Mở cửa dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp nước ngoài

(06/06/2003 -- 19:09GMT+7)

Hà Nội (TTXVN) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đang chủ trì soạn thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư nước ngoài thay thế cho nghị định hiện hành, mở đường cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào dịch vụ viễn thông và một số dịch vụ khác.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên ngoài diễn đàn viễn thông và công nghệ thông tin đang diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 5 và 6/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực cho biết, dự kiến cuối năm nay Chính phủ sẽ ban hành. Trong lĩnh vực xây dựng mạng lưới dịch vụ viễn thông, nghị định mới có đề cập đến hình thức liên doanh, đây là một hình thức hợp tác mới. Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tham gia dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và đến nay, sau 10 năm, hình thức này đã có khoảng 1,5 tỷ USD đầu tư và đã thực thi khoảng 1 tỷ USD.

Tuy vậy, hình thức liên doanh trong lĩnh vực viễn thông cũng phải tuân thủ những điều kiện riêng, ví dụ như trong hiệp định thương mại Việt-Mỹ khẳng định, sau 2 năm sau hiệp định có hiệu lực tức ngày 10/12 năm nay, dịch vụ giá trị gia tăng sẽ có những liên doanh với nước ngoài với tỷ lệ vốn là 50/50; trong lĩnh vực Internet là 3 năm sau khi hiệp định có hiệu lực; và đối với dịch vụ viễn thông cơ bản như dịch vụ điện thoại di động và nhiều dịch vụ khác là 4 năm.

Ông Trực khẳng định, không có hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực khai thác và cung cấp dịch vụ viễn thông. Nhà nước vẫn giữ độc quyền về bưu chính viễn thông nhưng không để một công độc quyền. Năm 1995, Chính phủ đã cho phép thành lập hai công ty có vốn Nhà nước là Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (Vietel) và Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (Saigon Postel). Gần đây xuất hiện thêm một số công ty như công ty viễn thông hàng hải và công ty viễn thông điện lực.

Các doanh nghiệp mới tham gia không phải để thay thế vai trò của VNPT mà chỉ là để bổ sung thực hiện chính sách huy động mọi nguồn lực, nội lực của đất nước vào hoạt động bưu chính viễn thông ngoài VNPT. Việc các doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông đã tạo nên việc cạnh tranh, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, giảm giá thành và từ đó giảm cước, nâng cao chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng và đó là những mục tiêu mà VNPT đặt ra.

Từ năm 2000 trở lại đây, Việt Nam đã thực sự chuyển đổi từ độc quyền sang cạnh tranh trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet khi Vietel chính thức đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp mới tham gia hoạt động cũng có nhiều thuận lợi như cơ sở hạ tầng đã có, đội ngũ cán bộ có trình độ để tiếp thu công nghệ mới đông đảo. Tuy vậy, hiện nay cơ chế cho các doanh nghiệp mới hoạt động đang được xây dựng.

Các doanh nghiệp mới tham dịch vụ viễn thông có tiến độ chậm, vì việc kết nối mạng gặp nhiều vướng mắc như vấn đề trọng tải đường truyền, tuyến cáp, lưu lượng và đây là những vướng mắc không chỉ Việt Nam gặp phải mà cả các nước trên thế giới đều mắc phải. Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp phải hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông để tránh việc đầu tư lãng phí nhưng Tổng công ty Bưu chính viễn thông vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Ông Trực cho biết, đến năm 2005, các doanh nghiệp mới hoạt động có phấn đấu đi chăng nữa thì cũng đạt chừng khoảng 25-30% thị phần viễn thông Việt Nam, ví dụ là tổng doanh thu của thị trường dịch vụ bưu chính viễn thông Việt Nam là 3 tỷ thì các doanh nghiệp mới chiếm khoảng 700 triệu USD; đến năm 2010, thì VNPT vẫn chiếm khoảng 50-60% thị phần, nhưng lúc này lợi nhuận của các doanh nghiệp mới lớn hơn trước nhiều lần vì doanh thu của thị trường này ngày một tăng, có khi doanh thu là 5-7 tỷ USD.

Cùng với việc kinh doanh, trong nhiều năm qua, VNPT đã thực hiện nhiều dịch vụ công ích. Khi chuyển sang cạnh tranh, đứng về phía chính Phủ đã có những quy định để chia sẻ những gắng nặng của VNPT như trong pháp lệnh của tổng cục Bưu điện trình chính phủ đã phê duyệt là sẽ xây dựng quỹ phổ cập dịch vụ công ích, quỹ này có sự đóng góp của các nhà khai thác dịch vụ viễn thông và nhiều nguồn dịch vụ khác. Khi có quỹ hoạt động công ích, không chỉ VNPT tham gia hoạt động mà nhiều nhà khai thác sẽ làm. Hiện nay, dịch vụ công ích của VNPT đang được Bộ tài chính và Chính phủ xác định./.