng sang Mỹ mà cứ gặp cảnh "nắng, mưa" thất thường của những đối thủ cạnh tranh cũng như thị trường Mỹ thì hậu quả sẽ khó lường.

Đã có hiện tượng dãn thợ trong một số DN dệt may cung cấp hàng XK sang Mỹ. Nghề nuôi cá tra, cá ba sa của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang điêu đứng vì vụ kiện của Hiệp hội cá nheo Hoa Kỳ...

Theo Giáo sư Jammes Riedel, đúng là ở Mỹ có những hàng rào thương mại và các khoản thuế chống phá giá, chống trợ giá vẫn được áp dụng cho một số sản phẩm nhất định từ những đối tác nhất định. Tuy nhiên nhận định chung về Hoa Kỳ là một thị trường không đáng tin cậy và tương đối đóng cửa đối với hàng XK của VN thì không có cơ sở.

Giáo sư Jammes Riedel khẳng định: Với bằng chứng khối lượng và sự tăng trưởng hàng NK vào Mỹ, có lẽ Hoa Kỳ là thị trường đáng tin cậy và mở cửa rộng nhất đối với hàng XK từ các nước đang phát triển trên thế giới - trong đó có VN.

Việc áp dụng các chế tài thương mại ở Mỹ sẽ gây phiền toái cho VN, nhưng đây không phải là một trở ngại lớn khi ta nhìn vào gương của rất nhiều các nước đang phát triển khác đã và đang khai thác thành công thị trường Mỹ, mặc dù họ cũng vấp phải các hình thức hạn chế tương tự. Cá da trơn và hàng may mặc là những mối quan ngại của các nhà sản xuất và các quan chức Chính phủ VN, cũng giống như những mối quan ngại của các nhà sản xuất và các cơ quan Chính phủ ở nhiều nước khác từng có tranh chấp tương tự với Mỹ, nhưng sự thực Hoa Kỳ vẫn là thị trường mở ra cơ hội lớn nhất đối với VN để phát triển XK...


Công Thắng